Dự án quy mô
Ảnh chup vệ tinh sân golf Tân Sơn Nhất
Sân golf Tân Sơn Nhất có diện tích tổng cộng 157 ha, nằm cạnh đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.
Được xây dựng từ năm 2007 và khai trương vào tháng 8/2015, công trình có quy mô gồm sân golf 36 lỗ (4 cụm sân A-B-C-D, mỗi sân 9 lỗ), khu biệt thự, khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp, trường học và nhiều tiện ích đi kèm.
Trong đó, phần sân golf chỉ có một phần sân A nằm phía đường Quang Trung, quận Gò Vấp, ba sân còn lại bố trí sát với sân bay. Riêng toàn bộ sân C nằm sát hàng rào cây xanh ngăn cách giữa đường băng cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất. Khách chơi golf tại đây có thể vừa đánh golf vừa nghe và xem máy bay gầm rú khi cất, hạ cánh.
Còn tòa nhà CLB Golf có diện tích lên tới 12.700 m2. Riêng bãi đỗ xe rộng tới 2.050 m2, đủ chỗ cho 361 ôtô và 500 xe gắn máy.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, đây là sân golf “mở” duy nhất nằm trong khu vực nội thành Tp.HCM.
Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành sân golf có tổng mức đầu tư 958 tỷ. Và đang lên kế hoạch xây dựng tổ hợp khách sạn, nhà hàng, trung tâm thể thao, nhà trẻ mẫu giáo, trường học cấp 1,2, khu căn hộ 8 tầng và khu biệt thự vào năm 2018.
Dự án này do Công ty Cổ phần đầu tư Long Biên, một thành viên của Công ty Cổ phần Him Lam đầu tư.
Him Lam là cái tên quen thuộc trên thị trường, đặc biệt là ông chủ tập đoàn này – ông Dương Công Minh vốn là nhân vật kín tiếng nhưng nổi danh trong giới tài chính, bất động sản.
Ngoài sân golf Tân Sơn Nhất, hiện Tập đoàn Him Lam cũng đang sở hữu một sân golf quy mô khác ở Hà Nội là sân golf và dịch vụ Long Biên. Dự án này có tổng mức đầu tư 3.362 tỷ đồng, gồm sân golf 27 lỗ và khu biệt thự và căn hộ cao cấp, quy mô hơn 119 ha.
Kịch bản khó lường
Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước cho rằng cần phải xóa hình ảnh sân golf thông thoáng cạnh sân bay chật chội, vào chiều tối ngày 12/6, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ ngành liên quan và quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm đường băng nữa, để tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể sau cuộc họp, Thủ tướng kết luận giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải.
Khảo sát đánh giá khách quan độc lập, trong 6 tháng báo cáo Thủ tướng.
Giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước. Quyết định này của Thủ tướng được đánh giá là hợp lòng dân.
Nếu so với thông tin đấu giá cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Trường An sở hữu tại Công ty cổ phần đầu tư Long Biên được công bố năm 2014, tổng mức đầu tư dự án sân golf Tân Sơn Nhất dự kiến 5.443 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đề ra là 2010 đến 2017, dự kiến kinh doanh các hạng mục sân golf vào quý 3/2014. Thời gian hoàn vốn 13 năm, doanh thu dự kiến bắt đầu từ quý 3/2014 và có lợi nhuận từ năm 2018. Toàn bộ dự án được khai thác trong 50 năm. Vốn đã đầu tư ghi nhận đến năm 2014 là 799 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không giống như kế hoạch được công bố, trên thực tế, thời gian khánh thành sân golf Tân Sơn Nhất chậm hơn dự kiến một năm so với kế hoạch đề ra. Như vậy, thời gian dự án này bắt đầu có lợi nhuận có thể phải kéo dài thêm, không phải là năm 2018 như kế hoạch đề ra mà phải lùi về sau cột mốc này. Có lẽ, trong kế hoạch của Long Biên đã không hề lường trước kịch bản dự án sân golf bị áp lực thu hồi mạnh mẽ như hiện nay.
-
Bộ GTVT nói gì về tình trạng sân bay “tắc” từ trong ra ngoài
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang triển khai nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các sân bay lớn hiện hữu, thúc đẩy tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đồng thời nghiên cứu lập quy hoạch nhiều nha ga, sân bay mới để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày ...
-
“Chốt” thời gian khởi công hai nhà ga sân bay hơn 45.000 tỉ đồng
Nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với tổng vốn hơn 45.000 tỉ đồng sẽ được khởi công vào ngày 31/8, theo VNExpress.
-
TP.HCM cần ứng 29,5 tỉ đồng để nhận đất làm ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ Quốc phòng đề nghị UBND TP.HCM tạm ứng 29,5 tỉ đồng cho Quân chủng Phòng không – Không quân để phục vụ công tác bàn giao mặt bằng triển khai dự án xây dựng nhà ga T3 – sân bay Tân Sơn Nhất.