Hoạt động của các SGD việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) hiện được coi là chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN. Nhiều trung tâm chỉ hoạt động cầm chừng vì không có “khách”, thậm chí có trung tâm cả năm mới có một lần giao dịch. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đại Đồng - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Đại Đồng cho biết, ý tưởng xây dựng cầu nối giữa DN và người lao động, hay nói cách khác giữa cung và cầu lao động hoạt động từ năm 1990, thông qua các hội chợ việc làm. Sau này mô hình này được phát triển thành sàn giao dịch việc làm. Mục đích của ngành lao động đặt ra ở mô hình SGD việc làm khác với hội chợ việc làm là tổ chức hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, có thể hoạt động nhiều lần trong một tháng. Tuy nhiên, thực tế, hiệu quả thực tế không được như mong đợi.

- Theo phản ánh của các DN, hiện có nhiều SGD hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nhiều DN không thể tuyển được lao động thông qua sàn, hoặc người lao động cũng không tìm được việc làm. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của vấn đề này ?

Đây đang là vấn đề nóng của công tác giới thiệu việc làm hiện nay, nói là chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN cũng chưa hẳn đúng bởi SGD cũng chỉ là một kênh mà người lao động sẽ đến để tìm hiểu, tiếp cận DN, đây không phải là kênh duy nhất. Hiện nay người lao động có thể qua trung tâm tìm việc hoặc các kênh khác như báo chí, các web site giới thiệu việc làm... Nhiều tờ báo đã có chuyên trang giới thiệu việc làm, hoặc các trang thông tin điện tử hỗ trợ người lao động tìm việc. Hiện nay chỉ có trên 10% người lao động tìm kiếm việc làm qua trung tâm, định hướng lâu dài chúng tôi cũng chỉ phấn đấu 25 – 30% số người tìm tới các TTGTVL có địa chỉ tin cậy, uy tín.

Sở dĩ cung và cầu chưa gặp nhau do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, mong muốn của người lao động là tìm được việc làm có thu nhập cao, trong khi đó ngược lại DN lại muốn tuyển được lao động với chi phí thấp, trả lương thấp, nhu cầu lương cao mà lại trả lương thấp thì rõ ràng khó gặp nhau. Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN, đây là điều mà DN đang “kêu” nhiều. Thể chất của người Việt đặc trưng là nhỏ bé, do đó sức khoẻ không bảo đảm để có thể làm việc 8 tiếng. Bên cạnh đó kỹ năng lao động cũng chưa cao, hầu hết các DN phải đào tạo lại. Nhiều DN không có điều kiện để đào tạo lại nên bắt buộc phải tìm lao động có kỹ năng nhưng lại không tìm đâu ra. Thứ ba, tính kỷ luật của nguời lao động, nhiều lao động ý thức kỷ luật kém, tác phong công nghiệp kém. Trao đổi với các DN FDI vấn đề kỷ luật lao động họ “kêu” nhiều nhất. Đây là những vấn đề chính gây nên mất cân đối cung - cầu trong công tác giới thiệu việc làm hiện nay.

Bộ LĐTBXH cũng đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường đào tạo nghề nhưng phải đào tạo được kỹ năng của người lao động. Sức khoẻ và nguồn lực thì cần phải có chiến lược lâu dài thì mới giải quyết được. Về ý thức người lao động, cần phải đưa vào giảng dạy trong hệ thống đào tạo, nhưng dường như hệ thống đào tạo của ta “quên” mất công tác này.

- Không chỉ DN, bản thân các TTGTVL cũng “kêu” là gặp nhiều khó khăn trong hoạt động của mình, ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn này ?

Ở các nước, các SGD là nơi người lao động có thể hằng ngày tới đó để tìm kiếm các thông tin về việc làm, các DN có thể đến đó để tiếp người lao động, chứ không như ở VN một tuần hay một tháng mới có một phiên. Chúng ta cũng đang tiếp cận dần với phương thức giao dịch đó, đã có một số địa phương có các sàn giao dịch việc làm hằng ngày như Bắc Ninh chẳng hạn. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng phục vụ của các trung tâm này còn nhiều vấn đề phải làm. Cụ thể như đầu tư về cơ sở hạ tầng. Hiện nay đã có chuơng trình mục tiêu quốc gia về việc làm, hằng năm bố trí nguồn vốn khá lớn cho các trung tâm, các trung tâm hiện đầu tư tương đối mạnh, TTGTVL tỉnh Bắc Ninh có một sàn giao dịch việc làm mẫu, được đầu tư toàn bộ từ ngùôn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia việc làm trung ương, hiện nay hoạt động rất tốt và là điển hình, là mẫu để các trung tâm khác học tập.

Tuy nhiên, khó nhất vẫn là năng lực của cán bộ chuyên môn. Tôi cho rằng vấn đề này chúng ta phải có thời gian để đào tạo. Hiện nay chúng tôi cũng đang tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng cho cán bộ của các TTGTVL về công tác tư vấn, các hoạt động chuyên môn... Mỗi năm chúng tôi tổ chức khoảng 6-7 khoá như vậy cho các trung tâm, tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của trung tâm vẫn còn “vướng” nhiều vấn đề. Hiện nay chúng tôi đang tập trung giải quyết vấn đề này, hiện cơ chế hoạt động của các trung tâm là do các địa phương quản lý, theo quy định thì biên chế của các trung tâm do địa phương quyết định chứ Bộ LĐTBXH không quyết định được. Có trung tâm như TTGTVL Hải Dương hiện có 35 biên chế, nhưng có tỉnh chỉ có duy nhất ông giám đốc là có biên chế, còn lại là ký hợp đồng. Do vậy, đội ngũ cán bộ đã ít nhưng cơ chế tài chính không có, nhiều trung tâm cho biên chế nhưng lại không cho tài chính. Do vậy họ phải lăn xả vào các dịch vụ để kiếm tiền, dịch vụ mà các trung tâm này hoạt động nhiều nhất là dạy nghề. Nhiều trung tâm lấy dạy nghề để nuôi lại các hoạt động khác. Đây cũng là điểm khó cho việc quản lý các TTGTVL hiện nay. Chúng tôi đã nhiều lần đề cập vấn đề này với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nhưng chưa tháo gỡ được vướng mắc này.

- Theo ông thời gian tới các TTGTVL cần hướng tới hoạt động gì để thu hút được sự quan tâm của DN ?

Nói là chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN cũng chưa hẳn đúng vì như đã nói đây không phải là kênh duy nhất.

Còn để hoạt động hiệu quả, trước hết các trung tâm này phải hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả thì DN sẽ tìm đến. Hiện nay đã có một số trung tâm ở các tỉnh đã đạt được yêu cầu của DN. Chẳng hạn TTGTVL Hà Nội, dù chỉ có hai phiên/ tháng, nhưng có trên 100 DN tới đăng ký làm tuyển dụng lao động. Để thu hút được DN, trung tâm phải tạo uy tín và tạo sự tin cậy đối với DN, khi đó các DN sẽ sẵn sàng trả phí, tạo ra sự bổ trợ lẫn nhau.

- Vậy, bộ đã có giải pháp gì để hỗ trợ các TTGTVL, thưa ông ?

Nếu địa phương nào quan tâm tới công tác này thì họ cung cấp biên chế, đất đai, cơ sở vật chất cho TTGTVL, thậm chí đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, hiện còn có nhiều địa phương chưa thực sư quan tâm đến vấn đề này. Về phía bộ, chúng tôi tiếp tục có các văn bản chỉ đạo các địa phương, nhưng cũng cần có thời gian để họ nhận thức được vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông !

Cafeland.vn - Theo Quốc Anh ( DDDN )
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland