Anh Bảo Lộc, người phụ trách kinh doanh sàn giao dịch BĐS Điện lực miền Trung (EVNLand)- sàn ra đời sớm nhất tại thị trường Đà Nẵng cho biết: “EVNLand được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6-2008, dù tốc độ phát triển của thị trường BĐS trên thành phố hằng năm luôn nằm trong top “nóng” của Việt Nam nhưng giao dịch BĐS của các khách hàng qua sàn EVNLand tại Đà Nẵng trong những năm qua chỉ ở mức 20 giao dịch/1 năm (giao dịch thành công). Số lượng giao dịch này là rất nhỏ so với thói quen giao dịch BĐS “ngầm” trao tay của người dân trên địa bàn luôn có mức phát triển BĐS “nóng” trong thời gian vừa qua. Và điều này trái với tâm lý kinh doanh về lĩnh vực BĐS của các nhà đầu tư ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... luôn chọn các sàn giao dịch BĐS làm nơi để trao đổi mua bán”.
Các khách hàng đến giao dịch tại Sàn BĐS chủ yếu là các dự án lớn, quy hoạch rõ ràng công khai. (Ảnh chụp tại Sàn giao dịch BĐS Thiên Kim)
Nói
về nguyên nhân có ít khách hàng đến giao dịch, anh Lộc cho biết: “Vấn đề quan
trọng nhất chính là tâm lý e ngại của khách hàng mỗi khi đến sàn thực hiện giao
dịch, dẫn đến hệ luỵ là nguồn cung của sản phẩm cho các sàn BĐS bị khan hiếm
nên không tạo được sự hấp dẫn cho khách hàng đến giao dịch. Bản thân các sàn
kinh doanh BĐS cần nâng cao hoạt động bằng cách đa dạng hoá các sản phẩm, có
như vậy mới thu hút được khách hàng đến giao dịch. Mặt khác, cơ quan chức năng
cần có những biện pháp chấn chỉnh, quy hoạch đối với các hoạt động kinh doanh
BĐS bất hợp pháp cũng như tuyên truyền tính pháp lý, lợi ích của các nhà đầu tư
khi tham gia giao dịch BĐS ở các trung tâm, sàn BĐS hoạt động đúng pháp luật”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề thu phí môi giới qua sàn, anh Đinh Ngọc Sinh,
Giám đốc sàn BĐS Thiên Kim (đường Nguyễn Văn Linh, ĐN), cho biết: “Đối với hình
thức tư vấn, thẩm định hồ sơ đất thì áp dụng tỷ lệ thu là 0,1%/ tổng giá trị
tài sản được tư vấn; còn đối với dịch vụ môi giới, mua bán BĐS thì được chia
thành nhiều loại: nếu giao dịch dưới 1 tỷ đồng thì áp thu hoa hồng là 1,8% (ví
dụ: Giao dịch thành công 1 thương vụ mua bán BĐS khi qua sàn môi giới có giá
trị 1 tỷ đồng thì Cty sẽ thu tiền hoa hồng tương ứng là 18 triệu đồng (1,8%)”,
từ 1-2 tỷ đồng thì phí thu sẽ là 1,5%, 2- 4 tỷ đồng là 1,2%... và quá trình thu
phí chỉ được khấu trừ vào người bán (hay còn gọi là nguồn cung nếu giao dịch thành
công)”. Cũng theo anh Sinh thì các tỷ lệ hoa hồng 1,8%, 1,5% (giá trị giao dịch
càng lớn thì tỷ lệ hoa hồng càng nhỏ)... áp dụng cho giao dịch BĐS thành công
trên không phải là lớn so với hình thức mua bán sang tay, bởi có khi các tay
môi giới hoạt động tự do thu chênh lệch từ 50-100 triệu đồng cho 1 giao dịch
BĐS dưới 1 tỷ đồng mà người mua phải chịu, đó là còn chưa nói về tính rủi ro có
thể gặp phải về tính pháp lý liên quan.
Trong cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Bốn, Trưởng phòng Quản lý nhà thuộc Sở Xây
dựng thành phố- là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của sàn giao
dịch BĐS cho biết: “Từ khi có Luật Kinh doanh BĐS ra đời, Nghị định
153/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh BĐS và thông tư của Bộ Xây
dựng hướng dẫn thi hành hoạt động của các sàn giao dịch BĐS ra đời đến nay thì
hoạt động kinh doanh về lĩnh vực này dần được chấn chỉnh. Tính đến nay trên địa
bàn thành phố, cơ quan chủ quản đã cấp phép hoạt động cho 10 sàn BĐS đủ điều
kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Dù vậy, việc mua bán BĐS dưới hình
thức sang tay trên thị trường bên ngoài vẫn còn nhiều và phổ biến, điều này dễ
tạo nên sự bất cập trong công tác quản lý, nhất là giá BĐS bị các nhà đầu cơ
thao túng lên rất nhiều so với giá trị thực của thị trường. Vì vậy, thời gian
đến chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền nhằm nâng cao
nhận thức của người dân để hiểu rõ hơn về tính pháp lý, tính chất minh bạch của
các sàn giao dịch, có như vậy mới góp phần đưa lĩnh vực BĐS trở về lại đúng với
giá trị thực của nó”.