Thị trường bất động sản ảm đạm, giao dịch trầm lắng khiến nhiều sàn giao dịch bất động sản phải tạm ngừng hoạt động.

Trong hơn 4 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, thị trường bất động sản đã chịu tác động mạnh mẽ từ chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN.

Thị trường nói chung đã sụt giảm ở tất cả các phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp, đất nền và văn phòng cho thuê. Tính thanh khoản trên thị trường rất yếu, thực trạng thị trường đang trong chu kỳ đi xuống cả về giá và nguồn cầu, dẫn đến thực trạng ảm đảm trong giao dịch trong khoảng 2 tháng trở lại đây.


Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ngoài dòng tiền cho vay vào BĐS bị co hẹp lại trong những tháng gần đây, còn có nhiều nguyên nhân quan trọng khác.


Kênh đầu tư bất động sản những năm gần đây được xem là kênh đầu tư an toàn, đem lại lợi nhuận cao nhất. Chính vì thế, rất nhiều doanh nghiệp đã đổ xô tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác, thiếu kinh nghiệm, tiềm lực tài chính yếu cũng tham gia, thậm chí còn thực hiện theo chiến lược “tay không bắt giặc”.


Dư nợ cho vay tăng nhanh, cấp phép dự án dễ dãi, thậm chí nhiều địa phương cấp phép dự án nhà ở với quy mô lớn ở những nơi chưa có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tối thiểu về nơi ở. Các dự án bất động sản phân lô, bán nền tràn lan tạo nguồn cung ảo trên giấy gây nhiễu loạn thông tin trên thị trường, tạo điều kiện cho nhiều sản giao dịch BĐS hoành hành, làm giá.


Qua khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, sau một thời gian thị trường trầm lắng, giao dịch gần như không có. Rất nhiều sàn giao dịch trên tuyến đường mới Lê Văn Lương kéo dài vừa được đưa vào sử dụng, và được xem là “thánh địa” của môi giới BĐS Hà Nội đóng cửa hàng loạt. Nguyên nhân là do không có giao dịch, thị trường quá ảm đạm, nhiều Sàn đã cho nhân viên nghỉ việc, cắt giảm chi phí hoặc quay sang kinh doanh lĩnh vực khác. Chỉ có số ít sàn vẫn duy trì hoạt động những cũng đã tinh giảm nhân viên, giảm quy mô văn phòng bằng cách cho thuê lại,…

Sàn GD BĐS đóng cửa hàng loạt
Nhiều văn phòng BĐS trên đường Lê Văn Lương kéo dài đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng

Sàn GD BĐS đóng cửa hàng loạt


Trong buổi Hội thảo “làm gì để toàn tại và phát triển trong thời kỳ bất động sản biến động?” do CLB BĐS Hà Nội tổ chức ngày 22/7/2011. Rất nhiều nhà đầu tư đã chia sẻ quan điểm về đầu tư trong thời kỳ thị trường trầm lắng, và đưa ra các hình thức kinh doanh mới như mua BĐS rồi cho thuê, đầu tư BĐS nghỉ dưỡng sinh thái theo hình thức timeshare, đầu tư dự án chung cư mini, giới thiệu những dự án đầy tiềm năng ở vùng ven….


Sàn bất động sản nào cũng cho rằng dự án của mình là tốt nhất, đầu tư hiệu quả nhất, đem lại lợi nhuận cao nhất,…rất nhiều những lời “quảng cáo” tốt đẹp như vậy. Nhưng thực tế khi được hỏi về giao dịch thành công trong tháng vừa qua, thì gần hàng trăm sàn giao dịch, khách hàng đều không có câu trả lời của ban tổ chức.

Điều đó chứng tỏ rằng, giao dịch trên thị trường rất thấp thời gian gần đây. Một phần do tâm lý nhà đầu tư đang trong thời kỳ quan sát thị trường, nhiều người chưa dám đưa ra quyết định mua trong thời điểm này.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay trên toàn quốc có 913 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Với số lượng Sàn giao dịch BĐS tăng mạnh trong năm qua, một phần đã đem lại diện mạo mới cho thị trường bất động sản Việt Nam. Tạo nên tính minh bạch, rõ ràng và tăng quy mô của thị trường, tác động vào ý thức người dân để thay đổi dần tập quán giao dịch cũ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt của Sàn giao dịch BĐS thì hiện tượng “làm giá”, thu chênh lệch, không công khai thông tin của nhiều sàn giao dịch BĐS vẫn chưa được kiểm soát. Điều này gây nên dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.


Đơn cử mới đầy nhất là vụ “làm giá” nhận tiền chênh của Giám đốc sàn BĐS UDIC. Sàn UDIC đã tiến hành giao dịch thành công 7/12 căn liền kề thấp tầng tại dự án khu K thuộc khu nhà Yên Hòa - Cầu Giấy (Hà Nội), thu về số tiền vênh gần 30 tỷ đồng. CQĐT - CATP Hà Nội hiện đã bắt Nguyễn Trần Linh –Giám đốc sàn UDIC để phục vụ điều tra.
Theo Bình An (Cafef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.