Buổi mở bán được coi là thành công tại thời điểm này của Dự án An Binh Tower. Ảnh: Gia Lộc
Hữu xạ tự nhiên hương
Mới đây, Cty CP Cơ khí xây dựng Đại Mỗ tung ra bán đợt 1 gồm 95 căn hộ thuộc dự án Dream Town (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Rất bất ngờ với giới kinh doanh BĐS là ngay tại thời điểm thị trường èo uột và nhiều người mua nhà vẫn giữ tâm lý chờ giảm giá tiếp thì dự án này vẫn nhận được sự quan tâm đáng kể của nhiều khách hàng. Ngay trong ngày chào bán (20/11) đã có tới 250 khách hàng tham gia và tính đến ngày chào bán đã có 75/95 căn hộ được bán. Tìm hiểu nguyên nhân dự án chào bán thành công trong thời điểm khó khăn chung như hiện nay là do mức giá khá hợp lý (17,8 triệu đ/m2 chưa gồm VAT), vị trí của dự án khá thuận lợi: Nằm trên QL70 cách ngã tư giao cắt giữa QL70 và đại lộ Thăng Long khoảng 300m, cách sân vận động quốc gia Mỹ Đình chừng 1,5km, cách đường mới Tasco khoảng 500m….
Một trường hợp nữa đáng chú ý là dự án An Bình Tower do Cty TNHH MTV Đầu tư & Phát triển nông nghiệp Hà Nội vừa tung ra thị trường với mức giá “sốc”: 1,3 tỷ đ/căn hộ chung cư trả góp trong 3 năm. Mức giá mà đơn vị này đưa ra rất mềm (15,5 triệu đ/m2), cộng thêm vị trí khá ổn: Mặt đường 69, cách ngã tư Phạm Văn Đồng - Cổ Nhuế 1,5km đã “lôi kéo” đông khách hàng tới xem và đặt vấn đề giao dịch. Tại sảnh mở bán rộng chừng 100m2 hôm 26/11 đã được lấp đầy bởi người tới xem dự án. Bác Kiên, một người dân sinh sống tại khu vực Mỹ Đình cho biết: Dự án này giá cả rất phải chăng, lại thêm vị trí tốt và công khai mọi thủ tục pháp lý và hợp đồng góp vốn. Chắc chắn tôi sẽ mua 1 căn tại AnBinh Tower cho con trai cuối năm sau lập gia đình. Chia sẻ hồ hởi, anh Quang, cán bộ tài chính của một DN Nhà nước nói: Dự án này không hề hô hào người mua mà chỉ gửi mail tới từng khách hàng. Họ không quảng cáo rầm rộ về giá cả, tiện ích như nhiều dự án khác, chính điều này đã khiến tôi quan tâm nghiên cứu. Có lẽ từ giờ tới Tết, tôi sẽ bàn với vợ gom tiền mua nhà tại đây theo hình thức đóng tiền tiến độ. Ở nhà thuê trong chung cư suốt 2 năm nay chán lắm rồi (!)….
Có thể thấy, ngay trong lúc “nghe ngóng thị trường” như hiện nay, người tiêu dùng có nhu cầu mua ở thực (và có khả năng tài chính) vẫn sẵn sàng mua cho mình một nơi an cư phù hợp. Chẳng cần phải quảng cáo nhiều, cũng chẳng cần giảm giá sâu, những công trình dự án phục vụ nhu cầu ở của dân, với mức giá hợp lý (so với mặt bằng hiện nay) và công khai mọi vấn đề về pháp lý chắc chắn sẽ không lo “ế” vì nhu cầu ở trong dân tại các đô thị luôn là sức ép lớn đối với nguồn cung thị trường.
Cảnh giác với “bẫy” hạ giá
Bên cạnh đó, theo ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Xanh miền Bắc, việc một số dự án chào bán thành công thời điểm này cho thấy nguồn vốn trong dân còn rất nhiều, tuy nhiên, đầu tư vào đâu và bằng kênh nào đang khiến nhiều người phải băn khoăn. Quả thật, sau gần 3 tuần nhiều dự án BĐS giảm giá “sốc”, trước tình hình thực tế khách hàng vẫn chưa thể tiếp cận được với mức giá đó, nhiều nhà đầu tư đã tỉnh táo và nhìn nhận thị trường một cách thực tế hơn với những dự án phù hợp với túi tiền và nhu cầu. Một đại diện của Geleximco cũng thừa nhận, nguồn vốn trong dân là rất dồi dào. Nhất là người dân Bắc, vì người miền Bắc vốn có thói quen “thắt lưng buộc bụng”, để dành tiền cho lúc ốm đau, bệnh tật hay gia đình có công việc. Nhưng sự thực là lượng tiền tiết kiệm ở mỗi gia đình không quá lớn (thường duy trì ở mức 1 - 2 tỷ), nên những căn hộ giá rẻ và trung bình rất phù hợp với túi tiền của người dân. Đây cũng là phân khúc vẫn bán chạy mặc dù thị trường trầm lắng.
Đáng chú ý hơn, lời nhận định của ông Trần Như Trung - Giám đốc nghiệp vụ Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam cũng phản ánh sự cảnh giác cao độ trong tâm lý người tiêu dùng như hiện nay: Việc giảm giá đột ngột với giá trị lớn chứng tỏ DN đã có sai sót trong xác định giá mục tiêu, xác định sản phẩm, đối tượng khách hàng… hoặc chưa tính đầy đủ các yếu tố rủi ro bên ngoài. Ở Hà Nội, nhiều dự án mở bán từ trước đã có nhiều cách khuyến mại và quảng bá sản phẩm, cũng có thể xem như đã giảm giá. Việc giảm giá lớn cũng sẽ xảy ra ở các dự án gặp các sai sót về kinh doanh, ở những vị trí xây dựng không hợp lý hoặc không đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng. Còn hạ giá do các lý do về tài chính có lẽ phía chủ đầu tư mới xác nhận được…
Quả thực, đúng như nhiều chuyên gia BĐS cũng như giới kinh doanh địa ốc “tổng kết”, người tiêu dùng (bao gồm cả nhà đầu tư và người mua có nhu cầu ở thực) đang ngày một thông minh và tỉnh táo. Giữa cơn mưa giảm giá như hiện nay, không phải bất cứ sản phẩm nào giá rẻ cũng được người mua thực sự quan tâm. Tâm lý “của rẻ - của ôi” vẫn thường trực nên khách hàng luôn biết sàng lọc qua rất nhiều kênh thông tin (chính thức lẫn không chính thức) để chọn ra cho mình sản phẩm hữu ích, hợp túi tiền và an toàn nhất. Xem ra, BĐS vẫn chưa lâm vào đường cùng. Chủ đầu tư nào tỉnh táo và nghiêm túc làm ăn sẽ tồn tại tốt, cho dù cơn hạn hán của mảnh đất địa ốc có kéo dài… hết 2012.