Đến ngày mùng 9 Tết, đa số các sàn bất động sản (BĐS) ở Hà Nội đều vẫn trong trạng thái “cửa đóng then cài”, tình trạng này có thể kéo dài hết tháng Giêng âm lịch.

Nghỉ Tết hết tháng Giêng


Năm 2011, nền kinh tế khó khăn, nguồn vốn khan hiếm, nhiều hoạt động giao dịch BĐS chậm lại, thậm chí ngừng hẳn. Chưa bao giờ BĐS lại rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy, thậm chí cuối năm nhiều sàn còn đóng cửa cho nhân viên nghỉ ăn Tết sớm trước hàng tháng. Đến nay, sau những ngày nghỉ Tết dài, các sàn hầu như vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.


Sàn BĐS “cửa đóng then cài”, nghỉ Tết hết tháng Giêng


Sàn BĐS “cửa đóng then cài”, nghỉ Tết hết tháng Giêng
Nhiều sàn BĐS trên đường Lê Văn Lương kéo dài đều vẫn "cửa đóng then cài". Ảnh: Nguyễn Lê

Theo quan sát của PV, phố Lê Văn Lương kéo dài vốn là trục đường tập trung khá nhiều sàn BĐS nhưng đến nay may ra mới có lác đác một, hai sàn mở cửa lấy ngày. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở Xa La, Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân…


Sàn BĐS “cửa đóng then cài”, nghỉ Tết hết tháng Giêng


Sàn BĐS “cửa đóng then cài”, nghỉ Tết hết tháng Giêng
Sàn BĐS phố Hoàng Ngân cũng nghỉ Tết dài... Ảnh: Nguyễn Lê

Khi được hỏi khi nào sàn sẽ mở cửa trở lại thì hầu hết các sàn BĐS đều cho biết sẽ nghỉ qua rằm tháng Giêng, thậm chí còn nghỉ hết tháng Giêng âm lịch. Ông Lê Trọng Bằng, Giám đốc sàn BĐS Đô thị Thăng Long than thở: Đầu năm người dân chỉ tập trung đi lễ chùa xin lộc, cầu may, hơn nữa thị trường cũng đang trong cảnh trầm lắng từ cuối năm ngoái nếu mở cửa bây giờ cũng chẳng có ai đến. Do vậy, sàn Thăng Long sẽ nghỉ hết tháng Giêng mới mở cửa trở lại.


Với kinh nghiệm trong ngành, ông Bằng cho hay, ít nhất cũng phải từ tháng 6, tháng 7 âm lịch trở đi may ra thị trường BĐS mới “sôi” trở lại bởi sau cơn sốc giảm giá, đóng băng… thị trường cũng cần có thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, theo ông Bằng, những căn hộ diện tích nhỏ, giá chỉ từ 2 đến 3 tỷ đồng mới có khả năng “hút” khách, còn những căn giá trên 3 tỷ sẽ rất khó bán. Đất nền vẫn hy vọng có giao dịch nhưng phải là những nơi có cơ sở hạ tầng. Còn căn hộ khách cũng chỉ hỏi mua những dự án đã hoàn thành, có thể về ở ngay.


Cắt giảm nhân sự, môi giới sẽ phải chuyển nghề


Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế cũng như của thị trường BĐS đã được dự báo trước, nhiều sàn cũng đã có kế hoạch trước cho một năm kinh doanh mới.


“Trước nghỉ Tết sàn chúng tôi có tới 15 nhân viên, nhưng vì kinh doanh gặp khó khăn chung, thu nhập phụ thuộc vào doanh thu nên anh em xin nghỉ nhiều, sàn cũng phải cắt giảm nhân viên nên đến nay chỉ còn 6 người. Sang năm nay dự báo còn tiếp tục khó khăn nên có lẽ sàn cũng phải mở thêm dịch vụ kinh doanh thêm như trông xe ngày đêm để thêm việc, tăng thu nhập cho anh em thôi” – vị giám đốc sàn BĐS Đô thị Thăng Long tâm sự.


Sàn BĐS “cửa đóng then cài”, nghỉ Tết hết tháng Giêng
Nhiều sàn BĐS lo lắng không biết thị trường BĐS sẽ trượt dốc đến bao giờ? Ảnh: Nguyễn Lê

Theo ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc sàn BĐS Vinacity: Năm nay, thị trường BĐS khó có “sóng”, thị trường vẫn sẽ rơi vào tình trạng trầm lắng, có thể môi giới phải chuyển nghề hoặc có thể kinh doanh thêm những ngành khác mới có thu nhập ổn định cuộc sống.


Chia sẻ về triển vọng thị trường, đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS cũng đều tỏ ra thất vọng, vì không biết liệu thị trường sẽ trượt dốc đến bao giờ, khi mà tín hiệu khả quan vẫn chỉ là ánh sáng ở cuối đường hầm. Trong thời điểm khó khăn, việc sàn BĐS đóng cửa ngừng hoạt động là dễ hiểu.


Một số chuyên gia trong ngành nhận định rằng, khi mà giá BĐS đặc biệt là giá nhà ở vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, tình trạng đầu cơ kích giá còn phổ biến thì giao dịch BĐS có nhiều chiều hướng giảm sút, các giao dịch BĐS sẽ đều chững lại.

Theo Nguyễn Lê (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.