Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Petrotimes, ông Trịnh Bá Uy – Thanh tra xây dựng quận Thanh Xuân cho rằng: Chính áp lực tiến độ là nguyên nhân khiến chủ đầu tư cũng như nhà thầu liên tiếp vi phạm các quy định trong Luật Xây dựng.
Chủ đầu tư Sakura Tower đang chơi bài "cùn" với chính quyền.
Trước hàng loạt thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc Sakura Tower xây dựng không phép, ông Uy khẳng định: Đây là công trình có đầy đủ các điều kiện cấp phép xây dựng khi mà các thủ tục pháp lý theo luật định đã được Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn thực hiện khá đầy đủ và được thể hiện trong các văn bản sau:
Ngày 3/9/2008, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản số 282/QHKT-P2 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 47 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân – Hà Nội. Theo đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội thống nhất về nguyên tắc để chuyển đổi chức năng và mục đích sử dụng khu đất có giấy chứng nhận sử dụng đất số AĐ 692203 từ Trụ sở, sản xuất kinh doanh sang tổ hợp công trình thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp.
Tiếp đó, ngày 20 tháng 1 năm 2009, UBND quận Thanh Xuân đã công văn số 164 GXN-UBND về việc xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường của dự án: Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng Sakura Tower của Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn tại 47 Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Ngày 19/6/2009, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Công an Hà Nội đã có Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy số 294/CNTD-PCCC.
Ngày 26/10/2009, căn cứ vào các quy định trong hoạt động đầu tư, xây dựng và các văn bản thẩm tra của các đơn vị chức năng, UBND thành phố Hà Nội đã có Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000342 cho phép Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn thực hiện dự án đầu tư “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng Sakura Tower”. Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên diện tích 1.100m2; mật độ xây dựng là 47,8%; tầng cao công trình là 22 tầng; tầng hầm để xe, kỹ thuật là 2 tầng; tổng diện tích sàn xây dựng là 23.493 m2; với tổng vốn đầu tư dự kiến là 314,4 tỉ đồng.
Tiếp đó, ngày 28/4/2010, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản số 2338CV/SXD – CP đồng ý cho Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn tiến hành khoan cọc nhồi của công trình.
Qua đó để thấy rằng: Việc xây dựng không phép ở toàn nhà Sakura Tower do Công ty Cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư là sai nhưng vụ việc đã không được các cơ quan báo chí phản ánh đúng mực bởi bản chất của vụ việc là chủ đầu tư vì chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước nên chưa được cấp phép, ông Uy nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm, từ khi dự án được triển khai, Thanh tra quận đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý và lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công ngừng việc xây dựng trái phép nhưng chủ đầu tư và nhà thầu thi công vẫn cố tình thi công xây dựng. Thậm chí ngay cả khi các cơ quan cung cấp điện nước ngừng cung cấp các dịch vụ, chủ đầu tư và nhà thầu đã dùng máy phát điện và nước giếng khoan để phục vụ thi công công trình vi phạm.
Nói về quá trình thực thi quyền hạn của Thanh tra quận trong việc xử lý vụ việc, ông Uy khẳng định: Với trách nhiệm được pháp luận quy định, Thanh tra quận đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, đúng thẩm quyền, tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xử lý đúng luật định. Tuy nhiên, việc giám sát đình chỉ công trình vi phạm còn chưa triệt để; chưa đôn đốc quyết liệt các đơn vị liên quan trong việc đình chỉ thi công, chưa kịp thời đề xuất UBND quận áp dụng các biện pháp buộc chủ đầu tư dừng thi công công trình.
Bày tỏ quan điểm về sự việc, ông Uy cho rằng: Trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, vốn vay dành cho các dự án bất động sản bị siết chặt thì các doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn từ khách hàng và các nhà đầu tư bởi theo Luật đầu tư thì chỉ cần xong phần móng là chủ đầu tư có thể tiến hành kêu gọi vốn. Song hành với việc này, chủ đầu tư phải tiến hành triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết. Chính áp lực tiến độ là nguyên nhân khiến chủ đầu tư cũng như nhà thầu liên tiếp vi phạm các quy định trong Luận Xây dựng.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mức phạt 500 triệu đồng với chủ đầu tư và 30 triệu đồng với nhà thầu tuy đã là mức cao nhất theo các quy định của Luật Xây dựng nhưng còn rất nhỏ so với số tiền doanh nghiệp sẽ phải trả vì vi phạm hợp đồng đầu tư. Chính vì điều này, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận chịu phạt theo quy định của luật để tránh chịu phạt vì vi phạm tiến độ công trình theo hợp đồng huy động vốn.
Như vậy, việc xây dựng không phép kéo dài tại tòa nhà Sakura Tower chính là chiêu bài “cùn” của chủ đầu tư với chính quyền bởi theo ông Uy thì với các quy định hiện hành, các cơ quan chức năng chỉ có thể tiến hành các biện pháp xử phạt hành chính chứ không thể tiến hành cưỡng chế tháo gỡ.