29/06/2011 1:03 AM
Theo quy hoạch phát triển ngành thép của cả nước giai đoạn 2007 - 2015, BR-VT chỉ được phép thu hút 9 dự án thép. Thế nhưng, số dự án thép đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào BR-VT đến nay đã lên đến con số 18.

Rút phép những dự án thép ngoài qui hoạch ở BR-VT : Tiến thoái lưỡng nan

Luyện phôi thép tại nhà máy thép Thép Việt

Hiện tổng công suất của các dự án thép tại BR - VT đã lên tới 3.750.000 tấn phôi /năm (vượt quy hoạch 1,75 triệu tấn phôi thép/năm); gần 12 triệu tấn thép cán/năm (vượt quy hoạch 5 triệu tấn thép cán/năm), dẫn đến quá sức “gánh vác” của tỉnh về các điều kiện hạ tầng, đặc biệt là cấp điện.

Thừa và thiếu

Từ giữa năm 2010, Bộ Công Thương và địa phương đã thống nhất rà soát lại các dự án thép để rút phép những dự án không nằm trong quy hoạch và không khả thi. Tuy nhiên đến nay, chưa một dự án nào bị rút phép.

Bà Trần Thị Hường - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trên quan điểm đã thống nhất, tháng 8/2010, UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra rà soát lại tình hình triển khai các dự án thép trên địa bàn. Sau đó, chính thức có văn bản số 6794/UBND-VP, ngày 8/10/2010 báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương. Trong đó kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép BR-VT được bổ sung quy hoạch 3 dự án đã đầu tư xong và đang hoạt động gồm: dự án nhà máy luyện phôi thép Thép Việt công suất 500.000 tấn/năm; Nhà máy cán thép Thép Việt công suất 450.000 tấn/năm; nhà máy cán thép Đồng Tiến công suất 250.000 tấn năm. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương phân bổ thêm nguồn điện để cung ứng cho các dự án này khi đi vào hoạt động. Cùng đó, UBND tỉnh cũng có văn bản số 8286/UBND-VP ngày 6/12/2010, chỉ đạo Ban quản lý các KCN căn cứ vào thẩm quyền và các quy định hiện hành, sớm ban hành quyết định thu hồi giấy phép đầu tư đối với 5 dự án đã cấp phép đầu tư không đúng quy định và chậm triển khai (trong đó 4 dự án ngoài quy hoạch, 1 dự án chậm triển khai) trên tinh thần sẵn sàng “sửa sai” để tránh hậu quả. Cụ thể là các dự án: nhà máy thép cán nóng miền Nam của Cty Thép Essar công suất 2 triệu tấn/năm; nhà máy thép cán hợp kim dự ứng lực công suất 500.000 tấn/năm; nhà máy SX phôi Fuco, công suất 1 triệu tấn/năm; nhà máy luyện phôi thép Phú Thọ, công suất 500.000 tấn/năm; và nhà máy thép cán nguội Thép Việt, công suất 1,2 triệu tấn/năm.

Sau khi xem xét trên nhiều góc độ, Bộ Công thương có văn bản đề nghị tỉnh BR-VT cân nhắc cho phép dự án nhà máy cán thép hợp kim dự ứng lực công suất 500.000 tấn năm được tiếp tục triển khai và bộ sẽ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch ngành thép giai đọan 2011-2015 xét đến 2020, lý do đây là dự án sản xuất thép chất lượng cao, và sử dụng công nghệ cao. 4 dự án còn lại, thống nhất quan điểm của UBND tỉnh sẽ rút giấy phép đầu tư.

“Án binh bất động”

Ban quản lý các KCN cho rằng, việc rút phép sẽ rất khó khăn vì các nhà đầu tư đều đã có kế hoạch của mình. Hơn nữa, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh. Thực tế, kể từ khi nhận chỉ đạo của tỉnh đến nay, cơ quan này chưa có động thái gì trong việc “xử lý” những dự án cấp phép đầu tư không đúng quy định và chậm triển khai. Hiện Ban quản lý các KCN vẫn chưa đưa ra một quyết định “rút phép” đối với dự án nào trong số 4 dự án nằm trong danh sách đề nghị rút phép. Chính vì thái độ “án binh bất động” này của Ban quản lý các KCN nên có chủ đầu tư đã “tranh thủ” thi công “chạy” để dự án thoát khỏi tình trạng chậm triển khai. Điển hình là dự án sản xuất phôi thép Fuco. Hiện nay, dự án này đã cơ bản xây dựng hoàn chỉnh nhà xưởng và chờ lắp đặt thiết bị. Cùng với việc đẩy nhanh thi công nhà máy, Cty TNHH Thép Fuco cũng đã có văn bản báo cáo và xin phép Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng có văn bản số 2887/BCT-CNNg, ngày 1/4/2011, chính thức trả lời Cty: thống nhất đề nghị của UBND tỉnh BR-VT là thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất phôi thép Fuco.

Hậu quả khó lường

Đến thời điểm này, địa phương BR-VT cũng vẫn giữ vững quan điểm: kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án không nằm trong quy hoạch ngành thép. Về phía cơ quan chủ quản cao nhất là Bộ Công Thương, ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cho rằng, việc “cấp phép có thể dễ hơn rút phép, nhưng khó thì cũng phải làm”.

Theo bà Trần Thị Hường - Giám đốc Sở Công Thương, một khi dự án không được bổ sung vào quy hoạch ngành thép thì không thể được bổ sung quy hoạch cấp điện. Do đó, sở Công thương cũng không có căn cứ gì để đưa dự án này vào bổ sung quy hoạch cấp điện. Hơn nữa, mỗi lần bổ sung quy hoạch cấp điện thì địa phương BR-VT sẽ phải tốn hàng trăm triệu đồng để thực hiện điều chỉnh bổ sung quy hoạch. Vì thế, Sở Công Thương không thể “cầm đèn chạy trước ôtô”. Hiện nay, Bộ Công thương đang lấy ý kiến của các địa phương để trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành thép VN giai đoạn 2011 - 2020, xét đến 2025. Trong khi chờ phê duyệt quy hoạch ngành thép, trên địa bàn tỉnh sẽ không bố trí quy hoạch cấp điện cho các dự án đã đề nghị thu hồi giấy phép đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015. Như vậy, thái độ “án binh bất động” của Ban quản lý các KCN tỉnh trong suốt thời gian qua khiến chủ đầu tư dự án thép Fuco tranh thủ thi công “chạy” như đã nêu sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Theo Trung Sơn (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.