08/10/2017 8:52 PM
Để trả lời câu hỏi có nên tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê hay không, các nhà khoa học của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã đưa ra các phương án giả định với phân tích được – mất. Câu trả lời cuối cùng của các nhà khoa học là chưa nên triển khai dự án này.

Tại văn bản góp ý gửi các cơ quan có thẩm quyền, VUSTA cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện dự án, chấp nhận các rủi ro, thì cái được là tiếp nối những công việc đã làm, sẽ có nguồn thu từ bán khoáng sản, có công ăn việc làm cho người dân và dịch vụ đi kèm, nhưng cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro – nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội... mà việc khắc phục chúng sẽ đẩy giá thành quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Quặng Thạch Khê sẽ là một món lợi lớn nếu biết khai thác, ngược lại cũng có thể là một thảm họa nếu quyết làm khi chưa đủ cơ sở.

Nếu chấm dứt hoạt động, cam chịu mất phần vốn đầu tư bỏ ra, thì cái được chính là tránh được tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt vòng đời 52 năm của dự án; cái mất là phải chấp nhận mất khoản vốn đầu tư ban đầu – hơn 1.589 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo VUSTA, đây không phải mất trắng, vì khoản tiền đền bù di dân – tuy lớn, nhưng có thể xem như món quà của Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ cộng đồng cư dân nghèo khó của huyện Thạch Hà.

Một phương án khác được đề xuất là tiếp tục tạm dừng dự án cho đến khi những vấn đề môi trường có được phương án xử lý tốt, các khó khăn về công nghệ và kỹ thuật được khắc phục. Phương án tạm thời này cũng tránh được những rủi ro với những nguy cơ đang hiện hữu – nhưng tiếp tục “treo” dự án sẽ là gánh nặng cả với chủ đầu tư và người dân địa phương.

VUSTA cho rằng, hiện cơ sở pháp lý của việc tái khởi động dự án chưa hoàn thiện, xuất hiện các yêu cầu mới về giải pháp bảo vệ môi trường, về sự phù hợp của báo cáo ĐTM đã được phê duyệt với quy định hiện hành, vấn đề xã hội phát sinh sau sự cố Formosa, các vấn đề kinh tế và vốn đầu tư của dự án đòi hỏi chủ đầu tư phải rà soát và tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước khi dự án tái khởi động.

Hiệu quả kinh tế của dự án được đánh giá là rất thấp khi phải đầu tư nhiều để bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở, bơm thoát nước... Hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao, đồng thời chưa có phương án tiêu thụ sản phẩm khả thi, nhất là trong trung và dài hạn.

Ngoài nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề nếu các giải pháp về công nghệ khai thác không khả thi khi gặp phải thiên tai hoặc do địa chất phức tạp gây ra, dẫn đến sụt lở đất đá, nước tràn vào mỏ; dự án còn không tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là đối với dân cư phải chuyển đổi chỗ ở khi thực hiện dự án. Ngược lại, những cư dân nơi đây thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ của dự án mang lại.

Với tất cả những lo ngại được đưa ra, VUSTA đã kiến nghị dự án chỉ nên được tiếp tục sau khi những vấn đề đã có được phương án xử lý đảm bảo. Tuy nhiên, nếu dự án tiếp tục được tạm dừng, cần có giải pháp để người dân địa phương thoát cảnh “treo”.

Sẽ là rất thiếu công bằng với nhân dân địa phương, bởi họ đã sống trong cảnh chờ đợi từ năm 2008 đến nay, nhà cửa không xây mới, đất đai không được chuyển nhượng, không được tách hộ... các dự án kinh tế- xã hội không được thực hiện.

Ngay cả cán bộ, công nhân viên của TIC cũng cần câu trả lời, bởi thời điểm PV Báo CAND có mặt tại Hà Tĩnh vào cuối tháng 8 – cán bộ của TIC cho biết từ tháng 3 họ không được nhận một đồng lương nào.

Có thể ngăn ngừa sự cố như Formosa chỉ dựa vào “hy vọng”?

Trước đó, trả lời câu hỏi của PV tại phiên họp báo Chính phủ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – đại diện cho Bộ luôn cổ vũ việc tiếp tục triển khai dự án này cho biết: “Về tính khả thi của dự án thì tất cả các cơ quan chức năng như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Công Thương, rất nhiều bộ, ngành, thậm chí các nhà tư vấn, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghiên cứu trong thời gian rất dài và đã có kết luận. Chúng tôi cũng đã có ý kiến của mình”.

Mặc dù khẳng định “Quan điểm của chúng tôi là chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá” nhưng ông Đỗ Thắng Hải cũng lại cho rằng “Chúng ta không thể vì một lý do nào đó có thể chưa mang lại toàn những cái lợi cho dự án mà không tiếp tục triển khai các dự án”.

Ông Đỗ Thắng Hải cũng “Rất mong trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có quyết định chính thức để có thể giúp cho sự phát triển kinh tế không chỉ một tỉnh như Hà Tĩnh mà còn toàn bộ miền Trung và lớn hơn nữa là sự phát triển của đất nước. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta đã có bài học Formosa, cũng ở Hà Tĩnh, một bài học lớn cho cả đất nước chúng ta. Chúng tôi rất hy vọng chúng ta sẽ phát triển và ngăn chặn được những điều không mong muốn”.

Vũ Hân (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.