Thời hạn đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản xuống dưới 16% còn 3 tháng, nhưng dư nợ cho vay bất động sản, đặc biệt là nợ xấu bất động sản vẫn rất cao.

Ảnh minh họa: Corbis

Thông tin tại Hội thảo “Tài chính và kế toán lĩnh vực bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, dư nợ cho vay bất động sản tại TP.HCM là 47%, tại TP. Hà Nội là 16% trong tổng số 245.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, chiếm gần 10% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng, trong đó nợ xấu khoảng 8 - 12% (tương đương 30.000 tỷ đồng).

Đáng lưu ý là, thời hạn mà các ngân hàng thương mại phải đưa tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản về mức 16% không còn dài (ngày 31/12/2011), nhưng tại nhiều ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng nhỏ, dư nợ bất động sản vẫn chiếm 30-40% trên tổng dư nợ, cá biệt có ngân hàng chiếm tới 50%.


TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ rõ, không chỉ tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản cao, nhiều ngân hàng vẫn đang xem xét các khoản vay nội bộ, tức là cho các cổ đông lớn của các ngân hàng vay tiền, mà các cổ đông này lại chính là chủ đầu tư các dự án bất động sản. Đây chính là rủi ro lớn đối với ngân hàng.


Ngoài nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trong thời gian qua còn do nhiều tổ chức tín dụng thực cấp tín dụng trên cơ sở đảm bảo bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư cấp I.


Cụ thể, ngay khi công trình mới nằm trên giấy, chủ đầu tư đã huy động vốn từ người mua nhà. Và chính người tiêu dùng hay các chủ đầu tư thứ cấp lại tiếp tục dùng hợp đồng mua nhà đó vay vốn ngân hàng và tái đầu tư. Với kiểu vay vốn vòng quanh như vậy, một tài sản bất động sản, hoặc một dự án bất động sản sẽ tiếp cận vay vốn được nhiều ngân hàng. Điều này làm phát sinh nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng, nếu sản phẩm bất động sản không sớm được thanh khoản.


Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng phi sản xuất xuống dưới 22% vào ngày 30/6/2011 và 16% vào cuối năm nay cũng khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản không thể hoàn thiện các hạng mục dở dang, thanh khoản trên thị trường khó khăn..., dẫn đến việc doanh nghiệp, nhà đầu tư không có khả năng thu hồi vốn, nên không có tiền trả nợ ngân hàng.


Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nới tín dụng là một cách giải quyết nợ xấu, vấn đề là nới thế nào và nới ở đâu.


TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nợ xấu bất động sản tại Việt Nam bắt đầu từ việc thị trường này phát triển quá nóng, trong khi các chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính, dựa quá nhều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Khi thị trường bất động sản chững lại, thanh khoản chậm và giảm giá mạnh, khả năng nợ bất động sản trở thành nợ xấu rất cao.


Tuy nhiên, trong lúc lạm phát của Việt Nam đang rất cao, nếu nới lỏng tín dụng bất động sản quá sớm và không được kiểm soát soát chặt chẽ, có thể dẫn đến tình trạng bùng phát lạm phát.


Để giảm tỷ lệ nợ xấu mà không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát, theo TS. Đặng Hùng Võ, biện pháp nới tín dụng bất động sản (cụ thể là các dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội có tính khả thi cao, sắp hoàn thiện đưa ra thị trường) là rất khả thi. Tuy nhiên, mức lãi suất cho đối tượng này phải có ưu đãi, bởi đây là những dự án an sinh xã hội, nếu áp dụng mức lãi suất thông thường 17-19%, sẽ không đạt kỳ vọng ban đầu
Theo Hữu Tuấn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.