Thứ hai là sau một thời gian giảm giá mạnh, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư thì đến thời điểm này giá khó có thể giảm sâu hơn, nên họ bắt đầu có nhu cầu mua vào.
Thứ ba là một số người muốn tiến hành mua bán nhà đất đầu năm xem như đi hái lộc, với mong muốn sẽ gặt hái được thành công trong năm con Rồng này. “Nhiều nhà đầu tư khi ‘xuống tiền’ chia sẻ rằng, lãi suất ngân hàng chỉ cần có biến động giảm thì thị trường bất động sản sẽ thay đổi lớn ngay”, ông Quỳnh phản ánh.
Có
cái nhìn kém lạc quan hơn, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sàn
giao dịch bất động sản Thái Minh Quang cho hay, chỉ mấy ngày cuối tuần
qua, Sàn của ông cũng đã có hai giao dịch thành công, là căn hộ tại dự
án khu vực phía Tây Hà Nội.
“Người mua chủ yếu nhắm vào nhà đất dưới 3 tỷ đồng và có thể ở được ngay, còn các loại bất động sản mới đang ở mức hợp đồng góp vốn hoặc chưa khởi công thì rất khó giao dịch”, ông Hùng nói.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn bất động sản Sohovietnam thì cho biết, mặc dù Công ty chưa có giao dịch nào thành công, nhưng số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu thông tin về các dự án bất động sản tăng khá mạnh sau Tết Nguyên tiêu. Theo ông Cần, ngoài việc chú trọng tìm hiểu về những bất động sản có giá trị vừa phải trong khoảng 2,5 - 3,5 tỷ đồng, các nhà đầu tư còn chú trọng tìm hiểu tiến độ thực hiện dự án theo hợp đồng, cam kết về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Doanh nghiệp cần thay đổi
Là người luôn có cái nhìn lạc quan, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ với ĐTCK rằng, với tình hình thị trường hiện nay, các nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn trước rất nhiều. “Điều mà tôi khuyên họ trước sau như một là cần phải kiên nhẫn, đối mặt và sáng tạo trước khó khăn. Nhiệm vụ của tôi là giúp các khách hàng, các chủ đầu tư nhìn nhận khách quan với hiện thực: không quá lạc quan cũng không quá bi quan, đánh giá đúng tiềm năng và giá trị bất động sản của mình”, ông Trung nói.
Theo
ông Trung, trước kia, để mua được nhà đất thì người ta phải xếp hàng,
nhưng nay thì chủ đầu tư lại “gõ cửa” từng nhà để mời chào mua hàng.
Nhưng việc người mua đang có nhiều quyền hơn lại không đồng nghĩa với
việc có nhiều giao dịch trên thị trường. Thị trường bất động sản Việt Nam
đã trải qua một thời gian dài “quyền lực” thuộc về người bán, nên khi
chuyển dần quyền sang người mua, cần phải có một giai đoạn “quá độ”.
Ông
Trung cho rằng, không nên trông chờ vào việc giá nhà sẽ tiếp tục giảm
sâu, bởi mọi thứ đều có giới hạn và nhận định: trong thời gian tới sẽ có
thêm nhiều sản phẩm phù hợp với năng lực tài chính của người sử dụng
cuối cùng.
Ông Cần thì nhấn mạnh: “Thời điểm này, thị trường bất động sản Hà Nội hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người mua. Trong bối cảnh như vậy, thay đổi để tồn tại và phát triển giờ đây là một lẽ tất yếu với các doanh nghiệp bất động sản”.
Theo
các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực lực tài
chính của mình để tìm ra giải pháp sử dụng nguồn vốn đó như thế nào cho
hiệu quả. Các chủ đầu tư nên dựa vào năng lực tài chính của họ hơn là
phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ bên ngoài. Tuy nhiên, thị trường bất
động sản có nhiều kênh huy động vốn, tiềm năng nhất là huy động vốn từ
trong dân. Để thu hút được nguồn vốn thực từ dân thì ngay từ thời điểm
phát triển ý tưởng dự án, chủ đầu tư nên có những chiến lược về sản
phẩm, đối tượng khách hàng mục tiêu và giá bán phù hợp.