07/09/2020 9:51 AM
Việc thu hồi tài sản Nhà nước trong việc góp vốn của TCT Đường sắt Việt Nam (VNR) tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu (TP. Hà Nội) đang rất chậm.

Khu “đất vàng” 80 - Lý Thường Kiệt (Hà Nội) đang bị bỏ hoang. Ảnh: A.M

Bên đẩy nhanh

Sự sốt ruột là điều có thể nhận thấy tại Công văn 8594/BGTVT-QLDN ngày 31/8/2020 được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện Kết luận thanh tra liên quan đến việc góp vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (TP. Hà Nội).

Theo Bộ GTVT, trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 và Công văn số 4766/VPCP-V.I ngày 15/6/2020 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo VNR khẩn trương thu hồi tài sản về cho Nhà nước trong việc góp vốn tại khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu.

Thực hiện Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban đã tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VNR kể từ ngày 12/11/2018.

“Để triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp, có ý kiến chỉ đạo VNR khẩn trương triển khai thực hiện nhằm sớm hoàn thành việc thu hồi tài sản về cho nhà nước tại khu đất 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (TP. Hà Nội)”, Công văn số 8594/BGTVT-QLDN do ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.

Trước đó, chỉ ít ngày sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 4766/VPCP-V.I, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc số 6287/BGTVT-TTr ngày 29/6/2020 yêu cầu cầu VNR khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực. Bên cạnh đó, 3 ngày trước khi gửi công văn nhờ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hỗ trợ, Bộ GTVT một lần nữa có công văn tiếp tục thúc VNR khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm sớm thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Được biết, việc thu hồi lô đất 80 - Lý Thường Kiệt rộng 717,48 m2 và lô đất 22 - Phan Bội Châu rộng 261 m2 chính là khoản khê đọng lớn và phức tạp nhất được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận Thanh tra số 2222/KL-TTCP ngày 28/8/2016 về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên.

Tại kết luận trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất tại 2 lô đất trên của VNR còn một số tồn tại như không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT; quá trình đàm phán góp vốn, Hội đồng Thành viên VNR đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng là thiếu cơ sở.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, thực chất, VNR đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Bên thận trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào chiều 4/9, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR cho biết, đơn vị luật sư mà Tổng công ty thuê đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để tiến hành khởi kiện Công ty TNHH Hà Thành, đối tác tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn để khai thác 2 lô đất trên xây dựng khách sạn 4 sao.

“Do đây là việc làm chưa từng có tiền lệ, nên VNR và đơn vị tư vấn pháp lý xác định là phải chuẩn bị các phương án một cách cẩn trọng khi tiến hành yêu cầu hủy thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành, hoàn trả tài sản, phục hồi quyền thuê đất tại 2 lô đất là 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu”, ông Minh cho biết.

Tổng giám đốc VNR cho biết, ngay sau khi có Thông báo số 165, từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2019, VNR đã liên tiếp gửi 4 văn bản đến đối tác góp vốn với cùng nội dung: “Đề nghị Công ty TNHH Hà Thành cử đại diện hợp pháp làm việc với đại diện VNR để thỏa thuận hủy bỏ biên bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết ngày 20/5/2013”.

Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của VNR, Công ty TNHH Hà Thành không có bất kỳ văn bản hay ý kiến phản hồi nào. Đến tháng 4/2020, VNR buộc phải ký hợp đồng với một văn phòng luật sư tại Hà Nội để triển khai dịch vụ pháp lý giải quyết vụ việc thu hồi tài sản tại 2 lô đất trên.

Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, từ tháng 4/2020 đến nay, đơn vị luật sư của VNR cũng đã 2 lần gửi văn bản và gọi tới số điện thoại của người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Hà Thành, nhưng đều bất lực trong việc kết nối liên lạc làm việc.

Hiện sức ép đối với cả Bộ GTVT và VNR về việc phải sớm thu hồi các tài sản nói trên về cho Nhà nước là rất lớn. Tại Công văn số 4766, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo VNR khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực tại Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 31/10/2018 của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc góp vốn của VNR tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu, đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước.

“Nếu các bên liên quan không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tháng 5/2013, VNR và Công ty TNHH Hà Thành bắt tay hợp tác đầu tư, sở hữu, quản lý và kinh doanh khách sạn tại khu đất số 80 - Lý Thường Kiệt và số 22 - Phan Bội Châu. Theo đó, hai bên hợp tác góp vốn thành lập pháp nhân mới (Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn) để đầu tư xây dựng và khai thác khách sạn tiêu chuẩn 4 sao tại 2 khu đất này theo tỷ lệ góp vốn 50/50.

Trong khi Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng tiền mặt, thì VNR góp bằng tài sản và quyền thuê đất tại 2 lô đất, được định giá 30 tỷ đồng, bằng 50% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn. Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn đã được UBND TP. Hà Nội cho thuê đất để thực hiện dự án khách sạn 4 sao theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa VNR và Công ty TNHH Hà Thành.

  • 'Cấp tốc' kiểm tra công trình nhà riêng lẻ cấp đến 4 hầm ở Hà Nội

    'Cấp tốc' kiểm tra công trình nhà riêng lẻ cấp đến 4 hầm ở Hà Nội

    Trước những phản ánh của người dân về công trình nhà ở riêng lẻ cấp phép “lạ” có tới 4 tầng hầm ở phố Sơn Tây (phường Điện Biên) gây xôn xao, Bí thư Quận ủy Ba Đình đến gặp gỡ người dân để lắng nghe ý kiến, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu UBND quận thông tin cụ thể với người dân về sự việc này.

Bảo Như (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.