Đề án gom các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VP ĐKQSDĐ) về một đầu mối là văn phòng đăng ký đất đai (VP ĐKĐĐ) TP thuộc Sở TN&MT đã được TP.HCM triển khai từ ngày 1-7 (xem bài Cấp đổi giấy hồng: Gom về một mối trên Pháp Luật TP.HCM ngày 14-7). Tuy nhiên, qua một tháng thực hiện, nhiều hồ sơ nhà đất đang có dấu hiệu bị chậm trễ, có loại còn bị tạm dừng vì lấn cấn thẩm quyền.
Ách tắc, trễ hẹn, chỉ qua chỉ lại
Ông Lê Văn Mai, ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12 có mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ ở. Vừa qua ông xin phép xây dựng nhà ở. Sau khi xây dựng và nghiệm thu hoàn tất, ông Mai nộp hồ sơ xin cấp GCN, bổ sung thêm công trình nhà vừa xây. Theo biên nhận, ngày hẹn trả là ngày 18-7 nhưng khi lên quận nhận kết quả, ông được biết hồ sơ của mình vẫn chưa giải quyết xong. “Cán bộ thụ lý giải thích đang chờ Sở TN&MT hỏi ý kiến Bộ TN&MT. Nhưng chờ đến khi nào thì quận không rõ” - ông Mai cho biết.
Chị Nguyễn Ngọc Phượng thì lo lắng hồ sơ cấp đổi GCN bị trễ hẹn. Chị Phượng mua một căn hộ chung cư tại phường Bình Trưng Đông, quận 2. Không muốn đăng ký cập nhật lên GCN của người bán, chị chọn hình thức cấp GCN mới mang tên mình. “Trên biên nhận hẹn ngày 3-8 sẽ trả nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ dặn tôi nếu muốn chắc ăn thì cộng thêm một tuần nữa hãy lên lấy kết quả” - chị Phượng kể.
Người dân đang làm thủ tục nhà, đất tại văn phòng tiếp nhận UBND quận 12. Ảnh: C.TÚ
Bà Nguyễn Thị Hai ở Bình Chánh còn rối hơn. Hồ sơ xin cấp GCN của bà trước đây có một số trục trặc, bà đã khiếu nại với UBND huyện Bình Chánh. Đùng một phát, mới đây lên huyện để xem tình hình giải quyết ra sao thì nơi này cho hay bây giờ bà phải đến VP ĐKĐĐ TP vì huyện không có thẩm quyền nữa. “Tôi còn không biết VP ĐKĐĐ TP ở đâu. Họ chuyển qua chuyển lại như vậy đến khi nào hồ sơ của tôi mới xong?” - bà Hai bức xúc.
Thiếu quy chế phối hợp
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo phòng TN&MT quận 12 xác nhận: Loại hồ sơ cấp GCN cho trường hợp nhà xây dựng mới trên đất đã có GCN đang bị ách tắc và đây là tình hình chung tại TP. Sở TN&MT giải thích lý do là đang có vướng mắc về thẩm quyền ký GCN loại này, cần phải xin ý kiến Bộ TN&MT.
Theo Sở TN&MT, Thông tư 02/2015 của Bộ TN&MT hướng dẫn các Nghị định 43 và 44/2014 quy định trường hợp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Tuy nhiên, sau khi thành lập VP ĐKĐĐ TP, Sở TN&MT lại là cơ quan ký GCN cho một số loại trước đây do quận ký. Do đó lượng hồ sơ tăng lên rất nhiều, trong khi lãnh đạo Sở còn phải giải quyết rất nhiều lĩnh vực, cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thiện, thời gian giải quyết ngắn…
“Do đó Sở e rằng sẽ khó đảm bảo ký trả đúng thời hạn cho các trường hợp bổ sung nhà vào đất đã được cấp giấy. Chưa kể loại hồ sơ này còn phải lấy ý kiến địa phương về thời điểm xây dựng, tình trạng tranh chấp, xử phạt xây dựng sai phép…” - sở này nhận xét.
Sở TN&MT cũng cho rằng xét về bản chất thì đây là trường hợp cấp mới, thuộc thẩm quyền của quận. Do đó, Sở kiến nghị Bộ TN&MT xem xét lại quy định tại Thông tư 02 về thẩm quyền giải quyết với loại hồ sơ này.
Ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú, cho hay với hồ sơ cấp mới GCN, tại quận Tân Phú đã xuất hiện tình trạng trễ hạn. “Theo quy định mới, loại này vẫn do chi nhánh VP ĐKĐĐ thụ lý rồi chuyển Phòng TN&MT thẩm định, xem xét để trình UBND quận ký. Qua xem xét một số hồ sơ vừa rồi, tôi thấy có tình trạng trễ hẹn 5-7 ngày so với biên nhận” - ông cho biết.
Ông Điều cho hay trước đây VP ĐKQSDĐ thuộc Phòng TN&MT thì việc thực hiện các thủ tục hành chính tuân thủ theo quy trình ISO, có quy định rõ khâu nào làm trong mấy ngày để truy trách nhiệm cụ thể. “Nhưng bây giờ quy chế phối hợp giữa VP ĐKĐĐ với quận chưa có, quy trình ISO cũ không thể áp dụng nên dẫn đến tình trạng rối rắm. Lo ngại nhất là việc hồ sơ bị trễ hẹn, rồi có loại còn không biết ngày nào hẹn trả dẫn đến phiền hà, bức xúc trong người dân” - ông Điều bày tỏ.
Còn theo ông Nguyễn Công Chiến, Trưởng phòng TN&MT quận Phú Nhuận, sự phối hợp của chi nhánh VP ĐKĐĐ với Phòng TN&MT quận Phú Nhuận tương đối ổn. Tuy nhiên, ông cũng nhận xét việc gom từ 24 quận, huyện về một đầu mối là VPĐKĐĐ thuộc Sở TN&MT như hiện nay sẽ khó tránh khỏi tình trạng Sở làm không xuể.
“Vừa rồi VP ĐKĐĐ TP có văn bản khuyến khích người dân chọn đăng ký cập nhật thay vì đổi GCN. Thế nhưng đây là nhu cầu của người dân, thực tế họ thường thích được cấp GCN mang tên mình hơn là đăng ký lên GCN của chủ cũ” - ông Chiến nói thêm.
VP ĐKĐĐ TP trực thuộc Sở TN&MT, được thành lập trên cơ sở hợp nhất VP ĐKQSDĐ TP và các văn phòng tương tự tại 24 quận/huyện. Từ ngày 1-7, công tác tiếp nhận và giao trả hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa” vẫn hoạt động bình thường (đối với tổ chức nộp tại VP ĐKĐĐ TP và đối với cá nhân nộp tại các chi nhánh). Các khoản phí, lệ phí vẫn theo quy định hiện hành. _________________________________ Việc phân định loại giấy này do quận ký, loại kia do sở ký về mặt quản lý nhà nước đã thấy không đồng bộ. Tưởng tượng một dãy nhà chừng chục căn, hai-ba căn nhà do quận ký GCN, hai-ba căn khác do sở ký, rồi lại hai-ba căn do quận ký đã thấy rất kỳ, khó giải thích với người dân. Phó chủ tịch UBND một quận |
-
Cấp đổi giấy hồng: Gom về một mối
Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM sẽ tạo thuận lợi hơn về thủ tục. Các vướng mắc pháp lý được hiểu thống nhất, việc tính thuế theo cơ chế liên thông điện tử nhanh gọn.