23/03/2012 6:59 AM
Cơ hội cho người nghèo có nhà ở

Chị Lê Thu Hà, một trong những người dân phải ngậm ngùi khi đang phải tính nước trả lại căn nhà đã được mua tại dự án nhà thu nhập thấp (TNT) Kiến Hưng, Hà Đông. Chị cho biết,căn nhà 70m2 trị giá gần 800 triệu, vợ chồng chị đã đóng được 50% tiền nhà, nếu cố vay mượn hết chỗ cũng chỉ đủ 70%, nhưng nhà thì sắp bàn giao không thể lo nốt được. Chị Hà than thở: Nếu có ngân hàng nào đó cho những người mua nhà như mình vay thì tốt biết mấy, sẽ không phải tính nước trả lại nhà…


Tại dự án nhà TNT Sài Đồng hay dự án nhà TNT Đặng Xá cũng vậy, nhiều người dân đang phải từ bỏ cơ hội có được căn nhà khi không thể lo được hết số tiền phải đóng. Người mua thì không có tiền đóng, chủ đầu tư trở ngại khi tiếp cận các nguồn vốn, việc triển khai các dự án nhà TNT hiện đang rất khó khăn.


Về thông tin Chính phủ vừa đồng ý với Đề án thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở và giao Bộ Xây dựng hoàn thiện thêm, ông Đặng Hoàng Huy - Tổng giám đốc Cty CP VINACONEX Xuân Mai - chủ đầu tư dự án nhà TNT Ngô Thì Nhậm và dự án TNT Kiến Hưng kỳ vọng: Mô hình này các nước làm rất thành công, phát triển được quỹ nhà ở xã hội (NƠXH) lớn. Nếu thực hiện được, sẽ khuyến khích các DN tham gia xây dựng NƠXH, nhiều người dân sẽ có cơ hội mua được nhà ở…”.


Quỹ tiết kiệm nhà ở chính là kênh huy động tài chính dài hạn cho phát triển nhà ở, là động lực để người dân tham gia tiết kiệm, tạo lập nhà ở cho mình. “Quỹ tiết kiệm nhà ở giống như hình thức bảo hiểm xã hội, dự kiến mỗi người đóng 1% tiền lương mỗi tháng. Với hơn 9 triệu lao động đang hưởng lương, mỗi năm quỹ sẽ có không dưới 10 nghìn tỷ đồng. Số tiền này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho người dân”, Thứ trưởng Nam khẳng định.


Quỹ tiết kiệm nhà ở: Người dân thấy lợi sẽ tham gia


Bảo đảm sự bình đẳng và minh bạch


Quỹ tiết kiệm nhà ở khuyến khích mọi đối tượng tham gia, mô hình thứ nhất sẽ tập trung cho người TNT vay mua NƠXH hoặc cho các DN vay đầu tư xây dựng nhà xã hội. Nguồn vốn để hình thành quỹ này từ tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án KĐTM, ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương cấp ban đầu, một phần lợi nhuận từ phát hành xổ số, trái phiếu nhà ở. Người tham gia quỹ sẽ được cho vay sau khi đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu 30% giá trị nhà ở cần mua và đóng tối thiểu 5 năm, trả chậm trong 15 năm. Mô hình thứ 2 là người có nhu cầu tham gia đóng quỹ, không được huy động từ nguồn khác, người tham gia sẽ được cho vay sau khi đóng 50% giá trị căn nhà muốn mua.


Theo các chuyên gia, việc để các đối tượng tự nguyện tham gia quỹ đã nhắm vào đúng đối tượng có nhu cầu về nhà ở, có nhu cầu vay mua nhà mà không tạo sức ép lên toàn xã hội, nếu thấy có lợi nhiều người dân sẽ tham gia. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không bắt buộc, người tự nguyện tham gia thấp, quỹ sẽ không huy hiệu quả được như mong muốn. Một trong những băn khoăn của người dân, các DN cũng như một số chuyên gia là làm thế nào để quỹ bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả, bảo đảm mọi người đều bình đẳng khi tham gia và hưởng lợi từ quỹ. Ông Đặng Hoàng Huy cũng như các DN đang làm dự án nhà xã hội trăn trở: DN làm dự án NƠXH rất trông chờ, nhưng điều quan trọng là quản lý, sử dụng quỹ thế nào để tránh tình trạng xin - cho. Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Cty Vinaland thì cho rằng: Để bảo đảm Quỹ quản lý, vận hành đúng mục đích, tránh tiêu cực phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, sự minh bạch. Người dân đã tự nguyện tham gia đóng góp thì phải làm có uy tín, thấy lợi người dân mới tham gia…”.


Theo phân tích của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, quỹ chỉ dùng cho phát triển nhà ở. Những người muốn vay lãi suất thấp từ quỹ này phải tham gia tiết kiệm đóng góp một thời gian. Những người đi sau hỗ trợ người đi trước, chính vì vậy sẽ không ảnh hưởng tới lạm phát cũng như không đầu cơ…


Theo Đề án, trước mắt Quỹ được thành lập và hoạt động tại 2 địa phương là Hà Nội và TP.HCM, sau một thời gian thực hiện sẽ rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi ra các địa phương. Quỹ sẽ có Hội đồng quản lý quỹ với sự tham gia của các cơ quan liên quan như Xây dựng, tài Chính, Ngân hàng, chính quyền địa phương. Quỹ sẽ ủy thác cho ngân hàng thương mại nhà nước hoặc ngân hàng chính sách xã hội đứng ra trực tiếp thực hiện các giao dịch huy động vốn, cho vay, thu hồi nợ. Quỹ sẽ thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng được ủy thác…

Theo Báo Xây dựng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.