Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân “chùn bước” trước quỹ đạo bất ngờ của VN-Index, mà ngay cả các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang rất thận trọng.

VnIndex phá dần các ngưỡng kháng cự khiến các quỹ đầu tư cũng phải cẩn trọng

Việc thoái vốn của Vinacapital khỏi công ty rượu Halico hay những vụ thoái vốn gần đây của Mekong Capital cho thấy, trong hoàn cảnh huy động vốn khó khăn, các quỹ ngoại cũng phải tính chuyện thoái vốn tại các dự án có lời để có vốn xoay vòng cho các dự án mới.

Rào cản gọi vốn

Mặc dù đã dự đoán trước được việc điều chỉnh tỷ giá của Chính phủ Việt Nam là điều tất yếu sẽ diễn ra, nhưng các quỹ đầu tư ngoại cũng không tránh khỏi những tác động trực tiếp đến giá trị tài sản ròng (NAV) của mình. Công bố gần đây của quỹ VinaCapital cho biết, hai quỹ VOF và VNI của họ đã mất 43,2 triệu USD, NAV ước giảm hơn 4% do sự mất giá của VNĐ. Ông Chris Freund – Tổng giám đốc Mekong Capital thừa nhận: “Việc mất giá của nội tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khoản lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian ngắn, vì hoạt động của các quỹ nước ngoài chủ yếu bằng tiền USD hoặc các ngoại tệ khác. Sự suy giảm của VND so với USD sẽ làm cho khoản lợi nhuận của các danh mục đầu tư hiện hành trở nên thấp hơn”. Ông Freund cũng cho rằng, trong thời gian tới, các nhà đầu tư có thể sẽ định giá tỷ giá quy đổi vào các điều khoản cho các khoản đầu tư mới để đảm bảo các khoản đầu tư này đạt chỉ tiêu lợi nhuận theo đồng tiền quy đổi tại nước sở tại của các quỹ đó, cũng vì vậy, các khoản lợi nhuận bằng nội tệ sẽ yêu cầu phải ở mức cao hơn. Nhìn chung, biến động về tỷ giá và rủi ro về sự suy giảm của nội tệ sẽ gây tiêu cực cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo rào cản đối với các khoản vốn mới vào Việt Nam.

Các quỹ đã và đang chuyển hướng sang - đầu tư trực tiếp, cụ thể là tham gia đầu tư bất động sản

Mặt khác, những tác động của điều chỉnh tỷ giá, tăng lãi suất, giá xăng, dầu, điện mới đây đã phản ánh trực tiếp vào TTCK khiến VN-Index phá dần các ngưỡng kháng cự. Điều này đang tạo ra nhiều áp lực cho các quỹ đầu tư, đặc biệt khi giải trình về hoạt động của quỹ trong kỳ đại hội nhà đầu tư thường niên sắp tới.

Bên cạnh đó, bản thân các quỹ hiện cũng đang đau đầu không chỉ bởi sự khó khăn của thị trường mà còn vì sự tham gia của các quỹ ETF (quỹ góp vốn của các nhà đầu tư) khiến cho chỉ số thị trường diễn ra không phản ánh sự tăng giảm chung của các cổ phiếu và họ cũng đã phải đưa ra các cách tính mới (tính tăng giảm chỉ số index sau khi loại trừ các mã BVH, MSN, VIC) để làm căn cứ so sánh cho hiệu quả hoạt động của quỹ mình.

Đại diện một quỹ đầu tư ngoại chia sẻ, chính sách điều chỉnh tỷ giá và các mặt bằng giá khác gần đây không gây nhiều ngạc nhiên đối với các quỹ ngoại mà điều họ quan tâm hiện nay là: “điều gì sẽ tới tiếp theo?”. Những tuyên bố về thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chính sách tài khóa tiếp theo của Chính phủ chắc chắn đã làm yên lòng những nhà đầu tư nước ngoài dài hạn và điều họ mong chờ tiếp theo là “nói đi đôi với làm”. Những dấu hiệu gần đây như tăng lãi suất tái cấp vốn, duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp, tăng giá điện… cho thấy, Chính phủ đang nhìn thẳng vào vấn đề và tập trung vào việc tăng trưởng ổn định thay vì chính sách tăng trưởng bằng mọi giá trong những năm trước, vị đại diện này cho biết.

Chờ đợi và kỳ vọng

Trong các bài phỏng vấn đầu năm, hầu hết các quỹ cho biết, họ đang xúc tiến việc huy động quỹ với kỳ vọng giải ngân vào quý IV/2011. Điều này cho thấy họ đã nhận định rằng, chính phủ Việt Nam sẽ phải điều chỉnh định hướng trong quản lý vĩ mô và trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng kép từ lạm phát cao và tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, các quỹ này đã cẩn trọng hơn trong phát ngôn và ít lạc quan hơn nhiều so với hồi cuối năm 2010 và đầu năm 2011.

Mekong Capital cho biết, trong năm 2011, quỹ này sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội bán ra các khoản đầu tư của Mekong Enterprise Fund vì quỹ này đã tới giai đoạn thoái vốn. “Nhưng thỉnh thoảng, chúng tôi cũng sẽ bán ra các khoản đầu tư của Mekong Enterprise Fund II và Vietnam Azalea Fund khi các khoản thoái vốn đó đạt chỉ tiêu lợi nhuận. Đồng thời, trong thời gian này, chúng tôi cũng đang xúc tiến việc khai trương quỹ Mekong Enterprise Fund III. Nếu nói một cách chung nhất, chúng tôi sẽ có khoảng 5 khoản đầu tư và 5 khoản thoái vốn mỗi năm”, đại diện của Mekong Capital tiết lộ.

93% là mức sụt giảm NAV của các quỹ ngoại sau điều chỉnh tỷ giá
Không chỉ Mekong Capital chọn lựa phương án 50/50, mà có khá nhiều quỹ chọn giải pháp song hành giữa thoái vốn và đầu tư. Lý giải cho điều này, đại diện một quỹ đầu tư ngoại nhận định: “Các quỹ sẽ chỉ giải ngân và cũng chỉ thành công trong việc huy động vốn nếu như các yếu tố vĩ mô được cải thiện đảm bảo cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Với quy mô lớn trong một thị trường nhỏ, thanh khoản của cổ phiếu là một vấn đề và các quỹ nói chung không chấp nhận rủi ro cao của thị trường ở thời điểm hiện tại, hoặc nói cách khác với rủi ro hiện tại thì định giá của cổ phiếu chưa hấp dẫn với họ”.

Một hướng mà các quỹ đã và đang làm đó là chuyển sang đầu tư trực tiếp, mà cụ thể là tham gia đầu tư bất động sản (BĐS) từ khâu xin dự án tới khâu bán hàng đến người sử dụng cuối cùng. Thực tế thì NAV của các quỹ BĐS vẫn liên tục đi lên trong những năm qua trong khi NAV của các quỹ đầu tư chứng khoán (đặc biệt là chứng khoán niêm yết) liên tục đi xuống do chịu ảnh hưởng xấu từ thị trường nói chung. Ví dụ điển hình cho xu hướng này phải kể đến VinaCapital. Quỹ này khẳng định chiến lược năm 2011 là sẽ tiếp tục giải ngân vào các dự án BĐS thuộc danh mục khu đô thị, căn hộ, khách sạn và mặt bằng bán lẻ. Hay quỹ SAM cũng tuyên bố, năm 2011 sẽ lập quỹ mới và tiếp tục theo đuổi ngành BĐS.

Một xu hướng khác là xu hướng chuyển sang cơ cấu quỹ mở để đáp ứng nhu cầu rút vốn linh hoạt của nhà đầu tư. Sẽ khá khó khăn để thuyết phục các nhà đầu tư ngoại quốc đầu tư vào chứng khoán khi tín nhiệm nợ của Việt Nam đang bị đánh giá thấp, môi trường kinh doanh chứng khoán nhiều rủi ro trong khi sẽ dễ dàng hơn để huy động các quỹ BĐS với khả năng tính toán lợi nhuận và tỷ lệ hoàn vốn có tính chính xác và hiệu quả thực tế tốt hơn nhiều.

Quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam

Ngày 3/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo thông tư trên, tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng VND (lãi suất tiền gửi, lãi suất giấy tờ có giá) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm; riêng các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định lãi suất huy động vốn bằng VND không vượt quá 14,5%/năm.

Mức lãi suất huy động vốn tối đa này áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ; đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức lãi suất huy động vốn tối đa.

Thông tư cũng nêu rõ, tổ chức tín dụng phải niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng VND tại các địa điểm huy động vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng không được thực hiện khuyến mại huy động vốn bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác không đúng với quy định của pháp luật và thông tư này.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland