Ngày 5-1-2014, Thông tư liên tịch số 20 mà Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành sẽ có hiệu lực. Thông tư này hướng dẫn chi tiết Nghị định 11 về phát triển đô thị được Chính phủ ban hành vào 14-1-2013. Điều 25 của Thông tư có quy định về việc rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư, từ đó để có cơ sở đánh giá tình hình tồn kho bất động sản, dự án nào tiếp tục triển khai, chuyển đổi và dừng triển khai. Đây là một trong những điểm đáng chú ý để từng bước chấn chỉnh quá trình phát triển đô thị còn lộn xộn trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến tháng 12-2013, cả nước đã có 524 dự án dừng triển khai, với diện tích 16.865 ha. Hầu hết các dự án này đều mới chỉ giải phóng dưới 30% diện tích. Tại Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã rà soát các dự án và kiên quyết dừng triển khai các dự án không đáp ứng yêu cầu. Hồi đầu tháng 12- 2013, UBND thành phố Hà Nội quyết định dừng triển khai bốn dự án theo hình thức BT, gồm đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, đường trục phía nam (tỉnh Hà Tây cũ) và đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc nam (tỉnh Hà Tây cũ). Thành phố giao cho cơ quan quản lý hợp đồng phối hợp nhà đầu tư rà soát, thanh lý hợp đồng và đề xuất các giải pháp xử lý bất cập theo quy định.
Thành phố cũng đã quyết liệt thu hồi các dự án "treo" để đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, như dự án của Công ty CP Thiết bị giáo dục I (22.340 m2 tại 62 Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân); Chi nhánh Tổng Công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam - Nhà máy cơ khí công trình (23.742,5 m2 tại 199 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng); Công ty TNHH Hương Đạt (400 m2 tại số 46, ngõ 325 Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng); Công ty CP Cầu 5 Thăng Long (1.172 m2 tại khu bờ Bắc sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên)... Đồng chí Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tới đây, Sở tiếp tục phối hợp các quận, huyện để xem xét từng trường hợp cụ thể. Nếu xác định đủ căn cứ, Sở sẽ lập hồ sơ, trình UBND thành phố xem xét, quyết định thu hồi với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, nhằm sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, trong đó, ưu tiên các công trình công cộng, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Các chuyên gia quản lý đô thị cho rằng, việc để các dự án "treo" kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới kế sinh nhai của người dân. Theo một thống kê chưa đầy đủ, tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, có 1.000 hộ đã bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp từ 1.500 m2 trở lên, nhưng đến nay việc giao đất dịch vụ (150 m2) lại hoàn toàn dẫm chân tại chỗ vì dự án đang bỏ hoang hóa. Dân thì vẫn đợi khoản đền bù, còn đất dịch vụ nhằm thay đổi phương thức sản xuất lại chưa có, người dân thì không có đất sản xuất, còn khu đô thị thì cỏ mọc um tùm. "Các nhà hoạch định chính sách, các nhà quy hoạch phải có tâm, có tầm nhìn xa mới tránh được những hệ lụy đáng buồn sau thu hồi đất" - một chuyên gia nói. Với toàn địa bàn thành phố, có hàng trăm dự án "treo" thì đương nhiên mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã bị phá vỡ. Và để giải quyết điều đó, các cấp chính quyền lại phải cân đối "lấp" chỗ này, "bịt" chỗ kia... thì đó là phát triển thiếu bền vững.
Thông điệp được các chuyên gia đưa ra là: "Không có quy hoạch tốt, chỉ có quy hoạch phù hợp với cư dân ở đó". Vì thế, quy hoạch đô thị cần tiếp cận theo hướng mới là: Toàn diện, có sự tham gia của nhiều bên và mang tính chiến lược để phục vụ cuộc sống của con người, giúp chính quyền kiểm soát được sự phát triển của đô thị nhưng không quá cứng nhắc.