Vừa qua, Công ty Quản lý quỹ JSM Indochina đã rời khỏi thị trường Việt
Trước
khi rời Việt Nam, JSM Indochina đã thực hiện việc chuyển nhượng 49% cổ
phần của họ tại CTCP Hiếu Đức (tháng 10/2010) cho Công ty TNHH Drostan
Holdings, một công ty được điều hành bởi hai cổ đông của Hiếu Đức, với
giá trị chuyển nhượng là 10,4 triệu USD. Được biết, CTCP Hiếu Đức sở
hữu hai bất động sản tại TP. HCM là Saigon View và Icon D3. Ngoài ra,
đối với hai dự án Prince và Peninsula (quận 2), JSM Indochina cũng lần
lượt ký hợp đồng chuyển nhượng lại cho Ngân hàng TMCP Nam Việt
(Navibank) và CTCP Sao sáng Sài Gòn (một thành viên của Ngân hàng Nam
Á).
Trái
ngược với "hoàn cảnh" của JSM Indochina, theo một nguồn tin riêng của
Báo ĐTCK, Công ty Quản lý quỹ Indochina Capital lại đang trong giai
đoạn thương lượng để mua lại bất động sản từ một đối tác trong nước
(chuyên phát triển bất động sản ở phân khúc trung bình). Thương vụ đang
bước vào giai đoạn cuối cùng. Đây cũng là động thái thể hiện Indochina
Capital vẫn "gắn bó" với thị trường Việt
Trong
khi đó, một quỹ đầu tư khác là VinaCapital cũng cho biết, họ không có ý
định phát triển thêm quỹ mới trong thời điểm này, mà chỉ tập trung cho
việc phát triển những bất động sản đang sở hữu. Ông David Henry, Giám
đốc điều hành VinaCapital Real Estate cho biết, từ năm 2006 - 2007, họ
đã huy động được số vốn 600 triệu USD cho Quỹ bất động sản VinaLand I
(VNL I), hiện nay quỹ này hiện đã giải ngân hoàn toàn. Năm 2009,
VinaCapital tham gia mạnh mẽ vào thị trường bất động sản thông qua việc
đầu tư nhiều dự án. Dù đã có kế hoạch giới thiệu Quỹ bất động sản
VinaLand II (VNL II), nhưng ông David Henry cho rằng, thời điểm này
chưa thích hợp. Đại diện của VinaCapital cũng thể hiện quan điểm sằn
sàng tìm kiếm đối tác để cùng đầu tư và phát triển dự án. Mới đây,
VinaCapital đã chọn Công ty tư vấn Cushman&Wakefied Việt Nam tìm
người mua công trình cao ốc văn phòng hạng A, 9 tầng Metroplex (đường
Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP. HCM).
Nói
về hoạt động của các quỹ đầu tư, ông David Đỗ, Giám đốc điều hành
VIGROUP cho rằng, có hai thái cực khá rõ ràng, vĩ mô của Việt Nam khiến
các quỹ mới không quan tâm nhiều đến thị trường, họ sẽ quay lại khi
những yếu tố này ổn định. "Chỉ có các quỹ đang đầu tư tại Việt Nam mới
quan tâm đến từng động thái của thị trường. Trong hai năm tới, thị
trường bất động sản có khả năng sôi động hơn và những tháng cuối năm là
lúc mà các nhóm có tiền đi mua bất động sản, vì giá đã bắt đầu giảm",
ông David Đỗ nói.
"Thật
ra, đây là thời điểm khá tốt để tìm mua các bất động sản có giá cả vừa
phải, vì các nhà đầu tư Việt Nam luôn có lợi thế về quỹ đất sạch (đã
hoàn tất thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng), nhưng điều mà họ
cần là nguồn vốn để phát triển, hoàn thành dự án", ông David Đỗ nhận
xét.
Đó cũng là một trong những lý do khiến Mapletree (thuộc Tập đoàn Temasek, Singapore) đi đến quyết định thành lập Quỹ đầu tư Vietnam Fund (dự định giới thiệu vào năm 2013), với số vốn 300 triệu USD. Mục tiêu của quỹ này là tìm kiếm và đầu tư vào khu phức hợp nhà ở, thương mại và văn phòng tại TP. HCM và Hà Nội. Ông Chua Tiow Chye, Trưởng bộ phận đầu tư của Mapletree Group cho biết, tại Trung Quốc, Mapletree đã đầu tư vào những mảng trên. Gần đây nhất, Mapletree thành lập một quỹ đầu tư bất động sản cá nhân mang tên Mapletree India China (MIC Fund), nhắm vào việc đầu tư trung tâm thương mại, căn hộ và khu phức hợp. Quỹ này có giá trị vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD và 60% trong số này đã được giải ngân.