"Về trung và dài hạn tôi rất lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam năm 2011. Nguồn cung vẫn tiếp tục tăng, thị trường BĐS tuy không sốt nóng, nhưng chắc chắn không đóng băng".

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam về tương lai thị trường bất động sản 2011. Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, chủ trương siết chặt tín dụng với BĐS theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ trước mắt có thể làm cho các doanh nghiệp gặp một số khó khăn nhưng về lâu dài sẽ làm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn bởi các doanh nghiệp phải năng động và cẩn trọng hơn rất nhiều trong việc triển khai các dự án BĐS.

alt

Bất động sản sẽ khó khăn hơn vì nguồn huy động vốn từ ngân hàng bị kiểm soát chặt

Doanh nghiệp than khó

Một số chuyên gia nhận định, dòng tiền chảy vào bất động sản vẫn không ngừng tăng, nguồn cung dồi dào, tuy nhiên điều đó vẫn không làm dịu nỗi lo sợ về chính sách tiền tệ thắt chặt khiến thị trường bất động sản vốn đã chịu nhiều thách thức nay càng thêm khó khăn. Không ít người lo ngại đến khả năng nhiều dự án có thể bán tháo và nhà đầu tư phải rời khỏi thị trường.

Ông Trần Minh Thắng, nhân viên kinh doanh Sàn Bất động sản Sudico cho biết: "Vì công ty chúng tôi không có chức năng đầu tư bất động sản mà chỉ có nhiệm vụ môi giới và xác nhận qua sàn nên không chịu ảnh hưởng lớn của việc "siết" tín dụng. Tuy nhiên, theo ý kiến riêng của tôi, Nghị quyết 11 ra đời với chủ trương "giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán" đã thực sự gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư về xây dựng bất động sản".

Nhiều người cho rằng, việc ngân hàng siết chặt tín dụng theo chủ trương của Nghị quyết 11 của Chính phủ sẽ khiến thị trường bất động sản thời gian tiếp theo đóng băng.

Về vấn đề này, ông Thắng nhận định: "Thực ra, việc đóng băng hay không còn tuỳ thuộc vào từng khu vực. Tôi lấy ví dụ, ở khu vực phía Tây Hà Nội, thị trường chắc chắn còn sôi động thêm ít nhất hai năm nữa. Trong khi đó, một số thị trường như TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu xuất hiện tình trạng đóng băng. TP. Hồ Chí Minh cách đây 2- 3 năm đã có dấu hiệu chững lại, hiện nhiều doanh nghiệp đang bán các căn chung cư với giá gốc cùng các chương trình khuyến mại khác để thu hút khách hàng... Tuy nhiên, tôi vẫn nghiêng vê khả năng cóỡ những ảnh hưởng không tốt đối với BĐS từ chủ trương siết chặt tín dụng của các ngân hàng ".

Ông Nguyễn Mạnh Huy, trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho hay: "Xét một cách tổng thể Nam Cường không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách siết chặt tín dụng vì mặc dù có vay nhưng vốn của Tập đoàn không phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Theo tôi, thị trường bất động sản năm nay có phần tương đồng với năm 2008. Xét một cách tổng quan, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, theo đó sẽ có những động thái siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát đã thực sự tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản, đặc biệt là đối với các chủ đầu tư phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay hoặc các dự án bắt đầu triển khai".

Thị trường BĐS sẽ minh bạch, năng động hơn

Ông Trần Minh Thắng nhận định: "Nghị quyết 11 cũng khiến cho thị trường BĐS minh bạch hơn. Bắt buộc chủ đầu tư phải hoạch định chính sách và xác định mục đích của mình. Trước đây, việc vay vốn đơn giản hơn dẫn đến nhiều chủ đầu tư sử dụng vốn vay đó vào mục đích khác. Tôi nghĩ việc siết chặt tín dụng cũng là một biện pháp hay".

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Xuân Liêm - Giám đốc Công ty Bất động sản Hà Nội Home cho biết: "Đối với công ty tôi, cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi nguồn vốn hạn chế, sản xuất bị thu hẹp. Theo ý kiến của tôi, để giảm bớt khó khăn, các doanh nghiệp nên tính toán đến mục tiêu cụ thể, đầu tư trọng tâm chứ không nên đầu tư dàn trải như trước kia nữa".

Theo ông Huy: "Thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ không xảy ra hiện tượng đóng băng như nhiều người nhận định. Tuy nhiên, thị trường cũng không sôi động như trước khi tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa vào quán triệt thực hiện ở mảng ngân hàng mà chủ yếu nó sẽ biến động theo cục bộ. Nghĩa là nó sẽ biến động theo cơ sở hạ tầng của khu vực đó. Tất nhiên khi nguồn vốn hạn chế, những dự án của các chủ đầu tư nhỏ sẽ bị dừng lại hoặc các chủ đầu tư này sẽ phải nhượng lại dự án đó cho các đơn vị có tiềm lực kinh tế, tài chính khỏe hơn".

Dân vẫn có nhu cầu lớn về BĐS

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam bày tỏ: "Trong tình hình lạm phát kinh tế tăng cao như hiện nay, Chính phủ có Nghị quyết 11 là rất hợp lý. Vì Nhà nước không muốn đưa tiền ra thị trường nhiều. Thứ hai là trong tình hình kinh tế khó khăn, thị trường BĐS cũng giảm sút, không có lý do gì kinh tế khó khăn mà BĐS phát triển. Chính vì thế, Nhà nước có biện pháp siết chặt nguồn cung tiền tệ buộc bất động sản phải tìm cách để huy động vốn chứ không thể ngồi đó mà kêu khó".

TS Liêm nói tiếp: "Chính phủ đang khuyến khích nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp. Vì hiện nay thị trường nhà thu nhập thấp đang có nhu cầu rất nhiều. Chính thị trường này sẽ thu hút tiền trong nhân dân, điều này sẽ khiến cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Sao các nhà đầu tư lại không xông vào thị trường đó? Tôi tin rằng, ở thị trường đó, vốn sẽ không khó vì loại nhà này bung ra là bán được".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: "Năm nay, mục tiêu trọng tâm của Chính phủ là chống lạm phát, siết chặt tiền tệ nên khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Việc giảm tín dụng vào chứng khoán và bất động sản, lĩnh vực phi sản xuất sẽ đưa đến những khó khăn nhất định cho lĩnh vực kinh doanh BĐS".

Ông Nam nhận định thêm: "Ngoài ra, mức lãi suất ngân hàng khá cao, khoảng 17 - 18% sẽ khiến cho các doanh nghiệp BĐS khó có thể vay được vốn từ ngân hàng để phát triển các dự án của mình. Tuy nhiên, ngân hàng giảm dòng tiền vào BĐS nhưng người dân vẫn đổ tiền vào đó do hiện tiền trong dân còn rất nhiều và đầu tư BĐS được coi là kênh an toàn nhất, trong khi các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, vàng và đặc biệt là chứng khoán thì đầy rủi ro".

Cafeland.vn - Theo Nguoiduatin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland