Vị trí đẹp, diện tích đất nhỏ và giá cả rẻ hơn rất nhiều đất dự án là một trong những điểm thu hút nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua đất dịch vụ. Tuy nhiên, để “lướt sóng” đất dịch vụ không hề đơn giản bởi thủ tục pháp lý nhiều nơi chưa rõ ràng.
"Cơn lốc" đô thị hóa đang càn quét những cánh đồng lúa bao la các thành phố mới của Hà Nội như Hà Tây, Gia Lâm,… Cùng với đó, trong vòng hơn một năm qua nhiều xã thuộc quận Hà Đông như Văn Khê, Văn La, Dương Nội, Yên Nghĩa, Ỷ La hay An Thọ, Lại Yên (Nam An Khánh), nhiều người dân đã đổi đời nhờ bán đất dịch vụ.

Đất dịch vụ là diện tích đất đền bù cho các hộ nông dân bị thu hồi hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để chuyển đổi nghề nghiệp. Mỗi suất đất dịch vụ có diện tích khoảng 40-50 m2. Sau khi chính quyền xã làm xong hạ tầng cơ sở, điện nước, đường xá sẽ tổ chức cho người dân được bốc thăm lô số cụ thể.

Theo phản ánh của nhiều người dân xã Dương Nội, mặc dù người dân chưa biết chính thức lô số của các thửa đất thậm chí nhiều xã còn chưa biết vị trí đất được đền bù nhưng nhiều hộ đã bán hết từ rất lâu.

Đơn cử, một suất đất dịch vụ (khoảng 50m2) xã Văn Khê có mức giá gốc 4 triệu đồng/m2 nhưng sau nhiều lần mua đi bán lại giá đất đã lên đến 60-70 triệu đồng/m2. Sở dĩ có mức giá cao như vậy là do đất dịch vụ Văn Khê nằm vị trí đẹp và đã được bàn giao đất để các hộ dân xây nhà.

Đất dịch vụ xã La Khê do án ngữ tại vị trí sát mặt đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn, giá đất hiện tại khá cao trên 60 triệu đồng/m2, đường nhỏ 40 triệu đồng/m2. Theo văn phòng môi giới nhà đất, cuối năm 2010 xã sẽ tổ chức bốc thăm cho các hộ dân do vậy giá đất dịch vụ ở khu vực này tăng mạnh nhưng không có người bán ra.

Mền hơn một chút, đất dịch vụ Dương Nội giá 1,4 tỉ đồng/suất do vị trí nằm cuối khu Dương Nội A và toàn bộ khu đất này chưa làm hạ tầng nên giá không cao.

Qua khu vực xã An Thọ, Lại Yên (Nam An Khánh), giá đất còn khá rẻ khoảng 18-20 triệu đồng/suất đất rộng 54 m2. Được biết, các hộ dân xã này đã bán các suất đất dịch vụ từ năm 2007 với giá hơn 100 triệu đồng/suất và sau nhiều lần mua đi bán lại giá đẩy lên khoảng 1,1 tỉ đồng/suất vào thời kỳ “sốt” giá 1,3 tỉ đồng/suất đất.

Cẩn trọng pháp lý

Mặc dù giá cả tăng nhiều nhưng để tìm được người bán rất khó bởi hiện tại nhiều người không hiểu rõ về loại đất này trong khi tính pháp lý không rõ ràng như đất đấu giá, đất dự án nhất là phải chờ đợi rất lâu thường là vài năm kể từ khi có chủ trương đến khi giao đất cho người dân.

Một nhà đầu tư đất dịch vụ chuyên nghiệp cho biết, đất dịch vụ có lợi thế là luôn được quy hoạch các khu đất đẹp bên cạnh các dự án nhưng giá rẻ hơn ½ giá đất dự án, diện tích chia nhỏ phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, nếu đầu tư lâu dài giá trị sinh lời rất lớn đặc biệt tại thời điểm xã thực hiện việc san nền, làm hạ tầng hay thời điểm chuẩn bị bốc thăm giá đất có thể tăng gấp 2-3 lần còn nếu mua để lướt sóng là rất khó.

Anh Nguyễn Văn Tuấn – văn phòng môi giới An Khánh cho biết “Hiện nay, hồ sơ pháp lý mỗi xã lại khác nhau, mỗi năm lại thay đổi một kiểu. Mỗi bộ hồ sơ gốc chỉ được bán lại một lần và được sự xác nhận của xã. Còn nếu nhà đầu tư bên ngoài mua đi bán lại của nhau chỉ có bằng giấy tờ, hợp đồng viết tay. Khi đến thời điểm bốc thăm và nộp tiền xã, giá đất lên, không tránh khỏi việc dân cò quay để đòi thêm tiền mỗi lần đi ký lại hợp đồng.

“Ở xã này đã xảy ra rất nhiều trường hợp như vậy, thậm chí chỉ đi ký lại bộ hồ sơ mới được thay đổi theo mẫu mới, đầy đủ, rõ ràng hơn nhưng nhiều nhà họ đòi đến 150 triệu tiền lệ phí khiến nhiều người rất bức xúc nhưng cũng chẳng có cách nào khác vì giá đất lên nên nhiều người họ nảy lòng tham” anh Tuấn nói.

Theo anh Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc sàn bất động sản Vietland thì việc mua bán đất dịch vụ khá phức tạp bởi tính pháp lý của các lô đất tại nhiều khu vực chưa rõ ràng bởi hầu hết các hộ dân chỉ có phiếu thu tiền đóng phần trăm làm cơ sở hạ tầng và giấy chứng nhận xã về quyền được phân đất dịch vụ. Các giao dịch này chủ yếu giấy tờ viết tay. Ngoài ra, thời gian giao đất dịch vụ khá lâu từ khâu giải phóng mặt bằng làm hạ tầng điện nước đến khi bốc thăm lô, số có thể vài năm do vậy nếu đầu tư mua đất dịch vụ người mua nên tính kỹ.

“Để tránh rủi ro, cách tốt nhất khi giao dịch đất dịch vụ, các khách hàng phải yêu cầu có chính quyền xã xác nhận và phải lập hợp đồng uỷ quyền công chứng việc mua bán kém theo điều kiện ràng buộc rõ ràng về quyền nghĩa vụ hai bên”, anh Hùng cho biết.
Cafeland.vn - Theo Vnmedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland