Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 và Điều 248 của luật này có hiệu lực thi hành từ 1/4/2024.

Sáng 18/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Với 477 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, 432 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (chiếm 87,63%), 20 đại biểu không tán thành (4,06%) và 25 đại biểu không biểu quyết (5,07%).

Dự thảo Luật Đất đai sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số đại biểu đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm một lần như luật hiện hành và hàng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo Luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

Dự thảo Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Về việc định giá đất, một số ý kiến đề nghị bỏ phương pháp thặng dư, nhưng Thường vụ Quốc hội cho biết các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định nội dung này.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, việc sử dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở ước tính giá trị tương lai là cần thiết vì chưa có sẵn những thông tin dự án tương tự đã hình thành và giao dịch để áp dụng các phương pháp định giá khác.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.