27/09/2011 12:57 AM
Nếu theo hướng này, Quốc Cường chỉ phải chịu phạt 8% giá trị hợp đồng khi giao nhà trễ hạn.

Sáng 26-9, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển nhà Quốc Cường (gọi tắt là Công ty Quốc Cường) cùng công ty mẹ là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã gặp các cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1, quận 7. Mục đích nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến tiền lãi chậm giao căn hộ, nội thất căn hộ không đúng hợp đồng và phí quản lý chung cư.


Xây chậm là do… khách hàng


Tại cuộc họp, bà Vương Tuyết Linh, chủ căn hộ A1802, tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư trả gần 580 triệu đồng tiền lãi chậm giao nhà theo đúng hợp đồng ( Pháp Luật TP.HCM ngày 26-9). “Trong quá trình góp vốn, tôi có trễ hạn và bị Công ty Quốc Cường “phạt” với lãi suất 0,05%/ngày, tương đương 1,5%/tháng, trên phần chậm góp. Tổng cộng tôi phải nộp “phạt” cho công ty gần 83 triệu đồng mới được nhận nhà. Trong khi đó, công ty chậm giao nhà tới 20 tháng nhưng lại không trả tiền lãi chậm giao nhà là thiếu công bằng” - bà Linh nói.


Khoảng 20 chủ căn hộ tham gia cuộc họp đều yêu cầu Công ty Quốc Cường trả lời dứt khoát là có trả lãi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng hay không. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, khẳng định: Không thể!


“Khi thực hiện hợp đồng, chỉ có 25% khách hàng góp vốn đúng tiến độ hoặc trễ không quá 60 ngày. Có đến 75% khách hàng góp trễ 300-400 ngày, thậm chí đến 1.224 ngày. Khách hàng không nộp tiền thì công ty không có vốn để xây nhà kịp thời” - bà Loan giải thích.


Quốc Cường muốn biến hợp đồng dân sự thành thương mại!

Cuộc họp sáng 26-9 giữa Công ty Quốc Cường và cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 khá “nóng”. Hai bên sau cùng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và có thể sẽ gặp nhau tại tòa án. Ảnh: QN


Trong công văn gửi báo chí chiều qua, ông Phan Thế Bảo, Giám đốc Công ty Quốc Cường, khẳng định “tình hình xảy ra hiện nay do lỗi không ít của số khách hàng này”. Ông Bảo còn cho rằng “giao nhà chậm là do bất khả kháng (khủng hoảng kinh tế), các dự án ở mọi nơi đều như vậy”.


Ghi “dân sự” nhưng áp “thương mại”


Cuộc họp trở nên căng thẳng khi luật sư Đào Quang Diệu, Trưởng phòng Pháp chế của Công ty Quốc Cường, cho rằng tiêu đề của hợp đồng là “hợp đồng góp vốn đầu tư” nên đây là hoạt động thương mại. Mặt khác, nội dung hợp đồng có điều khoản cho khách hàng được quyền chuyển nhượng phần vốn góp cho bên thứ ba (tức nhằm sinh lợi); các bên cũng đã thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ ra “Tòa án Kinh tế TP.HCM” giải quyết. Vì vậy, hợp đồng trên được Luật Thương mại điều chỉnh. Từ đó, công ty đề xuất mỗi bên vi phạm đều chỉ chịu phạt cao nhất 8% giá trị hợp đồng.


Lập luận trên đã bị nhiều cư dân phản đối, bởi như thế số tiền công ty phải trả thấp hơn nhiều so với cách tính trong hợp đồng. Bà Vương Tuyết Linh cho biết dòng đầu tiên của hợp đồng ghi “Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2005”. Như vậy ngay từ đầu, công ty và khách hàng đã xác định đây là giao dịch dân sự, khách hàng có nhu cầu về nhà để ở chứ không phải để mua đi bán lại. Do đó, hợp đồng này phải được điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự, không thể áp dụng Luật Thương mại xen vào.


Một số cư dân còn “bẻ” lại: Nếu tính theo cách 8% thì căn cứ trên số tiền chậm nộp hay tổng giá trị hợp đồng? Rồi phần lãi chậm giao nhà có phải sẽ tính trên tổng số tiền đã nộp? Nếu bên nào cũng đều bị phạt 8% trên tổng giá trị hợp đồng thì coi như không ai nợ ai? Sau khi hội ý, phía chủ đầu tư cho biết phải làm việc lại trong nội bộ công ty và 30 ngày sau mới có câu trả lời do “các thành viên công ty đều là người nước ngoài, bận lắm”.


Kết thúc cuộc họp, nhiều cư dân cùng cho rằng chủ đầu tư không có thiện chí giải quyết. Do đó, hai bên chỉ còn cách phải gặp nhau tại tòa.


“Nếu biết hết thì tôi là Tôn Ngộ Không rồi!”


Tại cuộc họp, cư dân tiếp tục phản ánh chung cư sử dụng thang máy không đảm bảo chất lượng, vật liệu nội thất không đúng hợp đồng. Một số căn hộ gặp sự cố thoát nước, sửa chữa nhiều lần cũng chưa xong. Cá biệt, chủ căn hộ A302 phản ánh cứ ba tuần một lần phải cho thợ vào thông cống vì cứ tắc mãi. Bây giờ ban quản lý chung cư đòi đập tường phòng ngủ của căn hộ để sửa chữa hộp gen.

Về những phản ánh này, bà Loan phân bua: Các nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính. Nhà thầu giao thang máy không đúng chất lượng thì công ty cũng đau đầu lắm, công ty có yêu cầu rồi mà họ không chịu sửa nhanh. “Công ty không nhận được đơn phản ánh, tôi không biết… Nếu biết hết thì tôi là Tôn Ngộ Không rồi!” - bà Loan nói.


Không thể xây đúng tiến độ


Ai xây đúng tiến độ thì tôi bái phục và xin đi theo học.


NGUYỄN THỊ NHƯ LOAN,
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, trả lời về ý kiến “công ty kinh doanh bất động sản mà xây công trình không đúng tiến độ là thiếu chuyên nghiệp"


Là hợp đồng dân sự!


Hợp đồng này ký kết giữa công ty với cá nhân có nhu cầu về nhà ở nên là hợp đồng dân sự. Dù tên gọi của nó có là “hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng căn hộ” hay “hợp đồng mua bán nhà ở” thì đều điều chỉnh bởi các quy định về dân sự, không thể áp dụng Luật Thương mại vào đây.


Việc trong hợp đồng có ghi “quyền chuyển nhượng phần vốn góp” thì không có nghĩa là khách hàng có mục đích kinh doanh, không thể suy đoán rằng khách hàng ký hợp đồng góp vốn nhằm mục đích chuyển nhượng lại. Quy định này chỉ liên quan đến quyền định đoạt của khách hàng (từ bỏ, cho tặng, chuyển nhượng…) mà thôi.


Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM, Đoàn Luật sư TP.HCM

  • Công ty của đại gia Cường “đô la” bị tố gian dối

    Công ty của đại gia Cường “đô la” bị tố gian dối

    Nhiều cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai (quận 7, TP HCM) ngày 25/9 đã tố chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường “treo đầu dê bán thịt chó”, bởi chung cư này mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp mà mức phí dịch vụ lại quá cao.

Theo Quỳnh Như (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland