16/04/2018 1:59 PM
Giá đất tăng hầm hập đến mức có cảm giác, không xuống tiền ngay thì cơ hội sẽ về tay người khác. Nhưng thâm nhập sâu vào thị trường này mới thấy, giao dịch nóng - lạnh, tăng - giảm... đều trong tay giới đầu nậu, cò.

Nhiều người đến xem đất tại một dự án ở Phú Quốc (Kiên Giang). ẢNH: Nguyễn Trung

Cò tung chiêu, hét giá

Người dân cần tỉnh táo khi mua đất nền, tránh lao theo tâm lý đám đông để mua đất với giá trên trời, khi thị trường sụp đổ thì những người mua sau cùng sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Các cò đất ở xã Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết, giới đầu nậu thường gom đất nông nghiệp của người dân với giá bèo, sau đó tách thành từng sổ 1.000 - 2.000 m2 rồi bán giá cao ngất ngưởng. Nhiều khu đất tại ấp 7 (khu trại dê) chỉ do một vài đầu nậu thâu tóm; sau đó làm thủ tục chuyển mục đích sang đất ở, rồi phân lô, bán nền. Với những khu đất lớn sau khi tách ra 1.000 - 2.000 m2, phần còn lại họ xây hàng loạt căn nhà dưới chuẩn và bán giấy tay qua vi bằng.

Trước tết, một đầu nậu tên Yến ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) gom liền 5 sổ đỏ của người dân tổng cộng hơn 10.000 m2 đất nông nghiệp với giá 5 tỉ đồng. Đầu tháng 3, có người trả giá toàn bộ số đất của bà Yến 15 tỉ đồng nhưng bà vẫn chưa bán. “Để tách ra mỗi sổ tầm vài ngàn mét vuông bán lời gấp nhiều lần”, bà Yến nói.

Tuy phải mất thời gian làm các thủ tục chuyển mục đích, tách thửa, xin phép xây dựng nhưng đây là cách đầu tư siêu lợi nhuận, vì đất mua thu gom từ gốc có giá rất mềm. Với các đầu nậu vốn ít hơn thì “lướt sóng” ngắn, đặt cọc xong là chuyển nhượng lại cho người khác kiếm chênh lệch. “Cách này vừa khỏe, lại an toàn, không phải đi làm thủ tục, giấy tờ mua bán, sang tên gì cho phức tạp”, cò Hương nói.

Tìm hiểu mua đất tại Văn phòng mua bán nhà đất Nam Trường Thành (ấp 6, xã Bình Mỹ), một nhân viên ở đây khẳng định, đầu tư đất ở xã Bình Mỹ thì “từ lời đến lời”. “Trong vòng 2 năm trở lại đây, có người chỉ chuyên làm nghề cò đất đã kiếm được hơn 200 tỉ đồng từ đất ở xã Bình Mỹ”, nhân viên này cho biết.

Tuy nhiên, giới đầu tư bất động sản (BĐS) khẳng định, giao dịch mua bán đất thời gian qua hầu hết là giữa các nhà đầu tư với nhau. Cò đặt cọc rồi thổi giá để bán kiếm chênh lệch, người dân có nhu cầu thực mua đất xây nhà chỉ chiếm một lượng nhỏ. Như trường hợp chị Ánh rao bán miếng đất rộng 500 m2 sát bên khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) với giá 138 triệu đồng/m2, thấp hơn mức giá thị trường là 160 triệu đồng/m2 nhưng khá lâu rồi vẫn chưa bán được.

Sở dĩ có tình trạng này, theo một cò tên Thơ, hiện nay đất nền, đặc biệt là đất nền vùng ven, chủ yếu là nhà đầu tư mua bán lòng vòng với nhau. Tại khu phân lô bán nền Nam Khang (đường Nguyễn Duy Trinh, Q.9) hầu hết các lô đất đã sang tay cả chục lần. 3 - 4 trang sổ đỏ của các lô đất chật kín không còn chỗ cập nhật tên người mua mới mà phải đổi sổ khác dù lô đất vẫn trống trơn. “Người trước mua xong đẩy giá lên bán tiếp cho người sau với sự tiếp tay của môi giới, cứ như thế giá đất tăng vùn vụt, bất chấp thị trường”, cò Thơ thừa nhận.

Đủ chiêu hét giá

Theo ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn BĐS VN (VNG REAL), thị trường đang có biểu hiện như những năm 2006 - 2007 khi nhà nhà, người người làm BĐS. Thậm chí ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), nhà đầu tư chỉ cần mua được đất là có thể sang tay kiếm lời ngay. “Chỉ cần một thông tin nhỏ, một tin đồn là người ta có thể lợi dụng để đẩy giá đất tăng cao. Người mua cũng không cần biết giá cả thế nào, vị trí ở đâu, chỉ cần mua được đất là mừng. Mua bán bất chấp khiến giá đất bị thổi lên quá nóng”, ông Trinh cho biết.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cảnh báo đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, cò đất lợi dụng việc thị trường căn hộ chung cư bị chững lại sau vụ cháy chung cư Carina để đầu cơ, thổi giá đất nền để trục lợi. Các nhà đầu tư cũng tận dụng tối đa cơ hội này để đẩy giá và làm giá thông qua việc mua đi bán lại; mua vào rồi chốt lãi...; người sau nối tiếp người trước và giá cứ thế tăng sẽ tạo mức độ nguy hiểm cho thị trường. Mới đây ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA VN, đã lên tiếng về nguy cơ bong bóng BĐS, nhất là vùng ven. Việc tập trung đầu tư quá nhiều vào đất nền sẽ làm mất cân bằng thị trường, các giao dịch và nguồn tài chính dành cho các phân khúc khác có thể bị chia sẻ. Thậm chí điều này sẽ làm thị trường mất cân đối, tiến trình đô thị hóa bị đình trệ. “Khi khách hàng liên tục đầu tư vào đất nền đẩy mức giá tăng lên quá cao so với giá trị thực, giá tăng không kiểm soát có thể đưa thị trường lặp lại tình trạng bong bóng”, ông Lâm lo lắng.

Các chuyên gia BĐS lo ngại, nguy cơ bong bóng BĐS rất lớn. Một khi bong bóng vỡ sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Bài học nhãn tiền là cơn sốt đất năm 2006 - 2007 khiến thị trường đóng băng kéo dài đến tận năm 2014. “Người dân cần tỉnh táo khi mua đất nền, tránh lao theo tâm lý đám đông để mua đất với giá trên trời, khi thị trường sụp đổ thì những người mua sau cùng sẽ gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất”, ông Châu khuyên.

Đình Sơn (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.