19/04/2023 4:12 PM
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, lực lượng công nhân tham gia sản xuất đến từ các địa phương giáp ranh, chủ yếu là tự túc chỗ ở, thuê nhà trọ nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Quảng Nam hiện có 14 Khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 3.676 ha. Ảnh: Lưu Bang

Nhu cầu rất lớn

Sự phát triển của ngành công nghiệp đã giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và nhiều người đến từ các địa phương khác. Đi cùng với đó là nhu cầu về nhà ở của người lao động.

Tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2018 đến nay đã thành lập mới thêm 3 KCN với tổng diện tích 1.134ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.403 tỉ đồng. Hiện nay, ba dự án gồm KCN Tam Thăng mở rộng, KCN Thaco Chu Lai, KCN An An Hòa đang tập trung giải phóng mặt bằng.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 KCN đã được thành lập với tổng diện tích 3.676ha, tổng vốn đăng ký đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng là 8.925 tỉ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 4.217 tỉ đồng. Hiện nay, đã có 10/14 KCN đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy đạt 53%.

Cũng theo thống kê, đã có 230 dự án đầu tư thứ cấp đã được cấp GCNĐKĐT/chấp thuận đầu tư tại các KCN, tổng vốn đăng ký đầu tư 81.302 tỉ đồng. Trong đó có 151 dự án trong nước và 80 dự án nước ngoài. Các KCN đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 61.000 lao động.

Riêng về cụm công nghiệp, từ năm 2003 đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 59 CCN được thành lập với tổng diện tích 1.678,6ha, diện tích đất công nghiệp 1.223ha. Bên cạnh đó còn có 53 CCN đã QHCT với tổng diện tích 1.468ha, diện tích đất công nghiệp 1.071,5ha.

Tính đến nay, có 370 dự án đăng ký đầu tư vào 51 CCN với tổng diện tích đất thuê và đăng ký thuê 722ha, trong đó có 188 dự án đã thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất với tổng diện tích đất thuê 427ha, tổng số lao động làm việc thực tế là 30.197 người.

Tỷ lệ lấp đầy bình quân của 51 CCN đã được thành lập, quy hoạch chi tiết và đi vào hoạt động đạt 70,62%.

Một khu nhà trọ công nhân tại khu vực Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Lưu Bang

Tại Báo cáo số 307-BC-TU, Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, lực lượng công nhân tham gia sản xuất trên địa bàn tỉnh đến từ các địa phương giáp ranh chủ yếu là tự túc chỗ ở, thuê nhà trọ nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Theo thống kê, tại tỉnh Quảng Nam mới chỉ có một dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tam Thăng được đầu tư xây dựng; các dự án khác đang thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng.

Nhiều người thu nhập thấp tại khu vực đô thị cũng có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, các dự án chưa hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ nhu cầu ở cho các đối tượng này.

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, bộ ngành, địa phương và người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Rất nhiều người lao động tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc mong giá nhà đất giảm để sớm mua được nhà đất, ổn định cuộc sống. Ảnh: Lưu Bang

Mong giá nhà đất giảm

Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết có nhiều vướng mắc liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó có việc tâm lý người dân muốn được tự do lựa chọn quy mô, vị trí khi mua dự án nhà ở thương mại để thuận lợi hơn trong thụ hưởng các tiện ích xã hội và các nhu cầu sinh hoạt, hơn là bó buộc tại một vị trí dự án (do các dịch vụ tiện ích xã hội chưa phát triển đồng đều).

Chưa hết, những người đáp ứng điều kiện mua nhà ở xã hội có xu hướng lựa chọn các nhà ở, đất ở thương mại giá cả phù hợp với khả năng nhưng không quá xa trung tâm đô thị.

Đồng thời, hiện nay trên địa bàn, các nhà đầu tư thường quan tâm đến dự án nhà ở thương mại, ít quan tâm loại hình dự án nhà ở xã hội do thủ tục kéo dài nhưng lợi nhuận thấp.

Nhiều công nhân lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc cho biết, ở thời điểm quỹ đất còn nhiều như hiện nay, tâm lý chung của nhiều người lao động là muốn mua được đất nền và tự xây dựng nhà ở hơn là mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, nhiều người lao động lại có quan điểm khác, cho rằng việc muốn mua đất nền rồi tự xây dựng nhà ở hay mua nhà ở xã hội còn tùy thuộc vào vấn đề về giá đất, giá nhà ở xã hội và cả thu nhập của mỗi người dân lao động.

Anh V, hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc cho biết, tại công ty nơi anh đang làm việc có rất nhiều anh chị em công nhân đang thuê trọ sinh sống.

Nhiều người trong số họ có nhu cầu và nhà ở và đất ở. Tuy nhiên, vì giá đất nền tại khu vực quá cao, đồng thời tại địa bàn không có dự án nhà ở xã hội nào nên họ phải ở nhà trọ.

Anh Tuấn đang làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cho biết bản thân anh cũng như nhiều anh chị em công nhân đang thuê trọ làm việc trong các khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam mong muốn giá nhà đất tiếp tục giảm, đồng thời nhà nước triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để người dân sớm an cư, lập nghiệp.

“Nhiều anh chị em công nhân đi làm đã lâu, thậm chí là hàng chục năm gắn bó với doanh nghiệp, nhưng đến nay họ vẫn chưa thể mua nhà ở khiến đời sống rất bấp bênh. Nếu mua được đất ở hay nhà ở, họ sẽ yên tâm gắn bó với công việc lâu dài hơn”, anh Tuấn nói thêm.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.