CafeLand - Đó chính là điểm nhấn trong Chương trình hành động số 07 – CTr/TU vừa được Tỉnh ủy Quảng Nam gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, đó cũng là nhấn mạnh của UBND tỉnh Quảng Nam gửi đến Chính phủ tại Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 30/6/2021.

Kinh tế Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 so với cả nước

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký Báo cáo số 105 /BC-UBND gửi đến Văn phòng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.

Kinh tế Quảng Nam tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021

Theo đó, 6 tháng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn hơn 30.910 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 11,7%. Đây là mức tăng cao trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, là một trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 so với cả nước và cao nhất vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng .

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 6 tháng năm 2021 chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch). Điều này cho thấy sự thích nghi, khả năng chống chịu và xu thế phục hồi nền kinh tế trên địa bàn tỉnh trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã có tiến triển, song mức tăng trưởng này vẫn chưa cao trong điều kiện bình thường.

Quy mô nền kinh tế 6 tháng năm 2021 gần 51.973 tỷ đồng (giá hiện hành), đứng vị trí thứ 2 sau Đà Nẵng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung . Cơ cấu GRDP 6 tháng năm 2021: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 34,6%; khu vực dịch vụ chiếm 32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18%.

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng năm 2021 là 13.475 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán năm và tăng 61% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 10.420 tỷ đồng, đạt 65% dự toán năm và tăng 65% so với cùng kỳ. Thu ngân sách tăng cao chủ yếu do tăng thu ngành ô tô và thủy điện. Thu xuất nhập khẩu 3.055 tỷ đồng, đạt 91% dự toán, tăng 49% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 9.754 tỷ đồng, đạt 49% dự toán; trong đó, chi thường xuyên hơn 5.387 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 2.971 tỷ đồng,…

Quảng Nam ‘’làm tổ đón đại bàng’’

Trong thời gian đến, Quảng Nam sẽ tập trung đầu tư nạo vét và phát triển đô thị du lịch - dịch vụ sông Trường Giang, Cổ Cò, ưu tiên phát triển Chu Lai thành sân bay Quốc tế,…

Quảng Nam sẽ tâp trung đầu tư nạo vét và phát triển đô thị ven sông Trường Giang

Cụ thể, tại Báo cáo số 105 /BC-UBND ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển Việt Nam qua tỉnh Quảng Nam; khơi thông và phát triển đô thị du lịch - dịch vụ sông Cổ Cò, Trường Giang. Xây dựng các tuyến đường ngang kết nối đường cao tốc, Quốc lộ 1A với đường ven biển 129 và hệ thống giao thông kết nối các khu chức năng, các nhóm dự án trọng điểm và giao thông liên vùng và phát triển đô thị.

Đồng thời, tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư sớm tiếp cận nghiên cứu, ưu tiên đầu tư phát triển Cảng biển Chu Lai thành cảng biển loại 1 và sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế,…

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quy hoạch, đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản,... Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất sạch thực hiện dự án đầu tư, trình tự thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát các hoạt động kinh doanh nhà ở, kinh doanh bất động sản để tăng cường quản lý thu ngân sách, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Quảng Nam ưu tiên phát triển sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế

Trong khi đó, tại Chương trình hành động số 07 – CTr/TU vừa được Tỉnh ủy Quảng Nam gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh đến vấn đề này.

Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Nam xác định triển khai nạo vét sông Cổ Cò, sông Trường Giang nhằm tăng cường kết nối, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ góp phần phát triển kinh tế xã hội; cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, kết hợp phòng chống ngập lụt và tiêu thoát lũ, phục vụ dân sinh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế du lịch, nâng cao chất lượng theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và du lịch, Quảng Nam cũng đã xác định hàng loạt những nội dung quan trọng phải thực hiện xuyên suốt.

Cụ thể là, huy động các nguồn lực để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình, dự án quan trọng, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển. Có thể kể đến như, hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Chu Lai gắn với logistics; hạ tầng đáp ứng yêu cầu dự án khí – điện; hệ thống giao thông kết nối phía Tây và phía Đông của tỉnh; nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ 1A, 14B, 14E, 14D, 14G, 40B; xây dựng tuyến hành lang ven biển; đầu tư một số cầu qua sông Trường Giang, sông Cổ Cò,…

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Quang Nam