Nguyên nhân Dự án đường N24 ở thành phố Tam Kỳ bị chậm do vướng mắc trong bồi thường và giải phóng mặt bằng. Việc thi công kéo dài khiến nhiều hộ dân trong vùng dự án gặp khó khăn trong sinh hoạt, tách hộ, sửa chữa nhà cửa... nhất là mùa mưa bão đến gần.
Bà Nguyễn Thị Tưởng bên căn nhà đã xuống cấp nhưng không được sửa chữa, xây mới vì trong vùng dự án.
Dự án tuyến đường N24 nối đường Đỗ Thế Chấp chạy qua các khối phố 3, 4 ở phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cách đây 15 năm. Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Tam Kỳ làm chủ đầu tư nhằm khớp nối các tuyến đường ở trung tâm thành phố này. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa triển khai. Trong khi nhiều nhà cửa của người dân trong vùng đã xuống cấp trầm trọng.
Mùa mưa đã đến, gia đình bà Nguyễn Thị Trưởng (53 tuổi) ở khối phố 3, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ lại thấp thỏm, khi căn nhà nhỏ là chỗ che mưa, che nắng cho 8 thành viên của gia đình bà đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà cấp 4 của bà xây dựng từ năm 1990, các bức tường nay đã nứt ngang, nứt dọc, ẩm mốc.
Một căn nhà của người dân khối phố 4, phường An Sơn đã xuống cấp.
Các thanh gỗ rui mè trên nóc nhà bếp bị mối ăn, nguy cơ có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Bà Nguyễn Thị Trưởng cho biết, đường N24 được quy hoạch từ năm 2003, nhiều lần cán bộ xuống đo đạc, nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không thấy giải tỏa đền bù, thi công dự án.
“Gia đình gặp khó khăn do nhà cửa xuống cấp, con cái ở rất đông, nhà có 8 nhân khẩu, nhà xuống cấp lại không được làm. Khuôn viên đất nhà tôi 600 m2 mà làm nhà họ không cho làm. Mùa mưa, bão lụt nứt nhà, nứt cửa bể hết trơn. Nhờ cấp trên có giải tỏa thì làm sớm, còn không để người dân giải quyết làm nhà”, bà Trưởng buồn rầu nói.
Nhiều căn nhà hư hỏng có nguy cơ đổ sập trong mùa mưa.
Tương tự gia đình bà Trưởng, nhiều hộ dân khác ở khối phố 3, khối phố 4 của phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ cũng đau đáu chờ được giải tỏa để tìm nơi sinh sống ổn định hoặc được xây dựng lại nhà cửa. Nhiều người dân trong vùng dự án mong muốn, chính quyền cần phải thông báo cho dân biết thời gian quy hoạch là bao lâu để người dân còn tính toán chuyện sửa chữa nhà cửa.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngân, 57 tuổi, ở khối 4, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ cho biết: “Thì biết giải tỏa đền bù, đất khu vực này sẽ giải tỏa. Như ri đây thấy đến đo rồi mà chờ miết. Họ cứ hứa miết mà chờ không thấy. Khu vực tuyến đường khác không có nhà, chỉ đất ruộng nên giải tỏa rất nhanh, còn tuyến đường này nhiều nhà nên giải tỏa lâu. Hiện xây nhà, sửa nhà đâu dám xây. Để ri buôn bán rứa thôi. Chừ già rồi, khi nào giải tỏa thì mình làm còn không để rứa thôi”.
Người dân vùng dự án tuyến đường N24- TP Tam Kỳ mong muốn sớm triển khai giải tỏa đền bù
Sau nhiều lần kiểm tra, ghi nhận thực tế, thành phố Tam Kỳ đề xuất với UBND tỉnh Quảng Nam đưa tuyến đường N24 vào kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đoạn từ Huỳnh Thúc Kháng đến đường Điện Biên Phủ, thành phố sẽ triển khai trong năm 2021 bằng ngân sách địa phương.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, hiện nay nhiều dự án dở dang nhưng chưa có quỹ đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng do đó cần phải tính toán thật kỹ trước khi triển khai. Đối với dự án đường N24, riêng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân... dự kiến lên đến 450 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Ảnh cho biết, trước mắt địa phương sẽ tạo điều kiện cấp giấy phép tạm để người dân sửa chữa nhà với quy mô nhỏ nhằm ổn định sinh hoạt.
“Người dân có nhu cầu sửa chữa nhà ở thì thành phố đều cấp giấy phép tạm cho người dân sửa chữa với quy mô vừa phải để khi triển khai dự án thì người dân cũng không bị thiệt thòi và Nhà nước cũng không phải bỏ một chi phí quá lớn ra bồi thường giải phóng mặt bằng”, ông Ảnh cho hay.
Dự án tuyến đường N24 là con đường chiến lược của thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhằm khớp nối các tuyến đường trung tâm của thành phố. Nếu xóa bỏ quy hoạch thì việc phát triển hạ tầng sẽ thiếu đồng bộ, do đó cần phải giữ quy hoạch.
Thế nhưng thành phố Tam Kỳ cũng cần tính toán, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường N24 để người dân trong vùng dự án được sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.
-
Vì sao nhiều dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Quảng Nam chậm triển khai?
CafeLand - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng loại hình đầu tư nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp không thu hút được nguồn lực đầu tư xuất phát từ nhiều nguyên nhân ở phía chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và cả nhu cầu của người lao động thu nhập thấp.
-
Bộ Công an yêu cầu Quảng Nam cung cấp hồ sơ dự án X2 Hội An Resort & Residence
UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Công văn số 9339/UBND-KTN về việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án Phát triển và kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn và biệt thự ven sông (tên thương mại là X2 Hội An Resort & Residence) để cung cấp cho V...
-
Chỉ đạo mới của tỉnh Quảng Nam liên quan đến đất thổ cư
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 9654/UBND-KTTH chỉ đạo khẩn trương tham mưu chỉ đạo xử lý đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích và đất ghi mục đích sử dụng là “đất thổ cư” (chữ T) trên địa bàn tỉnh....
-
Kiểm tra việc huy động vốn tại một dự án bất động sản trên địa bàn thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
Ông Trần Nam Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Công văn số 9476/UBND-KTN chỉ đạo kiểm tra việc huy động vốn tại dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn....