Sắp tới Quảng Bình sẽ có 10 sân golf. Ảnh minh họa.
Ngày 14/8, đại diện tỉnh Quảng Bình và Tập đoàn FLC đã ký bản ghi nhớ cam kết đầu tư tổ hợp 10 sân golf tại Quảng Bình. Dự kiến, 10 sân golf này sẽ được xây dựng dọc theo bờ biển từ TP. Đồng Hới, qua huyện Quảng Ninh, đến điểm cuối là xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Bình quân mỗi sân golf có 18 lỗ, tương đương với tổng nguồn vốn đầu tư tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Diện tích đất dành cho tổ hợp sân golf này khoảng 1.000 ha.
Được biết, nguồn vốn thực hiện tổ hợp 10 sân golf này sẽ hoàn toàn do Tập đoàn FLC đầu tư. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn về tính khả thi của dự án này.
Dân số tỉnh Quảng Bình năm 2013 là hơn 863,350 người, trong đó 84,8% sống ở các vùng nông thôn và 15,2% sống ở thành thị. Theo báo cáo tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình năm 2014 thì cơ cấu ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 20,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 36,8%, dịch vụ chiếm 42,6%.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt (GRDP) 25,2 triệu đồng, khá khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành khác, bằng khoảng 1/2 so cả nước. Nếu nhìn vào các con số thống kê trên, dễ nhận thấy môn thể thao quý tộc như golf không dành cho đa số người dân Quảng Bình chơi. Được biết, thông thường mỗi lần chơi golf người chơi phải trả khoảng 150 đến 200 USD.
Vậy, đối tượng nhắm đến sẽ là du khách trong nước và quốc tế đến với Quảng Bình?
Theo số liệu thống kê, trong năm 2014 lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt 2,8 triệu lượt người, trong đó có 43 nghìn lượt khách quốc tế. Con số này còn thua khá xa so với các tỉnh trong khu vực như Đà Nẵng là 3,8 triệu lượt, trong đó, số khách quốc tế hơn 955.000 lượt, khách nội địa hơn 2,8 triệu lượt. Thừa Thiên Huế là hơn 2,9 triệu lượt, khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt, khách nội địa đạt gần 1,9 triệu lượt.
Xưa nay, khi nói đến du lịch Quảng Bình du khách thường liên tưởng đến việc tham quan Động Phong Nha – Kẻ Bàng, một trong những thắng cảnh đẹp được ghi nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Mới đây, hệ thống hang động Sơn Đoong được thế giới biết đến cũng tăng thêm phần hấp dẫn cho du lịch tỉnh này.
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116,04 km, thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển. Tuy nhiên, tất cả đều đang ở dạng tiềm năng chứ chưa được phát triển mạnh mẽ và có thương hiệu như biển Nha Trang, hay Đà Nẵng. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm tại Quảng Bình cũng không nhiều và phần lớn là quy mô nhỏ.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng giao thông của Quảng Bình hiện nay cũng chưa phát triển đồng bộ. Tỉnh này hiện có sân bay Đồng Hới, nhưng chỉ phục vụ các chuyến bay nội địa chứ chưa có đường bay quốc tế.
Môn golf đòi hỏi người chơi mất rất nhiều thời gian. Khoảng cách từ Quảng Bình tới các trung tâm lớn như TP.HCM và Hà Nội là khá xa, nếu tận dụng những ngày nghỉ để đi Quảng Bình để đánh golf thì chỉ tính lượng thời gian dành cho việc di chuyển đã là vấn đề.
Hiện nay, không chỉ ở Quảng Bình, phong trào làm sân golf cũng đang lan rộng tại nhiều tỉnh thành khác. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng, tình trạng phát triển sân golf tràn lan sẽ “bội thực” gây lãng phí, thậm chí việc xây dựng sân golf đôi khi chỉ là cái cớ để thực hiện mục đích khác của doanh nghiệp.
Ngay tại TP.HCM, trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước với lượng lớn doanh nhân, người nước ngoài sinh sống, và khách du lịch thì hoạt động của sân golf không phải lúc nào cũng sôi nổi. Các sân golf tại TP.HCM cũng được phân bố tại nhiều quận huyện chứ không tập trung một chỗ.
Theo tìm hiểu, khu nội thành hiện có dự án sân golf Tân Sơn Nhất (đang hoạt động), quận 2 có sân golf thuộc khu thể dục thể thao Rạch Chiếc (đang hoạt động), quận 9 có sân golf Thủ Đức (đang hoạt động), sân golf Sài Gòn, sân golf Long Phước, quận Thủ Đức có sân golf thuộc khu đô thị Hiệp Bình Phước, dự kiến sẽ có các sân golf tại huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi…
Theo ông Nguyễn Văn Đực, phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, việc xây dựng sân gofl tại các vùng đất hoang hóa, cát trắng không thể sản xuất được là tốt. Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế từ việc xây dựng sân golf đó là thu hút khách du lịch, tạo động lực hấp dẫn các nhà đầu tư, việc làm cho người dân địa phương… Nhưng với tỉnh như Quảng Bình mà có tới 10 sân golf là quá nhiều.
“Quảng Bình mặc dù có tiềm năng về du lịch nhưng chưa phải là tỉnh mạnh về kinh tế, gần đó lại không có nhiều trung tâm kinh tế, tài chính lớn”, ông Đực nói.
Theo ông Đực, việc xây dựng quy hoạch sân golf phải được tính toán rất kĩ thế mạnh, yếu của địa phương, tránh gây lãng phí và biến tướng khi xây dựng sân golf rồi lại phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản.
-
Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm các dự án gây lãng phí nguồn lực, gây bức xúc dư luận
Trong số các dự án trì trệ gây lãng phí được Thủ tướng Chính phủ nêu ra có bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở hai, bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, dự án chống ngập úng khu vực TP.HCM.
-
Phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai sẽ là “trợ lực” lớn cho phát triển kinh tế
Đất đai hội tụ nhiều cái nhất: phức tạp nhất, nhiều khiếu nại, tố cáo nhất và tham nhũng lớn nhất, do đó, phát hiện vướng mắc và sửa đổi quy định về đầu tư, quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian sắp tới....
-
Trăn trở nhất là lãng phí tài sản công
Thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 24/7, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quản lý chặt chẽ tài sản công, nhất là đất công, tránh tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương đã được đầu tư trụ sở mới nhưng...