03/01/2018 8:43 AM
Các công viên ở TP HCM sẽ được rà soát, kiểm tra nhằm lấy lại mục đích ban đầu.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong vừa giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xây dựng đề án di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... tồn tại trên đất công viên của TP, trả lại mặt bằng...
Đã nhiều lần chỉ đạo
Chuyện "xẻ thịt" công viên tại TP HCM từng "dậy sóng" vào những năm 2013. Thời điểm đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã có những chỉ đạo chấm dứt việc cho thuê kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở khu vực công viên. Thế nhưng, từ đó đến nay, hầu như các công trình mọc trên công viên vẫn không có gì thay đổi nhiều, thậm chí càng lúc càng "nảy nở" gây giảm diện tích cây xanh TP.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện sở này đang yêu cầu các phòng ban liên quan rà soát tình hình quán ăn, bãi giữ xe, thậm chí là cả một số trụ sở trong các công viên do lịch sử để lại. Phạm vi rà soát bao gồm các công viên do Sở GTVT TP quản lý và cả do quận, huyện quản lý.
Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng sẽ trình UBND TP dự thảo quy định về sử dụng mặt bằng công viên. Nguyên nhân là do trong thời gian qua, nhiều tập thể, đơn vị mượn mặt bằng công viên để tổ chức các hoạt động như hội chợ, triển lãm. Có những cái tốt, phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, làm cho bộ mặt công viên nhếch nhác, giao thông phức tạp.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, khẳng định các công viên ở TP đều có những quy hoạch phân bổ đúng chức năng. Về mặt mỹ quan, nếu nhìn trực tiếp các công trình xây dựng bên trong công viên là sai nhưng khi rà soát các thủ tục, thẩm định thì thực hiện đúng.
Trong khi đó, phản hồi về việc dư luận đặt nghi vấn Công viên Phú Lâm bị cắt giảm bớt diện tích, ông Ngô Thành Luông, Chủ tịch UBND quận 6, cho rằng việc này đã có những kết luận từ Thanh tra TP.
Một cán bộ Phòng Đô thị quận 6 cho rằng nhà hàng tiệc cưới ở Công viên Phú Lâm trước kia là đất của Nhà Văn hóa quận 6, sau đó, UBND TP cho sáp nhập về công viên và được lãnh đạo quận lúc bấy giờ cho công ty tư nhân thuê đất làm nhà hàng ăn uống.
Nhiều du khách chắc hẳn sẽ tò mò khi được chỉ đường đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhưng chỉ thấy toàn quán nhậu Ảnh: SỸ ĐÔNG
Không lường được những phát sinh
Nói về việc đất ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn bị "xẻ thịt" làm quán nhậu, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết ông cũng rất "đau đầu" với 2 nhà hàng ở khu Rubik Zoo vì không lường trước được những phát sinh khi đưa vào hoạt động.
Mục đích ban đầu khi hợp tác kinh doanh với đối tác là có thêm khu mua sắm kết hợp ẩm thực cho du khách đến chơi có chỗ ăn uống. Từ đó, níu chân du khách rồi từng bước tăng nguồn thu cho công viên. Các khu ẩm thực cũng được yêu cầu giảm giá thành cho hợp túi tiền du khách để giảm tình trạng du khách mang đồ ăn vào rồi xả rác bừa bãi.
Mặt khác, Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng yêu cầu toàn bộ khu Rubik Zoo làm cam kết không được kinh doanh hoặc tiếp thị các sản phẩm có cồn, bất kể rượu hay bia.
"Tôi yêu cầu bảo vệ phải thường xuyên kiểm tra. Nếu quán ăn nào vi phạm sẽ bị đóng cửa, hủy hợp đồng ngay lập tức" - ông Tân khẳng định và cho biết theo chỉ đạo của UBND TP thì khu Rubik Zoo sẽ được phép hoạt động tạm thời đến hết hợp đồng, tức đến đầu năm 2019. Bên cạnh đó, khu trượt patin cũng sẽ bị dẹp bỏ, hợp đồng sẽ chấm dứt từ đầu tháng 3-2018. Theo quy hoạch, khu trượt patin sau khi tháo dỡ sẽ xây dựng nhà hàng để phục vụ du khách.
Không để ảnh hưởng môi trường sống
UBND quận 10 cho biết sẽ ghi nhận phản ánh của Báo Người Lao Động và hứa có công văn phản hồi về tính pháp lý của Công viên Kỳ Hòa.
Kiến trúc sư Trần Văn Linh - người nhiều năm nghiên cứu kinh tế đô thị - cho biết hiện TP HCM đã điều chỉnh quy hoạch công viên cây xanh giai đoạn 2020, chỉ tiêu cây xanh cho các quận trung tâm TP là 2,4 m2/người, ở ngoại thành là 7 m2/người. So với chỉ tiêu chung của các nước phát triển trên thế giới là tương đối thấp.
"Nói vậy là chỉ tiêu chưa hài hòa, chưa bảo đảm tốt cho nhu cầu hít thở. Hiện nay, không ít TP trên thế giới đã phải hối hận khi không phát triển mảng xanh dẫn đến việc không khí ô nhiễm trầm trọng. Tôi nghĩ ngay bây giờ, chính quyền TP nên có những biện pháp mạnh yêu cầu các công trình vui chơi, ăn uống ở trong khu vực công viên nên ngưng hoạt động" - ông Linh bày tỏ.
Tỉ lệ mảng xanh rất thấp
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, cho rằng hiện tỉ lệ mảng xanh ở TP rất thấp so với dân số. Hiện công viên đã ít, về lâu dài dân cư càng đông đúc lúc đó càng thêm khổ sở. Chất lượng sống phải đi kèm với mảng xanh, không khí để thở. Trong các quy hoạch chung ở TP đều có chia ra các khu vực làm công viên cây xanh nhưng hiện chưa đủ ngân sách nên còn nằm trên giấy.
  • Quán nhậu, nhà hàng "xẻ thịt" công viên

    Quán nhậu, nhà hàng "xẻ thịt" công viên

    Công viên trong TP hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Thế nhưng, diện tích công viên vẫn bị "chia năm xẻ bảy" làm nhà hàng, quán nhậu… để sinh lợi cho một nhóm người

Lê Phong - Sỹ Đông (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.