02/01/2018 10:32 AM
Công viên trong TP hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Thế nhưng, diện tích công viên vẫn bị "chia năm xẻ bảy" làm nhà hàng, quán nhậu… để sinh lợi cho một nhóm người
"Giờ mà hỏi Công viên Kỳ Hòa, ít người biết. Chú em nói chở tới khu quán nhậu Kỳ Hòa thì người ta đưa tới đúng nơi liền" - anh Lê Văn Tùng, chạy xe ôm, nói khi chúng tôi yêu cầu chở đến Công viên Kỳ Hòa (quận 10, TP HCM).
Mất hình dáng công viên
Quả thật, phải mất gần 30 phút đi loanh quanh, chúng tôi mới xác định hóa ra Công viên Kỳ Hòa là khu đất được bao bọc bởi 4 quán nhậu, 2 nhà hàng và dãy nhà văn phòng cho thuê.
Chưa hết, trên giấy tờ, địa chỉ của công viên này số 16 Lê Hồng Phong nhưng đến đúng địa chỉ này lại bắt gặp một cổng chào ghi rõ: "Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hòa". Bên hông chỉ dẫn thông tin tên văn phòng, quán nhậu, cửa hàng cà phê.
Xung quanh Công viên Kỳ Hòa (quận 10, TP HCM) có hàng loạt quán nhậu bao quanh Ảnh: Lê Phong
Thử đi sâu vào trong, diện tích công viên còn lại khá khiêm tốn cùng vài ba chiếc ghế đá. Bóng dáng của công viên chỉ là con đường nội bộ nối từ Lê Hồng Phong sang hướng đường Sư Vạn Hạnh. Từ 16 giờ là quán bia hơi Kỳ Hòa, nhà hàng Đất Sét, quán Phi Phố Biển tấp nập người đến, tiếng cụng ly với nhạc ầm ĩ khiến nơi đây đích thực là phố nhậu.
Tại Công viên Phú Lâm (phường 13, quận 6), trụ sở Trung tâm Văn hóa quận 6 nằm bên trong, cạnh đó là Câu Lạc bộ Phú Lâm mà thực chất là trung tâm hội nghị, tiệc cưới đi kèm bãi giữ xe lớn.
Thảo Cầm Viên cũng không tha
Bị "xẻ thịt" nhiều nhất có thể kể đến Khu B Công viên 23-9 với nhiều hạng mục kiên cố và không liên quan gì đến công viên như nhà hàng, quán cà phê và quán nhậu.
Nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng nhưng lại có cả quán cà phê GM bên trong tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hóa lợi nhuận. Kế đến, phía trên trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được khai thác triệt để với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya, như: Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone và Kingdom Beer Garden.
Ở Khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời, hiện đang có phiên chợ Saigon Central Market. Với những hoạt động không liên quan gì đến công viên như vậy, người dân khó nghỉ ngơi hay đi dạo một cách thảnh thơi ở gần các địa điểm này.
Cạnh Công viên 23-9 có Công viên Lê Lai rộng khoảng 100 m2, gần 2 tháng nay cũng mới bị "xẻ thịt" để xây dựng quán cà phê có tên Mylife Coffee.
Còn Công viên Gia Định, ngoài một rạp xiếc được dựng lên giữa các tán cây còn có một quán cà phê ở góc đường Hoàng Minh Giám - Phạm Văn Đồng. Tương tự, Công viên Lê Thị Riêng cũng được xã hội hóa nhiều hạng mục từ sân khấu giải trí đến khu vui chơi và để thu hút khách, các cửa hàng đều mở nhạc thật to.
Đáng nói nhất là khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn, chỉ cần đi dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Nghé, quận 1) sẽ dễ dàng nhận thấy các bảng hiệu nhà hàng, quán nhậu, khu mua sắm làm lu mờ đi cổng chào Thảo Cầm Viên. Ngoài ra, với diện tích lên đến 5.000 m2 rất náo nhiệt.
"Thảo Cầm Viên là một khu vực tự nhiên quý giá còn sót lại giữa một TP đông đúc, ngột ngạt. Hàng quán dày đặc như vậy, vào các phiên cuối tuần thì càng ầm ĩ hơn nữa. Không biết chim thú trong công viên có bị ảnh hưởng gì không?" - chị Lê Thanh Huyền (ngụ quận Bình Thạnh) băn khoăn.
Quán xá "bao vây" trung tâm văn hóa
Tại Trung tâm Văn hóa quận 5, diện tích khu thể dục thể thao chỉ còn một phần đất để làm sân bóng, tennis và một ít hoạt động rèn luyện sức khỏe. Ba mặt tiền của trung tâm hiện được bao quanh bởi quán nhậu, quán cà phê và khu chơi bida.
Lê Phong - Sỹ Đông (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.