Chiều 3/7, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Tomaso Andreatta, Đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã có buổi trao đổi với báo chí về VBF giữa kỳ 2018.
VBF giữa kỳ sẽ diễn ra sáng 4/7 với chủ đề "Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài – hợp tác hướng tới lợi ích chung". Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 phiên thảo luận chính, gồm: tiến tới chuỗi giá trị, giải quyết những thách thức về công nghệ, tăng trưởng tài chính bền vững.
Chủ đề nói trên, theo Chủ tịch VCCI thì "không mới một tí nào". Những hình ảnh như doanh nghiệp trong nước cô đơn, không lớn được, không "kết hôn" được với FDI, rồi thì FDI như ốc đảo… đã được nói đến rất nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
"Sẽ có nhiều vấn đề được nhắc đi nhắc lại, chẳng hạn như quy định số giờ làm thêm tối đa, mà muốn xử lý căn bản thì phải sửa Bộ Luật Lao động, rồi sự chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật. Nhưng tôi cho rằng sự thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật và sự thiếu nhất quán trong quá trình thực thi đang là vấn đề lớn nhất trong môi trường kinh doanh hiện nay", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch VCCI cũng cho biết ông vừa trở về từ hội nghị thu hút đầu tư vào Thái Nguyên và được biết Tập đoàn Samsung sẽ đưa 200 nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để xây dựng cơ sở cung cấp linh kiện cho Samsung. "Tôi thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì ta có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài phát triển, nhưng buồn vì giá như không phải 200 doanh nghiệp ngoại mà là 200 doanh nghiệp Việt thì tuyệt vời biết bao nhiêu", Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu, Đồng Chủ tịch VBF nhận định, năm 2018 là một năm tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài. "Chính phủ xứng đáng được tín nhiệm vì sự ổn định về kinh tế và kiềm chế nợ công", vị đồng Chủ tịch VBF nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo ông Tomaso Andreatta còn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến xu hướng này. Đó là khả năng xảy ra việc vỡ "bong bóng" bất động sản và gây hậu quả lên hệ thống ngân hàng, và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đặc biệt, xu hướng bảo hộ ngày càng tăng của nhiều quốc gia và khu vực kinh tế sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các cuộc chiến tranh thương mại… Trong bối cảnh đó, liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước là vấn đề sống còn để cả hai bên cùng tồn tại và phát triển.
Cùng bày tỏ quan tâm về vấn đề thương mại, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng những biện pháp bảo hộ-trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nếu trở thành hiện thực có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong lâu dài, và đó là nhân tố mới so với trước đây.
Ở chiều tích cực, Chủ tịch VCCI nhận định, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội thị trường ở Hoa Kỳ khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Cũng như vậy, mặc dù nhiều loại hàng hóa mà Trung Quốc dự kiến áp thuế cao đối với Hoa Kỳ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng thị trường. Căng thẳng về đầu tư Mỹ-Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Hoa Kỳ.
Còn ở chiều tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác, Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc, thị trường nội địa và cạnh tranh trên thị trường nội địa có thể sẽ phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, trường hợp một phần hàng hóa lẽ ra xuất khẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ khó khăn hơn (đặc biệt rủi ro khi kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017), ông Lộc nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của diễn biến tỷ giá gần đây đến các doanh nghiệp, ông Tomaso Andreatta cho biết là ông hài lòng với sự giảm giá của VND và sự giảm giá này không ảnh hưởng gì đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Hiện nay VND đang được định giá mạnh, nếu giảm giá một chút thì cũng tốt, nhà đầu tư ngoại nhận định.
Liên quan đến nhận định vốn đang được đổ quá nhiều vào bất động sản, ông Tomaso Andreatta phân tích, đây là kênh đầu tư có thể lãi nhanh nhưng cũng có thể lỗ rất nhiều khi thị trường sụt giảm. Theo nhà đầu tư ngoại này thì thay vì tập trung quá nhiều vào bất động sản thì nên đầu tư vào các ngành khác, như dịch vụ chẳng hạn.