Để bảo đảm trật tự đô thị dịp cuối năm, đặc biệt trong những ngày giáp Tết, ngay từ bây giờ, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Dẫu biết, đây là việc “đến hẹn lại lên”, song để xử lý triệt để những hành vi vi phạm lại không đơn giản.

Nhiều biện pháp đã được thông qua

Để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong dịp “năm hết, Tết đến” chính quyền các quận, huyện, thị xã đã triển khai nhiều đợt cao điểm ra quân xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị, trật tự ATGT. Trong đó, các hành vi như dừng, đỗ phương tiện sai quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dựng biển hiệu, biển quảng cáo, xả, tập kết rác sai quy định… sẽ được các lực lượng chức năng ưu tiên thực hiện để xây dựng một Thủ đô “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Tại quận Cầu Giấy, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Phạm Anh Tuấn cho biết, để bảo đảm trật tự đô thị, ngăn chặn các điểm nóng về tình trạng mất ATGT, ngay từ đầu tháng 12, đơn vị đã thành lập các tổ công tác tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây mất ATGT, mỹ quan, trật tự đô thị.

Lực lượng chức năng phường Quan Hoa xử lý vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Khánh Toàn.

“Các tổ công tác có trách nhiệm chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng, bùn đất, phế thải gây mất VSMT và xử lý nghiêm các vi phạm trật tự giao thông, đô thị theo thẩm quyền của Thanh tra GTVT và khi được yêu cầu phối hợp” - ông Phạm Anh Tuấn nói.

Tại quận Ba Bình, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 12, Công an quận Ba Đình đã ban hành Kế hoạch số 473/KH-CABĐ-CSGT-TT về việc mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT -TTĐT - TTCC dịp Tết Dương lịch 2020, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020 trên địa bàn quận. Lãnh đạo Công an quận Ba Đình cho biết, đã yêu cầu các đơn vị, công an các phường phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, UBND phường bố trí tổ chức lực lượng xử lý giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, biển quảng cáo, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang ATGT, tập trung vào các tuyến phố chính. Đồng thời, tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra, xử lý kịp thời tình trạng cò mồi, dẫn khách, người ăn xin, buôn bán hàng rong, nạn chèo kéo khách du lịch, làm ảnh hưởng đến an toàn của du khách, an ninh trật tự…

Còn vướng "chữ tình"

Thực tế cho thấy, những biện pháp được các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện là rất cần thiết để bảo đảm trật tự đô thị, hạn chế tình trạng UTGT có thể xảy ra khi nhu cầu đi lại, mua bán của người dân tăng cao. Song, thẳng thắn mà nói, những biện pháp trên chỉ có tác dụng hạ nhiệt điểm nóng chứ chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề luôn tồn tại... từ năm này sang năm khác.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều phường trên địa bàn TP đều rất trăn trở, nêu vấn đề, Hà Nội có nhiều quận, quận gắn liền với những sản phẩn đặc trưng của ngày Tết như chợ hoa Quảng An, làng đào Nhật Tân, làng hoa Tây Tựu… Những ngày giáp Tết cũng là thời điểm làm ăn, kinh doanh của người dân. Do đó, để xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ.

"Thường thì vào những ngày cuối năm, khi nhu cầu mua, bán tăng cao, người dân ở khu vực ngoại thành, thậm chí cả những người dân trong khu vực nội đô cũng tranh thủ kinh doanh thêm các loại hàng hóa phục vụ Tết, khiến công tác quản lý trật tự đô thị gặp không ít khó khăn" - lãnh đạo của một phường chia sẻ.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học cho rằng, những biện pháp mà các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện là đúng, và chỉ cần làm thật nghiêm tất đường thông, hè thoáng. Song, người Việt Nam chúng ta vẫn sống nặng về "chữ tình" nên để xử lý triệt để vi phạm trật tự đô thị là điều không đơn giản.

Công an phường Thành Công, quận Ba Đình xử lý vi phạm trật tự đô thị.

Bởi, với nhiều người, đặc biệt những hộ trồng hoa, cây cảnh, đào, quất… kinh tế cả năm thường chỉ dựa vào mấy ngày Tết. Cho nên, để xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh nếu chỉ trông chờ vào mệnh lệnh hành chính sẽ chưa đủ. Các chuyên gia cho rằng, để công tác quản lý trật tự đô thị không chỉ trong những ngày cuối năm đi vào nền nếp, ngoài những biện pháp mang tính pháp lý, chúng ta vẫn cần phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó có những giải pháp mang tính khoa học và cần thiết thì điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn.

Đặt mình vào vị trí người dân

Thượng tá Hoàng Ngọc Quyết - Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết, đối với công tác quản lý trật tự đô thị, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè, công an quận yêu cầu các lực lượng phối hợp với đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, nắm địa bàn, tâm tư nguyện vọng của người dân để có những điều chỉnh cụ thể. “Công an quận đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, UBND các phường bố trí hợp lý các bến bãi đỗ, trông giữ phương tiện giao thông, sắp xếp việc buôn, bán, kinh doanh, dịch vụ tại khu vực các lễ hội...” – Thượng tá Hoàng Ngọc Quyết chia sẻ.

Đồng quan điểm, nhiều lãnh đạo quận, huyện trên địa bàn TP cho biết, việc bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh phục vụ Tết là điều cần thiết. Nhưng để biện pháp này đem lại hiệu quả, cần có những biện pháp đồng bộ, tránh tình trạng cấp phép, làm ngơ cho DN lớn dựng ki ốt, bày hàng hóa lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh nhưng lại đẩy, đuổi những người buôn bán nhỏ lẻ.

Đây cũng là quan điểm của nhiều người khi được hỏi về vấn đề này. Đại đa số cho rằng, trong hoàn cảnh hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị hóa, đặc biệt khi thói quen tiện đâu, mua đấy của một bộ phận người dân còn cao thì việc bố trí, sắp xếp các điểm để mua, bán là điều cần thiết. Quan trọng hơn cả, phải đối xử bình đẳng trong việc cho phép bày bán hàng hóa phục vụ Tết, không phân biệt DN lớn nhỏ, hộ nhỏ lẻ. Còn khi đã cấm, phải cấm triệt để.

Lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Thanh Xuân nêu vấn đề: Năm ngoái, trong quá trình xử lý vi phạm trật tự đô thị, nhiều người dân đã đặt câu hỏi: Tại sao không xử lý những ki ốt bày bán bánh kẹo, mứt Tết chình ình trên vỉa hè mà lại cứ tập trung vào những hàng quán nhỏ lẻ? Thậm chí, nhiều người đặt vấn đề, nếu phải thuê vỉa hè, người dân cũng sẵn sàng thuê, nhưng tại sao lại chỉ cho phép DN lớn thuê còn người dân thì không được?

Vân Nhi (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.