Yếu tố quan trọng
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo,
ông Quách Hồng Tuyến cho rằng, với một thành phố có dân số khoảng 10
triệu người, TPHCM phải chịu một áp lực lớn trong sự phát triển kinh tế
xã hội đô thị, cũng như phát triển nhà ở cho người dân thành phố, đặc
biệt là nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ông Tuyến cho biết,
trong các dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, vai trò của người
dân là hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành công và khả thi của
dự án.
Một buổi tham vấn tái định cư tại UBND quận 2. Ảnh: HUY ANH
Cụ thể, dự án nâng cấp đô thị khu
vực Tân Hóa - Lò Gốm tại TPHCM trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư có 88,5%
người tham gia đóng góp đã giúp cho ban quản lý dự án xác định tiêu
chuẩn kỹ thuật, tổng mức đầu tư phù hợp với nhu cầu và khả năng của cộng
đồng, đảm bảo tính khả thi của dự án.
Trong giai đoạn thực hiện
thì tỷ lệ hộ dân tham gia tăng lên 96,4% bằng các hình thức hiến đất mở
hẻm, giám sát thi công, theo dõi các chính sách bồi thường nhằm đảm bảo
chất lượng công trình. Và đến giai đoạn kết thúc dự án, đưa công trình
vào sử dụng thì người dân cũng tham gia bằng các hình thức hỗ trợ, cùng
chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tham gia quản lý, khai thác
và bảo dưỡng công trình góp phần làm dự án thành công.
Chính vì thế, để phát huy vai trò
người dân một cách hiệu quả, thành phố cũng đã tiến hành một số giải
pháp trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Người dân bị ảnh
hưởng từ các dự án sẽ được tham vấn về tái định cư, được tham gia trực
tiếp thực hiện dự án trong công tác giải phóng mặt bằng, được bố trí nhà
ở phù hợp theo phương án tái định cư của dự án… “Muốn một dự án khả thi
thì cả 3 đối tượng là nhà nước, nhà đầu tư và người dân đều phải có
trách nhiệm. Trong đó, vai trò của người dân là một trong 3 yếu tố cơ
bản đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công của các dự án cải
tạo, chỉnh trang đô thị”, ông Tuyến nhận định.
Tuy vậy, bên cạnh một số dự án có sự tham gia đóng góp tích cực của người dân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM Nguyễn Trọng Hòa cũng nêu thực tế, trong quá trình phát triển đô thị có rất nhiều vấn đề, nhiều dự án cần lấy ý kiến từ người dân nhưng các đơn vị không lấy ý kiến hoặc chỉ mời những người dân nào đồng thuận. Thậm chí, có những dự án khi đã thiết kế xong hết mới hỏi ý kiến người dân thay vì phải để họ tham gia góp ý, xây dựng ngay từ đầu.
Tăng trực tiếp và đối thoại
Bà Ngô Thị Tám, Phó Vụ trưởng Vụ
Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho rằng, hiệu quả trong công tác
quản lý nhà nước ở đô thị không chỉ là kết quả hoạt động của cơ quan
hành chính nhà nước mà còn thể hiện mức độ tham gia của người dân. Theo
bà, trong công tác quản lý và phát triển đô thị, mặc dù Đảng và Nhà nước
đã có hàng loạt các chính sách nhằm phát huy tính dân chủ thể hiện qua
phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thế nhưng công
tác quản lý nhà nước tại đô thị mang tính đặc thù mà người dân tham gia
chỉ mang tính riêng lẻ, không được hướng dẫn, tư vấn hay cung cấp thông
tin thì sẽ rất khó khăn trong việc tham gia, hoặc tham gia chỉ là hình
thức.
Chẳng hạn người dân được huy động
để tham gia góp ý dự thảo quy hoạch xây dựng, nếu chỉ được thông báo qua
các phương tiện truyền thông, treo pa-nô, bản vẽ ở những nơi công cộng
thì người dân rất ít quan tâm, hoặc có góp ý riêng lẻ cũng không biết có
được quan tâm hay không.
Thêm một ví dụ thực tế được bà Tám
nêu ra đó là Công ty Vedan xả nước thải công nghiệp không qua xử lý ra
môi trường, người dân tại địa phương đã biết từ lâu nhưng không biết
kiến nghị ai, cơ quan chức năng nào giải quyết nên đã chịu thiệt hại
trong một thời gian dài. “Hơn bao giờ hết, cần phải tăng cường, nêu cao
và phát huy vai trò trách nhiệm của một tổ chức xã hội để cùng với chính
quyền huy động người dân tham gia vào công tác quản lý nhà nước trên
mọi lĩnh vực một cách toàn diện hơn”, bà Tám đề nghị.
Đại diện Cục Phát triển đô thị cho
rằng, lĩnh vực quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị còn là những vấn
đề mới đối với cộng đồng dân cư cũng như cấp chính quyền địa phương.
Chính vì thế, để người dân nhận thức đúng, đủ và có cách ứng xử trong
lĩnh vực này phải được xây dựng và cải thiện thông qua các chiến dịch
tuyên truyền. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến thông tin qua các phương
tiện truyền thông hiện nay chỉ là hình thức truyền thông một chiều,
không tạo được sự đối thoại giữa người dân và chính quyền.
Theo đại diện này, các tổ chức
quần chúng được coi là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo
dục và nâng cao nhận thức cộng đồng. Thông qua các tổ chức này, hình
thức tuyên truyền, thông tin đã có hiệu quả và có tính trực tiếp, đối
thoại nhiều hơn.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển và quản lý đô thị tốt hơn thì ngoài việc tăng cường việc công khai minh bạch cũng cần phải có những quy định cụ thể trong việc người dân, các tổ chức chuyên ngành, tổ chức xã hội… tham gia đóng góp ý kiến.