13/09/2017 1:38 PM
“Việc quy định phân tán đầu mối như hiện hành dẫn đến bất cập trong cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển trung hạn, khó có thể kiểm soát được hạn mức vay theo kế hoạch 5 năm, bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay.
Chiều 12/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công sửa đổi. Dự án này chỉ còn một vướng mắc là việc thống nhất đầu mối quản lý nợ công.
Theo quy định hiện hành, nội dung quản lý nhà nước về nợ công bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ được thể hiện tại Điều 4 Luật Quản lý nợ công, trách nhiệm quản lý nợ công được giao cho 3 cơ quan: Bộ KH&ĐT, Tài chính và Ngân hàng nhà nước (NHNN).
Đánh giá ưu điểm về phương án thống nhất đầu mối quản lý nợ công, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, chủ trương này sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
“Việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công sẽ khắc phục tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, chuyển sang phương thức quản lý nợ chủ động, xác định rõ trách nhiệm giải trình trong quản lý vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công”, ông Hải nhấn mạnh.
Ngược lại, hạn chế của chủ trương này là có sự thay đổi về cơ chế phân công trong một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Do đó, việc quy định thống nhất đầu mối quản lý nợ công sẽ không ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
“Việc quy định phân tán đầu mối như hiện hành dẫn đến bất cập trong cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển trung hạn, khó có thể kiểm soát được hạn mức vay theo kế hoạch 5 năm, bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công”, ông Hải nói
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, việc này không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy mà còn ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm không chỉ của một bộ mà là nhiều bộ. Ông Việt đề nghị phải có sự đánh giá tác động, khi một đầu mối quản lý nợ công thì hiệu quả thế nào, biên chế ra sao, hoạt động có hiệu quả hơn hiện nay không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ở đây không phải là thành lập cơ quan mới, tổ chức mới mà thống nhất một việc giao cho một người, một đơn vị chứ không giao cho nhiều bộ làm. Hai, ba chỗ đi vay, một chỗ chia tiền, rồi một chỗ lại đi trả nợ là bất hợp lý, cần phải sửa. Việc thống nhất đầu mối cũng làm rõ trách nhiệm, có như vậy Quốc hội mới chất vấn, giám sát được.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương, Chính phủ quản lý nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ và phải chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công. Còn sự phối hợp của các bộ, giao cho Chính phủ phân công cụ thể.
Luân Dũng (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.