12/12/2014 2:25 PM
Theo hợp đồng ký với khách hàng, Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land), chủ đầu tư Dự án Căn hộ cao cấp PetroVietnam Landmark phải giao nhà vào tháng 12/2011. Song đến nay, dù chậm đã 3 năm, song khách hàng vẫn phải tiếp tục dài cổ chờ.

Dự án PetroVietnam Landmark vẫn đang thi công

Dự án thay đổi nhiều chủ đầu tư

Có diện tích 1,9 ha, nằm trên địa bàn phường An Phú, quận 2, TP.HCM, Dự án Căn hộ cao cấp PetroVietnam Landmark được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Xây dựng số 14 từ tháng 10/2006, với mục đích đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công nhân viên đang công tác trong ngành dầu khí ở một số đơn vị phía Nam.

Đến năm 2008, thực hiện chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp của Chính phủ theo hướng sắp xếp các đơn vị tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính và lĩnh vực sản xuất - kinh doanh liên quan vào một đầu mối, PVN đã ký Hợp đồng số 417/HĐKT-PVN chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của mình tại Dự án PetroVietnam Landmark cho Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL). Khi triển khai dự án, PVL có nghĩa vụ bố trí và xây dựng phương án giá hợp lý đối với 300 căn hộ bán cho cán bộ, công nhân viên của PVN.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2009, thì công ty con của PVL là Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) được giao làm chủ đầu tư dự án này.

Năm 2009-2010, chủ đầu tư đã chào bán căn hộ với giá trung bình 23,8 triệu đồng/m2. Tháng 10/2011, PVC Land hạ giá căn hộ xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 để thu hồi tiền mặt về trả nợ ngân hàng. Vào cuối năm 2011, dự án thu hút nhiều người đổ tiền vào mua khi chủ đầu tư đưa ra nhiều ưu đãi “khủng” với điều kiện phải đóng 100% giá trị hợp đồng.

Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho khách mua. Hàng trăm khách hàng đã đóng từ 80 đến 100% giá trị căn hộ (theo danh sách có 400 khách hàng đã đóng tiền trung bình từ 1,4 đến 2 tỷ đồng), nhưng đến nay (đã quá hạn giao nhà 3 năm) mà chủ đầu tư vẫn không thể bàn giao nhà.

Các khách hàng cho biết, dự án đã dừng thi công 2 năm nay do chủ đầu tư vướng vào nợ nần và đang bị ngân hàng siết nợ. Điều này khiến hàng trăm khách hàng đứng trước nguy cơ mất không số tiền đã đóng để mua nhà.

Các khách hàng đã làm nhiều đơn, thư gửi cơ quan chức năng tố cáo về việc chủ đầu tư vi phạm hợp đồng mua bán căn hộ đã ký; không nộp tiền sử dụng đất của dự án dẫn tới việc khách hàng không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở; chủ đầu tư thế chấp toàn bộ dự án cho ngân hàng (trong đó có căn hộ của khách hàng đã ký hợp đồng) để vay tiền.

PVN nói mình không còn trách nhiệm

Trước việc PVC Land đã thu tiền mà không bàn giao căn hộ, các khách hàng đã làm đơn cầu cứu lên PVN để mong PVN chỉ đạo công ty “cháu” của mình sớm bàn giao nhà cho khách hàng, bởi phần nhiều khách hàng cũng là cán bộ cũ của PVN. Ngày 16/10/2014, PVN đã có Văn bản số 7167/DKVN-TTr “gửi khách hàng là cán bộ, công nhân viên trong ngành mua Căn hộ chung cư PetroVietnam Landmark”.

Văn bản 7167/DKVN-TTr nêu rõ: “Việc khách hàng ký hợp đồng mua Căn hộ chung cư PetroVietnam Landmark là hoàn toàn tự nguyện; giá cả tại thời điểm ký hợp đồng là hợp lý và đó là quan hệ hợp đồng kinh tế liên quan giữa các bên tham gia.

Tại thời điểm khách hàng ký hợp đồng mua căn hộ với PVC Land (năm 2010), PVN không còn là chủ đầu tư Dự án PetroVietnam Landmark, đồng thời không còn là một bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nhà với cán bộ, công nhân viên trong quá trình đầu tư dự án. Như vậy, về mặt pháp lý, việc giải quyết đơn thư của khách hàng là cán bộ, công nhân viên trong ngành mua căn hộ PetroVietnam Landmark không thuộc thẩm quyền giải quyết của PVN…”.

Các khách hàng cho rằng, việc PVN chối bỏ trách nhiệm là không đúng. Vì năm 2009, PVN đã xây dựng “Quy chế xét duyệt tiêu chuẩn góp vốn xây dựng nhà ở” đối với cán bộ công nhân viên làm việc tại PVN theo Quyết định số 939/QĐ-DKVN ngày 1/4/2009 và tổ chức triển khai chấm điểm xét duyệt cho cán bộ công nhân viên đủ tiêu chuẩn góp vốn mua căn hộ.

Đến năm 2010, PVN đã phê duyệt danh sách cán bộ công nhân viên được mua nhà đợt I ở Hà Nội và TP.HCM theo Quyết định số 117/QĐ-DKVN ngày 14/1/2010. Những điều này trong văn bản 7167 gửi khách hàng PVN cũng thừa nhận.

Các khách hàng lập luận rằng, PVN đã xét cho họ được mua căn hộ, nay lại nói mình không còn trách nhiệm gì với việc này, vậy đã không có trách nhiệm sao PVN còn xét duyệt cho cán bộ mua nhà?

Ngày 30/10/2014, Bộ Xây dựng đã ra Văn bản 635/TTr-KNTC đề nghị PVN “tập trung giải quyết dứt điểm tránh tình trạng công dân có đơn thư khiếu nại, tố cáo gay gắt kéo dài”.

Chủ đầu tư có lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Theo luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc PVC Land thu phần lớn tiền của khách, nhưng chậm trễ bàn giao căn hộ là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Cụ thể, Điều 14, Luật Kinh doanh bất động sản: “Mua bán, chuyển nhượng bất động sản theo hình thức ứng tiền trước, trả chậm, trả dần” ở Điểm d, Khoản 1 đã nêu rõ: “Trường hợp chủ đầu tư giao bất động sản chậm tiến độ ghi trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng theo hợp đồng và phải trả cho khách hàng một khoản tiền lãi của phần tiền ứng trước, tính theo lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm giao bất động sản tương ứng với thời gian chậm tiến độ”.

Thậm chí, luật sư Bình còn cho rằng, chủ đầu tư có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của khách hàng khi thu tiền của khách hàng, không dùng để hoàn thiện nhà, mà còn đem thế chấp dự án cho ngân hàng. Điểm b, Khoản 1, Điều 14, Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Chủ đầu tư phải sử dụng đúng mục đích tiền ứng trước của khách hàng để đầu tư tạo lập bất động sản”. “Như vậy, rõ ràng, chủû đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật”, luật sư Bình nói.

Duy Hữu (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.