Nhiều công trình, dự án xây dựng khách sạn lớn được triển khai tại khu vực Bãi Trường trên đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang Ảnh: - DUY KHÁNH
Ngày 3-8, tại TP Cần Thơ đã diễn ra cuộc họp sơ kết của tổ công tác nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế đặc thù thời gian qua chưa đủ để Phú Quốc bật dậy và cần có “chiếc áo mới” cho huyện đảo này.
Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho thấy bảy tháng đầu năm, UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư tám dự án mới, đến nay huyện đảo này có 210 dự án trong các khu quy hoạch với hơn 8.600ha. Trong số này có 23 dự án đi vào hoạt động (vốn đầu tư khoảng 25.800 tỉ đồng), 14 dự án đang triển khai xây dựng, còn lại đều đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết sau khi có sân bay quốc tế và điện lưới quốc gia, du khách đến Phú Quốc tăng lên đáng kể (bình quân tăng 30 - 40%/năm), số dự án khách sạn mọc lên ngày càng nhiều, nhiều nhà đầu tư đến Phú Quốc tìm cơ hội nhưng quỹ đất tại đây có giới hạn.
Năm 2014 số khách sạn tăng thêm 1.000 - 1.200 phòng, khả năng năm nay sẽ tăng thêm khoảng 2.000 phòng. Nếu như năm 2013 mỗi ngày có 3.000 người đến Phú Quốc thì hiện tại đã tăng lên gấp đôi.
Theo ông Thi, nhìn tổng thể các dự án cho thấy khách sạn, ăn uống và dịch vụ phát triển mạnh, nhưng hoạt động vui chơi giải trí để giữ chân khách thì rất ít. “Khách ra nghỉ, đi tắm biển, đi dạo trong rừng, đi chợ đêm, tối về... nhậu thì hết chương trình” - ông Thi nói.
Trước tình hình này, tỉnh đang hướng đầu tư bằng cách tăng độ nén cho quỹ đất, hạn chế xây dựng resort chiếm diện tích lớn, thay vào đó là tăng cường đầu tư khu vui chơi giải trí. Ngoài ra, tỉnh đang chấp thuận cho triển khai dự án cáp treo 7km từ An Thới ra xã đảo Hòn Thơm, dự kiến khởi công trong đầu tháng 9-2015.
Ông Thi còn cho biết có nhiều nhà đầu tư muốn vào Phú Quốc nhưng không còn chỗ, trong khi “những ông khác không có năng lực thì lại nằm đó chờ thời”, tỉnh sẽ tính toán “ông nào” vi phạm thì thu hồi để chọn nhà đầu tư mới.
Ông Nguyễn Đức Trung, vụ trưởng Vụ Kinh tế - địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cho rằng Phú Quốc phát triển rất sôi động nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư lớn, cần có chính sách cho người dân tham gia kinh doanh để phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Nguyễn Phong Quang - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ kiêm tổ trưởng tổ công tác phát triển đảo Phú Quốc - thì nói thời gian gần đây có một số nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới Phú Quốc nhưng họ còn băn khoăn về quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai tại đây.
Ông Quang đề nghị tỉnh phải xem lại các nhà đầu tư đã được giao đất, ai không có khả năng, để kéo dài dự án thì nên thu hồi, phải xem đây là vấn đề cấp bách, phải cương quyết làm.
Ông Thi nhìn nhận khó khăn lớn nhất đối với Phú Quốc hiện nay là công tác quản lý nhà nước về đất đai vì bộ máy quản lý, công việc điều hành đều chưa tương xứng. Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho rằng khối lượng quy hoạch chi tiết của Phú Quốc rất nhiều, nhưng hiện đề án thành lập TP Phú Quốc chưa được duyệt, điều đó có ảnh hưởng đến công tác giám sát quy hoạch.
Khi chưa có bộ máy tương xứng, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang cần giúp huyện Phú Quốc giám sát việc thực hiện đầu tư trên địa bàn. Ông Thi còn nói theo luật mới thì thành lập TP Phú Quốc thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng Văn phòng Quốc hội có trả lời phải chờ vì Kiên Giang là một trong những địa phương được chọn tổ chức thí điểm không có HĐND cấp quận, huyện, phường.
“Cò” đất thất nghiệp Ngay sau buổi họp, ông Lê Văn Thi có trả lời báo chí xung quanh một số vấn đề “nóng” mới nổi lên tại Phú Quốc. * Thưa ông, tình trạng sốt giá đất vừa qua ở Phú Quốc có phải do nơi đây đang phát triển quá “nóng”, tỉnh đã có biện pháp gì chấn chỉnh? - Khi có thông tin về thành lập TP Phú Quốc thì có không ít người từ Hà Nội vô mua đất manh mún, nhỏ lẻ, họ chủ yếu mua đất nông nghiệp, người dân bán giá nào cũng mua, làm giá đất “sốt” cao. Họ chỉ mua rồi để đó, giờ đã bình ổn trở lại rồi. Bây giờ nhiều cò đất đang... thất nghiệp, có ai vô mua nữa đâu. * Trước tình trạng du khách đến mỗi lúc một đông và nhà đầu tư ồ ạt triển khai các dự án đã gây áp lực lớn cho môi trường, tỉnh có giải pháp nào cho vấn đề này? - Hiện rác thải thì không lo lắm vì Phú Quốc có thể tự xử lý được. Tuy nhiên vấn đề nước thải thì cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Chỗ này không xử lý sớm, vài năm tới môi trường sẽ bị ô nhiễm. Để đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chung của đảo phải cần nguồn vốn khoảng 2.000 tỉ đồng. Khi chưa có hệ thống chung thì trước mắt các dự án phải tự xử lý nước thải đạt chuẩn mới được thải ra môi trường bên ngoài. |
-
Thận trọng khi mua đất trên đảo ngọc Phú Quốc
Thời điểm cuối năm 2014 và hơn 6 tháng đầu năm nay, cơn sốt giá đất trên địa bàn huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang diễn biến hết sức phức tạp.
-
Quả bóng bất động sản Phú Quốc ngày càng phình to
CafeLand - Thời gian gần đây, tin giá đất ở Phú Quốc tăng đột biến khiến nhiều người quan tâm. Có những lô đất chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn giá đã vọt lên gấp đôi, thậm chí gấp 5 làm cho nhiều người sửng sốt.
-
Không bán sân bay Phú Quốc mà chỉ chuyển nhượng
"Bán sân bay Phú Quốc có ảnh hưởng an ninh quốc phòng và khi tư nhân sở hữu thì giá dịch vụ có bị nâng vô tội vạ?" - là câu hỏi được đặt ra với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
-
Khi dân Phú Quốc chiếm rừng bán “đất chỉ”
Cùng với hiện tượng sốt đất ở Phú Quốc, nhiều khu đất rừng phòng hộ tại địa phương này đã bị người dân bao chiếm, trồng cây rồi bán sang tay...