Từ đường bộ cho đến đường hàng không, lĩnh vực giao thông vận tải luôn là vấn đề nóng đối với người dân cả nước, đặc biệt là đối với những chính sách chưa có tiền lệ. Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời người dân xung quanh vấn đề này.
PV: Câu hỏi đầu tiên chúng tôi chuyển đến Bộ trưởng là của một cán bộ ở Thừa Thiên-Huế: Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Thừa Thiên-Huế vừa làm xong đã bị hằn lún và tại một số quốc lộ khác cũng có trường hợp tương tự như vậy. Vậy hằn lún có phải do nhà thầu thi công chất lượng kém hay không và Bộ trưởng sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi xác định đây là công việc hết sức khó khăn, không chỉ với đất nước chúng ta, mà cả ở nước ngoài, cho nên chúng tôi đã thành lập Tổ đặc nhiệm tìm các nguyên nhân và giải pháp để khắc phục hiện tượng hằn lún này. Do vậy, đến nay đã giảm tỉ lệ hằn lún tại các đường quốc lộ còn 3,54%, tuy nhiên đây cũng là còn số lớn.
Theo chúng tôi thì không nhà đầu tư, nhà thầu nào muốn đường hoàn thiện xong đưa vào sử dụng lại bị hằn lún, bởi vì thời hạn bảo hành đã được nâng lên 4 năm, khi để xảy ra hằn lún thì nhà đầu tư, nhà thầu phải bỏ tiền ra bù lại, và Hội đồng nghiệm thu sẽ không cho thu phí, khi đó sẽ ảnh hưởng đến nhà thầu.
Chính vì vậy, chúng tôi đang rà soát lại quy chuẩn, quy phạm, thiết kế kiểm soát chặt chẽ đầu vào như nhựa đường các nguyên vật liệu, kiểm soát tải trọng xe, theo dõi quá trình thi công của nhà thầu, nhà đầu tư để làm sao hạn chế thấp nhất hiện tượng hằn lún này.
Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Theo quy định của Luật giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn, phí đường bộ thu trên đầu phương tiện dùng để bảo trì các quốc lộ do ngân sách Nhà nước đầu tư.
Còn phí thu qua trạm BOT để hoàn vốn và bảo trì cho Dự án đó. Mỗi loại phí có phương thức, nội dung, mục đích sử dụng khác nhau, do đó không thể có chuyện phí chồng phí được.
PV: Như vậy là luật đã cho phép việc thu hai loại phí này. Nhưng câu hỏi đặt ra là quỹ bảo trì đường bộ đã sử dụng hết hay chưa mà lại phải thu thêm phí bằng các trạm BOT?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phí thu qua trạm BOT không phải để bù cho phần thiếu của quỹ bảo trì đường bộ mà hoàn vốn cho nhà đầu tư để bảo trì dự án BOT. Quỹ bảo trì đường bộ có nội dung khác đó là chỉ để bảo trì cho quốc lộ do nhà nước đầu tư.
Hiện nay quỹ bảo trì đường bộ hằng năm thu trên đầu phương tiện là chỉ chiếm 25%, ngân sách Nhà nước bù mỗi năm khoảng 25%, như vậy vẫn thiếu 50% nhưng không phải lấy từ phí thu của các trạm BOT.
PV: Cũng liên quan đến vấn đề này, một số người dân có hỏi: Tôi đi qua Quảng Bình thấy đang xây một trạm thu phí BOT mới, trong khi cách đó chưa đầy 20 km, đã có trạm thu phí Đèo Ngang rồi. Tôi được biết Bộ GTVT đang rà soát để xử lý các trạm thu phí cách nhau dưới 70 km. Nhưng tôi băn khoăn là tại sao các trạm thu phí cũ gần nhau chưa xử lý xong mà đã mọc lên trạm thu phí mới. Xin hỏi Bộ trưởng tại sao lại có hiện tượng như vậy?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trước hết chúng ta phải khẳng định các trạm thu phí phải đặt đúng theo luật pháp quy định, nếu đặt trên quốc lộ phải đạt được thỏa thuận với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh, thành phố. Còn đối với trạm thu phí tại địa phương phải có sự đồng ý của HĐND tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, hiện nay có sự thay đổi của chính sách, nên một số trạm thu phí trước đây do vấn đề lịch sử cần phải thay đổi. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đang rà soát sẽ xóa bỏ một số trạm thu phí không phù hợp. Đối với trạm Đèo Ngang hiện nay chúng tôi đang đàm phán với nhà đầu tư để cố gắng đến đầu năm 2016 dẹp bỏ để đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
PV: Thưa Bộ trưởng, thực tế mỗi con đường cao tốc được xây dựng theo hình thức BOT thường tốn hàng nghìn tỷ đồng nên phí người dân phải đóng là không nhỏ, đơn cử như phí đi cao tốc Nội Bài - Lào Cai lên đến 1,2 triệu đồng. Xin hỏi Bộ trưởng có tính được các hiệu quả kinh tế mà các cao tốc này mang lại cho người dân hay không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Mỗi dự án chúng tôi làm đều tính tới hiệu quả tài chính. Thực tế dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã rút ngắn một nửa thời gian, chi phí xăng dầu, khấu hao, sửa chữa giảm 30%; Giúp cho sức khỏe lái xe, hành khách tốt hơn, an toàn giao thông cũng được đảm bảo, sản phẩm của người dân tại các địa phương cũng được tiêu thụ nhanh hơn. Tóm lại đều mang lại lợi ích cho người dân cũng như doanh nghiệp, lái xe.
Khi chúng tôi tổ chức hội thảo, các cơ quan đơn vị liên quan đều đánh giá cao hiệu quả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mang lại, thực tế là hầu như các loại xe nếu không cần bám sát tuyến đường cũ nữa thì đều đi cao tốc, đấy chính là hiệu quả kinh tế quyết định sự lựa chọn của người dân.
Rõ ràng đây cũng là cuộc cách mạng đối với các địa phương vì rút thời gian di chuyển từ các địa phương về Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
PV: Tiếp theo chúng tôi xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của một bác cựu chiến binh: Tôi nghe nói Bộ GTVT đang trình Chính phủ chủ trương được bán sân bay Phú Quốc. Việc bán một công trình giao thông chiến lược như sân bay cho tư nhân là điều chưa từng có tiền lệ ở nước ta từ trước đến giờ. Tôi rất băn khoăn là bán cho tư nhân thì có ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng hay không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đây không phải là bán mà là hình thức chuyển nhượng kết cấu hạ tầng hàng không đã được quy định trong luật và các văn bản hướng dẫn. Bởi vì chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sở hữu hạ tầng đó, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là không chuyển cho nhà đầu tư mới và đảm bảo quốc phòng an ninh, những hạng mục liên quan đến mục đích quân sự, dân sự có vai trò quan trọng thì không chuyển nhượng.
Các nội dung như quản lý bầu trời, quản lý máy bay đến đi, an ninh, tìm kiếm cứu nạn phải được sử dụng hiệu quả. Thực ra việc này trên thế giới đã làm từ lâu, còn đối với nước ta là mới, do đó Bộ GTVT trình Chính phủ làm thí điểm theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước là xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong đó có hạ tầng hàng không nhưng vì đây là vấn đề mới phải hết sức thận trọng, có tổng kết đánh giá rồi mới tiến hành nhân rộng.
PV: Cũng liên quan đến sân bay Phú Quốc, một số doanh nhân gửi thư về chuyên mục chia sẻ: Tôi thường xuyên bay tuyến Hà Nội – Phú Quốc và ngược lại. Nếu sau này, sân bay này được bán cho tư nhân thì liệu họ có tự ý nâng giá dịch vụ vô tội vạ với các hãng hàng không, để rồi các hãng hàng không lại tăng phí lên hành khách hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Như tôi đã nói, sau đây có việc chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sở hữu hạ tầng nhà ga Phú Quốc thì việc quản lý của Nhà nước là không thay đổi, từ giá cả vẫn quản lý theo quy định của Bộ Tài chính, kể cả dịch vụ hàng không.
Do đó chẳng hạn nhà đầu tư được nhượng quyền khai thác nhà ga Phú Quốc trong một thời gian nhất định, nhưng sau đó vẫn phải trả lại và giá cả phải thực hiện theo đúng quy định. Giá trị chuyển nhượng cũng phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền định, nếu có nhiều nhà đầu tư phải đấu giá công khai minh bạch, đảm bảo không thất thoát.
Tóm lại việc chuyển nhượng không có chuyện độc quyền, hay khả năng một nhà đầu tư có quyền chi phối và nâng giá cả dịch vụ hàng không cũng như phí hàng không.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.