21/10/2011 9:57 AM
Là một trong những vật liệu ít được nhắc tới, nhưng phụ gia bê tông (PGBT) hiện đang giữ vai trò quan trọng trong xây dựng. Tuy nhiên, trong nỗ lực cạnh tranh hiện nay, phụ gia nội vẫn bị “thua ngay trên sân nhà”. Điều này cũng thôi thúc các DN sản xuất loại vật liệu này phải trăn trở tìm lối ra sao cho hợp lý.

Phụ gia bê tông nội: Đủ tiêu chuẩn thay thế hàng ngoại

Chất lượng không thua kém hàng ngoại

Trước đây, PGBT thường ít được nhắc đến trong các công trình xây dựng bởi bê tông sử dụng cho nhà thấp tầng thường có mác 200 (20N/mm2), thi công bằng phương pháp thủ công, khối lượng nhỏ nên nhu cầu sử dụng PGBT không cao; thêm nữa là thói quen và sự hiểu biết về PGBT chưa nhiều cũng là nguyên nhân phụ gia ít được sử dụng trong thi công và sản xuất bê tông.

Nhưng hiện nay phụ gia là vật liệu không thể thiếu được trong thành phần của bê tông vì nếu không có phụ gia thì bê tông khó có thể đáp ứng được yêu cầu đa dạng của công nghệ thi công xây dựng hiện đại. Đặc biệt khi sản xuất và thi công bê tông thương phẩm có cường độ cao từ 40 - 60N/mm2, nếu không sử dụng phụ gia thì khó có thể thực hiện được. Chính vì các yếu tố này nên hiện nay phụ gia được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và thi công bê tông trong nhà máy cũng như trên các công trường xây dựng.

Sự phổ cập rộng rãi PGBT trong xây dựng hiện nay có sự đóng góp rất lớn của các Cty 100% vốn nước ngoài. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, có nhiều đơn vị trong nước đã nghiên cứu sản xuất và kinh doanh PGBT. Nhận định về chất lượng PGBT nội, TS Nguyễn Hùng Minh - Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ và VLXD (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) cho biết: Sản phẩm của các Cty trong nước được gọi chung là phụ gia nội về nguyên liệu để pha chế, sản xuất phụ gia đều phải nhập khẩu đến 90%, nên có chất lượng và tính ổn định không khác nhiều so với phụ gia của các Cty 100% vốn nước ngoài. Đây là nói về loại phụ gia thông dụng để sản xuất bê tông thương phẩm độ sụt cao với cường độ nén ở tuổi 28 ngày đạt 40 - 45N/mm2 vì loại bê tông này chiếm đa số trong kết cấu bê tông hiện nay. Chỉ có phụ gia để sản xuất bê tông 50 - 70N/mm2 thì các Cty trong nước chưa bắt kịp về một số chỉ tiêu công nghệ so với phụ gia nhập ngoại mà thôi. Tuy nhiên, trên thị trường loại bê tông này chiếm tỷ trọng không nhiều. Về mặt chất lượng, đối với mác bê tông thông thường thì có thể khẳng định PGBT nội không thua kém gì hàng ngoại.

Giảm giá thành 50 - 60%

Chất lượng thì vậy, nhưng không phải hàng tốt là đã bán được vì còn phải phụ thuộc vào khâu tiếp thị và tài chính. Trên thị trường hiện nay đang có dấu hiệu cạnh tranh khốc liệt của PGBT nội so với PGBT ngoại, nhưng có vẻ PGBT nội vẫn ở mức cạnh tranh “yếu thế”. Khảo sát qua một vài công trình lớn, thì PGBT được chủ đầu tư sử dụng vẫn là các thương hiệu của Sika, Mapei, Basf… Bởi lý do cũng khá đơn giản là khi cạnh tranh trên thị trường, các Cty nước ngoài có nhiều ưu thế so với các Cty trong nước như: Có chính sách tiếp thị tốt, có thương hiệu nổi tiếng, có vốn lớn. Còn phần lớn các cơ sở kinh SXKD phụ gia nội thường trực thuộc các đơn vị nghiên cứu, hoặc các Cty nhỏ nên không có tiềm lực tài chính mạnh, chưa có chính sách tiếp thị phù hợp, chuyên nghiệp. Chính vì thế, phụ gia ngoại được sử dụng trong các công trình xây dựng lớn, các dự án lớn còn phụ gia nội phần lớn chỉ được sử dụng cho các dự án nhỏ, hoặc cho các dự án có vốn tư nhân.

Cũng có nhiều nhận định cho rằng do tồn tại của tư tưởng sính ngoại cũng là nguyên nhân góp phần giúp phụ gia ngoại lấn át hàng nội và chiếm đến 80% thị phần ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó không thể phủ nhận một số cơ sở sản xuất PGBT trong nước kém chất lượng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của PGBT nội trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay. Thực tế, có đơn vị khi sử dụng phụ gia ngoại, gặp trường hợp bê tông không đạt mác hoặc có sự cố thì hành động đầu tiên hướng đến là tìm lỗi ở xi măng hay các yếu tố công nghệ khác, còn khi sử dụng phụ gia nội, nếu bê tông có “vấn đề” thì sẽ tìm lỗi ở chất lượng phụ gia. Đó là lối suy nghĩ không công bằng của tư tưởng sính ngoại. Và đây cũng là nguyên nhân để hầu hết các chủ đầu tư chọn sản phẩm PGBT ngoại.

Tuy nhiên, dù chỉ chiếm thị phần không lớn trên thị trường nhưng sự ra đời của phụ gia nội đã phá được sự độc quyền của các hãng hóa phẩm xây dựng nước ngoài, làm giảm 50 - 60% giá thành của hóa phẩm xây dựng nói chung và của PGBT nói riêng so với giá ở giai đoạn độc quyền.

Hiện nay chúng ta đã sản xuất được nhiều loại PGBT với chất lượng tốt, ổn định, giá thành rẻ dùng cho nhiều loại bê tông thông dụng trên thị trường và thực tế đang được sử dụng trong nhiều công trình, trạm trộn bê tông thương phẩm. Với sự nỗ lực tiếp thị của các đơn vị SXKD PGBT trong nước, chính sách quản lý đúng đắn của Nhà nước và sự thay đổi định kiến sính ngoại của khách hàng trong tương lai thì chắc chắn PGBT sẽ có lợi thế cạnh tranh để dần nâng cao thị phần trong thị trường hóa phẩm xây dựng.

Phụ gia được sử dụng trong bê tông với liều lượng nhỏ (0,4 - 1,5% lượng dùng xi măng) nhưng có tác dụng cải thiện rõ rệt một hoặc nhiều tính chất của hỗn hợp bê tông và bê tông sau khi đóng rắn như: Tăng độ sụt của hỗn hợp bê tông mà không cần tăng nước trộn, duy trì độ sụt của hỗn hợp bê tông theo thời gian, tăng khả năng chống phân tầng và khả năng thi công bê tông bằng bơm; giảm lượng nước trộn để tăng cường độ bê tông, đồng thời làm tăng độ chắc đặc, tăng độ chống thấm, giảm co ngót, chống nứt cho bê tông trong quá trình đóng rắn…

Theo Gia Bảo (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.