18/10/2015 12:44 PM
Các vụ cháy nổ thời gian gần đây, đã cho thấy nguy cơ tiềm ẩn trong các tòa chung cư, đồng thời bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý cũng như phòng chống cháy nổ trong các khu chung cư. TS Phạm Sỹ Liêm- Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐĐK xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Sỹ Liêm.

PV: Tốc độ phát triển các khu đô thị với hàng loạt tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên như nấm hiện nay, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ cháy nổ tại các tòa nhà chung cư?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Tôi cho rằng ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào thì nguy cơ cháy nổ cũng luôn có, vấn đề là đề phòng và hạn chế như thế nào. Ở chung cư, sự cố cháy nổ có thể từ ba nguyên nhân chính: do bất cẩn, do hệ thống kỹ thuật hoặc do cháy lây. Để đề phòng các nguy cơ này, nhất thiết phải có quy chế sử dụng chung cư, do ban quản lý (BQL) chung cư lập ra và được sự đồng thuận của đa số hộ dân.

Trong đó, phải có những quy định cụ thể về phòng cháy, ví dụ trách nhiệm của người dân và trách nhiệm của BQL thế nào trong việc phòng cháy.

Lẽ ra, Bộ Xây dựng nên ban hành một quy chế mẫu để các khu chung cư căn cứ xây dựng quy chế phù hợp cho đặc thù từng nơi. Đây là vấn đề đã được bàn đến nhiều, tuy nhiên, cho đến thời điểm này, rất tiếc là chúng ta vẫn chưa có.

Nhiều ý kiến cho rằng mật độ các tòa chung cư tại các khu đô thị hiện nay quá cao, việc chia nhỏ diện tích các căn hộ cũng khiến cho hạ tầng kỹ thuật của tòa nhà bị quá tải, cộng thêm chất lượng xây dựng của tòa nhà không đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ?

- Rõ ràng mật độ các chung cư quá cao có thể ảnh hưởng đến an toàn chung, ví dụ khi xảy ra cháy nổ thì dễ dẫn đến cháy lan, gây khó khăn cho việc thoát hiểm hoặc cứu hộ. Bên cạnh đó, chất lượng tòa nhà quá kém cũng là nguyên nhân xảy ra các sự cố kỹ thuật.

Vấn đề ở đây là, ngoài ý thức của những người sử dụng và trực tiếp quản lý chung cư, không thể không nói đến sự quản lý của các cơ quan chức năng. Ở HN và TP HCM có Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), cơ quan này cần thực hiện đúng chức năng thanh tra, kiểm tra về công tác PCCC ở các công trình xây dựng lớn.

Việc kiểm tra phải được thực hiện từ lúc thiết kế cho đến lúc đi vào hoạt động. Nội dung thanh, kiểm tra là xem vật liệu ở những vị trí quan trọng có chịu được cháy không, ví dụ cửa hành lang, cửa các căn hộ, phía tiếp giáp các tòa nhà phải chịu được lửa trong vòng 2 tiếng, để khi có cháy thì đóng cửa, ít nhất đủ thời gian cho cứu hộ…

Tất cả những vấn đề này đã được quy định trong các tiêu chuẩn thiết kế tòa nhà, vấn đề là các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thanh tra về PCCC phải kiểm tra, thanh tra xem thực hiện đúng hay không?

Đã có khá nhiều tòa nhà chung cư bị cháy nổ từ nguyên nhân kỹ thuật điện, theo ông, những nguy cơ như thế này có thể hạn chế được bằng cách nào?

- Thông thường, BQL phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của hệ thống kỹ thuật trong tòa nhà. Ở nhiều nước, quản lý tòa nhà là các kỹ sư, được đào tạo bài bản về quản lý chung cư, ở chúng ta chưa có nhưng nhất thiết phải thuê người có chuyên môn kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các thiết thị kỹ thuật trong tòa nhà.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, BQL tòa nhà cũng phải phối hợp với cơ quan PCCC tổ chức tập huấn, diễn tập kỹ năng phòng, chống cháy cho cư dân chung cư thường xuyên.

Cư dân của chung cư rất đa dạng, các căn hộ cũng thường có sự thay đổi nhân khẩu, thay đổi chủ, trong đó nhiều người chưa từng ở chung cư, không hề có kỹ năng sử dụng chung cư, vì vậy việc tập huấn, diễn tập phóng chống cháy nổ hàng năm là hết sức cần thiết. Hiện nhiều nơi có làm nhưng chỉ làm một lần cho có, mang nặng tính hình thức nên không có hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và tình trạng rối loạn khi có sự cố xảy ra.

Trân trọng cảm ơn ông.

Hoài Lâm (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.