Cụ thể, rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai cho nhà đầu tư dự án lấn biển ngay sau khi được giao đất, cho thuê đất lấn biển khi đất lấn biển chưa hình thành (khoản 3 Điều 16).
Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc đưa khu vực biển để lấn biển khi chưa hình thành đất lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (khoản 1 Điều 15 dự thảo Nghị định) và quy định việc quản lý, sử dụng khu vực biển này theo chế độ quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 15 dự thảo Nghị định); tính đồng bộ thống nhất với các quy hoạch có liên quan khi đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Xem xét tính hợp lý của việc quy định 02 cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển (Điều 9). Việc phân cấp phải kiểm soát được bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và công cụ kiểm tra.
Làm rõ khái niệm, các cơ sở và cách xác định đất có mặt nước ven biển quy định tại Điều 140 Luật Đất đai 2013.
Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, đưa ra Thường trực Chính phủ thảo luận, cho ý kiến.
Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi Thường trực Chính phủ thống nhất, thông qua nội dung dự thảo Nghị định, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung của dự thảo Nghị định theo tinh thần của Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020, Quốc hội khóa XIV và quy định của pháp luật hiện hành.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều dự án lấn biển ra đời. Nhiều dự án lấn biển đã và đang được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển với quy mô khác nhau nhưng các dự án lấn biển có quy mô lớn tập trung tại tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng (Bãi Cháy - Quảng Ninh) rộng 248ha; Khu đô thị Halong Marina rộng 287ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 181ha, Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang New Town rộng 118ha (Đà Nẵng); Dự án Saigon Sunbay hơn 2.800ha (Cần Giờ, TP.HCM); Khu đô thị Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420ha…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lý hoạt động lấn biển. Trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Pháp luật đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối với một số dự án lấn biển có quy mô lớn. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ; tuy nhiên, cơ bản hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm). Pháp luật bảo vệ môi trường có quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có yêu cầu quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển…
-
Phó Thủ tướng yêu cầu trình dự thảo Nghị định về lấn biển trong quý 2/2021
CafeLand - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về lấn biển như đã được giao tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Quốc hội khóa XIV, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, đảm bảo chất lượng, sớm trình Chính phủ vào quý 2/2021 để giải quyết căn bản các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án lấn biển.