16/05/2014 9:28 PM
“Muốn ổn định và lành mạnh được trong hệ thống cũng như ổn định được thanh khoản thì phải đẩy mạnh tái cơ cấu. Do đó, xu hướng trong thời gian tới chắc chắn các ngân hàng nhỏ sẽ phải sáp nhập… cũng là chuyện bình thường”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh chia sẻ về chủ trương giảm sở hữu chéo của NHNN thông qua đẩy mạnh tái cơ cấu, giảm số lượng ngân hàng để lành mạnh hóa hệ thống ngành trong thời gian tới.

Sở hữu chéo phức tạp, chồng lấn

Đánh giá của ông như thế nào về sở hữu chéo sau 2 năm đẩy mạnh tái cơ cấu?

Có thể nói sở hữu chéo đến thời điểm này đã giảm so với 2 năm trước kể từ khi NHNN tái cơ cấu ngành, nhưng nếu khẳng định hết rủi ro do sở hữu chéo gây ra thì chưa đúng, theo tôi thì mới chỉ là đã giảm đi mức độ nghiêm trọng. Sở hữu chéo bản chất không xấu nếu biết dừng đúng lúc và không lạm dụng để tư lợi. Nhưng thực tế thời gian qua, không ít cá nhân, cổ đông đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng đã lợi dụng sở hữu chéo để tư lợi riêng cho bản thân, dẫn đến khó khăn cho ngân hàng. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh tái cơ cấu để giảm sở hữu chéo trong lúc này cũng rất khó, bởi muốn làm được điều này phải có nguồn lực và tiềm lực tài chính. Vì vậy, tái cơ cấu ngành hiện nay là đúng, và hiệu quả cao hay thấp thì phụ thuộc vào cách làm.

Thiếu nguồn lực về tài chính là khó khăn hiện nay đối với tái cơ cấu ngành ngân hàng, nên đòi hỏi cần thời gian mới có thể đánh giá được kết quả tái cơ cấu ngành một cách chính xác.

Có nghĩa là, đẩy mạnh sáp nhập hiện nay cũng chính là để giảm sở hữu chéo, thưa ông?

Đó là một hình thức đúng và sẽ giúp giảm sở hữu chéo một cách tốt hơn, lành mạnh hoạt động của ngành ngân hàng. Chẳng hạn, nếu 2 ngân hàng có chung sở hữu giữa các cổ đông thì quy về một mối là đúng đắn. Tuy nhiên, như tôi vừa đề cập, về lâu dài tái cơ cấu ngân hàng không chỉ bằng sáp nhập, hợp nhất. Trước mắt do chưa đủ nguồn lực tài chính nên đi theo hình thức này được xem là một giải pháp khả thi để giảm tỷ lệ sở hữu chéo.

Theo ông, sở hữu chéo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng?

Điều đó không sai, nhất là vào những thời điểm bất động sản, chứng khoán tăng nóng, nhiều người đã lấy tiền ngân hàng ra để đầu tư. Khi thị trường bất động sản, chứng khoán khó khăn không thể rút vốn kịp nên đã để lại nợ xấu như ngày hôm nay. Còn nếu, bất động sản, chứng khoán không có khó khăn thì chưa hẳn các ngân hàng đã khó khăn. Một trong những nguyên nhân của sở hữu chéo là những người có cơ hội vào ngân hàng để đem lại lợi ích cho họ, tức đưa vốn phục vụ cho chính mình. Tuy nhiên, người có tâm thì đem lại lợi ích ở mức phù hợp, nhưng những cá nhân có lòng tham lại lạm dụng sở hữu chéo quá mức, dẫn đến con nợ và chủ nợ chính là một, gây khó khăn cho ngân hàng và nền kinh tế. Đó cũng là lý do vì sao Luật các TCTD quy định cho vay có giới hạn đối với những người có liên qua trong ngân hàng. Tuy nhiên, do sở hữu chéo thời gian qua rất phức tạp, chồng lấn lên nhau nên rất khó có thể kiểm soát được khiến tỷ lệ cho vay những người liên quan lên mức cao, rủi ro gia tăng.

Không xấu hơn nhưng bệnh vẫn còn

Các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất 2 năm qua hiện sức khỏe đã ổn định, thưa ông?

Sức khỏe của các ngân hàng đã M&A trong 2 năm vừa qua chắc chắn sẽ không xấu hơn, nhưng “bệnh” vẫn còn. Do đó, chưa thể khẳng định được là “bệnh” của các ngân hàng này đã hết hay chưa! Thanh khoản các ngân hàng cũng chưa thể nói là đã hoàn toàn tốt, nhưng cái được chính là tình hình đã ổn định và dần cải thiện. Tuy nhiên, do các ngân hàng này trước đây cho vay nhiều vào bất động sản và kể cả đầu tư bất động sản nhiều nên cần có thời gian để xử lý.

Vậy ông đánh giá thế nào về việc xử lý nợ xấu sau M&A?

Trong thời gian qua các ngân hàng thực hiện sáp nhập, hợp nhất đã tích cực xử lý nợ bằng 4 hình thức: thu nợ bằng tiền, tái cơ cấu, dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng và bán nợ xấu cho VAMC. Trong đó, việc dùng khá lớn quỹ dự phòng để xử lý thì xem như các ngân hàng đã hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng. Nếu thu hồi được thì khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận kỳ sau. Việc bán nợ xấu cho VAMC được xem như là một giải pháp giúp ngân hàng có thể làm sạch được bản cân đối kế toán. Tuy nhiên, sau khi bán nợ xấu cho VAMC các ngân hàng cũng phải trích dự phòng trong vòng 5 năm và thu hồi nợ xấu. Mặt khác, VAMC cũng chỉ mua các khoản nợ xấu có giá trị tài sản đảm bảo cao, chứ không phải mua tất cả các khoản nợ xấu. Việc bán nợ xấu cho VAMC là một giải pháp đã được các ngân hàng tận dụng tốt để xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tái cơ cấu sau khi sáp nhập, hợp nhất, làm giảm áp lực về tài chính.

Có một câu hỏi không mới liên quan tới việc xử lý nợ xấu đó là tại sao đến nay vẫn chưa hình thành được thị trường mua – bán nợ, thưa ông?

Việc hình thành thị trường mua – bán nợ đã được Chính phủ và NHNN đặt yêu cầu sớm hình thành để có thể xử lý triệt để các khoản nợ xấu mua lại của ngân hàng. Tuy nhiên, khó khăn là cơ sở pháp lý của chúng ta hiện nay chưa cho phép.

Trên thực tế, mua bán nợ là chứng khoán hóa khoản nợ và khi nắm được khoản nợ đó cũng có nghĩa là nắm khế ước nợ, hoàn toàn có thể quyết được mọi vấn đề. Việt Nam chưa thể làm được điều này bởi thực tế hiện nay, các tài sản đảm bảo, thế chấp chủ yếu là bất động sản, khi mua lại nợ xấu cũng có nghĩa là nắm các tài sản đó. Nhưng điểm vướng chẳng hạn như khoản nợ xấu nếu được nhà đầu tư nước ngoài mua lại thì họ phải có toàn quyền quyết định về khoản nợ đó, trong khi luật pháp Việt Nam chưa có phép người nước ngoài và Việt kiều được sở hữu tài sản là bất động sản. Đó cũng chính là lý do vì sao chưa thể sớm hình thành được thị trường mua – bán nợ để xử lý triệt để nợ xấu và thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua, bán nợ xấu của Việt Nam, cho dù nhu cầu của nhà đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng là rất lớn.

Vậy theo ông, nợ xấu của ngành ngân hàng đến thời điểm này có còn quá lo ngại?

Một khi nợ xấu còn, tất nhiên còn phải lo, nhưng đến thời điểm này có thể nói đã phần nào giảm bớt nỗi lo về nợ xấu. Thứ nhất là các ngân hàng đã có ý thức hơn trong việc kiểm soát rủi ro nợ xấu và kiểm soát chặt hơn về chất lượng tín dụng, các ngân hàng đã phải tự cứu mình trước. Thứ hai, các ngân hàng hiện được phép dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng, thay vì còn xa lạ như trước đây. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận trước mắt nhưng sau này khi thu hồi được nợ, các khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập.

Hàng năm, các ngân hàng phải dùng đến vài chục nghìn tỷ đồng để trích dự phòng rủi ro. Chẳng hạn như năm 2011, các ngân hàng đã trích lập đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng và khả năng trong năm nay cũng phải trên 100 nghìn tỷ đồng cho việc này nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động. Vì thế, lợi nhuận thu về năm nay có thể sẽ thấp nhưng điều đó giúp tăng tính an toàn cho hoạt động của các ngân hàng cũng như toàn hệ thống.

Nhìn một cách thực tế, môi trường khiến nợ xấu tăng còn lớn khi kinh tế khó khăn và sức khỏe doanh nghiệp yếu. Trong thời gian qua có thể còn một số ngân hàng “che” nợ xấu, nhưng dần cũng sẽ lộ diện, vì khó khăn kéo dài sẽ khó có thể “gồng” được. Hiện nay luật pháp đã thừa nhập việc xử lý nợ xấu bằng trích dự phòng rủi ro đảm bảo hoạt động của ngân hàng an toàn thì cũng phần nào bớt lo hơn.

Chấp nhận vốn để trong kho!

Nợ xấu không được dứt điểm hết thì tín dụng khó phát triển, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Nợ xấu là một lực cản làm cho chi phí vốn tăng lên, ngân hàng không dám cho vay bởi sợ gánh thêm nợ xấu. Song điều quan trọng hơn, tín dụng vẫn là do cung – cầu thị trường quyết định. Một khi cầu thị trường không có thì cung vốn có được đẩy ra mạnh cũng không thể tiêu thụ được. Chẳng hạn, với một hộ sản xuất ở nông thôn, nếu vụ này vay được 30 triệu đồng lãi suất ưu đãi, nhưng sản xuất ra không tiêu thụ được thì đến vụ tiếp theo chưa hẳn họ đã vay. Trường hợp, nếu có vay thêm thì hộ sản xuất đó cũng sẽ rất thận trọng. Tương tự, đối với doanh nghiệp, nếu đầu ra sản phẩm không được khơi thông và sức mua chưa cải thiện thì sẽ không vay cho dù lãi suất có về mức bằng không.

Nói cách khác, giảm lãi suất nhưng hàng tồn kho tăng hoặc thanh khoản chậm thì chưa thể kỳ vọng dòng chảy tín dụng sẽ được khơi thông mạnh. Các ngân hàng trước bối cảnh thị trường còn khó khăn và rủi ro nợ xấu hiện nay chắc hẳn phải kiểm soát chặt rủi ro cho dù ngân hàng có thể cơ cấu, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp có dự án khả thi, có nhu cầu về vốn để tiếp tục đầu tư, sản xuất.

Có nghĩa, để kích được cầu tín dụng chưa hẳn chỉ với việc giảm lãi suất đầu ra?

Mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đã giảm nhiều so với trước và trở lại mặt bằng cũ của năm 2006. Vì thế, để kỳ vọng lãi suất giảm sâu thêm trong thời gian tới là rất khó, mặt bằng lãi suất đã dần phù hợp, nhưng nhu cầu về vốn vẫn không tăng. Qua đó, có thể nói rằng để khơi thông được dòng chảy tín dụng không chỉ có biện pháp giảm lãi suất mà cần phải giảm được tồn kho nền kinh tế.

Có một nhận thức khá rõ ràng đối với doanh nghiệp và thị trường hiện nay là “sản xuất để làm gì” chứ không phải “sản xuất ra cái gì”. Hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được thì doanh nghiệp sẽ không sản xuất mà có thể đem nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng. Thực tế, lợi nhuận doanh nghiệp làm ra chưa hẳn đã trang trải được chi phí hoạt động. Còn phía ngân hàng cũng phải thận trọng rủi ro và thậm chí một số ngân hàng còn chấp nhập để vốn trong kho chịu lỗ hơn là đẩy ồ ạt ra thị trường, nhưng rủi ro nợ xấu tăng.

Vậy liệu mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12- 14% mà ngành ngân hàng đặt ra năm nay có đạt được hay không?

Đúng là sức mua vẫn thấp, tình hình kinh tế những tháng đầu năm còn khó khăn đã ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng. Tính đến cuối tháng 3, tín dụng trên cả nước tăng nhẹ. Thông thường, sau Tết Nguyên đán, tín dụng giảm do doanh nghiệp bán được hàng nên trả nợ cũ và quý I thường để chuẩn bị vận hành cho năm sau nên tín dụng khó tăng. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ trong năm nay là quyết liệt đưa tín dụng tăng ngay từ đầu năm cho đồng vốn thực sự đi vào sản xuất.

Trong quý I, huy động vốn qua kênh trái phiếu của Chính phủ tương đối tốt tạo điều kiện bơm tiền ra đầu tư, từ đó sẽ kích thích tín dụng tăng. Để hỗ trợ quá trình này, NHNN cũng yêu cầu giảm thêm mức 1 - 2%/năm với lãi suất cho vay. Tác động có thể chưa nhiều nhưng quan trọng là tạo niềm tin rằng lãi suất sẽ giảm nên doanh nghiệp có thể yên tâm vay vốn để làm ăn. Vì thế, mục tiêu tín dụng kỳ vọng năm nay ở mức trên cũng có thể đạt được.

Tín dụng sẽ tăng nhưng điều quan trọng hơn với hoạt động tín dụng hiện nay là chất lượng khoản vay, không phải chỉ tiêu. Cạnh tranh hoạt động trong ngành ngân hàng hiện nay khá gay gắt, nhất là đối với thị phần tín dụng, song không phải vì thế mà các ngân hàng có thể hạ chuẩn cho vay. Vì nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng sẽ dẫn đến rủi ro nợ xấu, mất tính an toàn.

Thùy Thanh (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.