Mạng nhện sở hữu chéo giữa các TCTD với nhau, TCTD với doanh nghiệp từng là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ luỵ lớn trong nền kinh tế. Mạnh tay với sở hữu chéo, thời gian qua NHNN đã có nhiều quy định bổ sung để giảm bớt tình trạng sở hữu chéo.
Cụ thể, trong Luật sửa đổi bổ sung Luật các TCTD, ban hành và có hiệu lực năm 2017, việc sở hữu chéo một lần nữa được NHNN lưu ý khi đưa ra quy định về việc làm chủ ngân hàng thì không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp. Tuân thủ quy định trên, nhiều Chủ tịch HĐQT ngân hàng đã thoái vị trí Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp hoặc ngược lại.
Trong Thông tư số 46/2018/TT-NHNN ban hành mới đây, có hiệu lực từ ngày 1/3/2019, quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác cũng nêu rõ: Yêu cầu TCTD phối hợp với cổ đông lớn rà soát, xác định danh sách cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác;
TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung). Kế hoạch khắc phục tối thiểu phải có danh sách nhóm cổ đông lớn có liên quan, biện pháp và lộ trình khắc phục.
Thông tư cũng quy định, TCTD đầu mối, TCTD khác không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 55 Luật Các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung)…
Đối với các trường hợp sở hữu vượt giới hạn khác, sẽ bị NHNN xử lý theo Thông tư số 06/2015/TT-NHNN.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, nhiều trường hợp các TCTD đã thoái vốn khỏi các TCTD khác như: Vietcombank thoái vốn cổ phần tại OCB, Saigonbank, Eximbank, MB, Công ty tài chính Xi măng; VietinBank thoái vốn khỏi Saigonbank; Agribank thoái vốn khỏi OCB; Eximbank thoái sạch vốn tại Sacombank…
Được biết, cho đến thời điểm này, sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp, sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp từ 56 cặp xuống còn còn 2 cặp.
Trả lời chất vấn của của đại biểu Quốc hội về tình trạng sở hữu chéo tháng 11/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng nhấn mạnh quyết tâm xử lý sở hữu chéo ngân hàng trong năm 2019-2020. Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn, do việc thoái vốn còn phụ thuộc vào tìm đối tác. Chủ yếu nắm giữ ở các ngân hàng là các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện lộ trình cơ cấu lại, cũng như cổ phần hóa cho nên việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng cũng phải chọn thời điểm và giá cả để đảm bảo lợi ích của nhà nước…
-
Vietcombank tiếp tục trình phương án tăng vốn trong năm 2019
CafeLand - Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa phát đi thông báo cho biết sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào ngày 26/4.