Áp lực về dân số
Bà Hoàng Thị Sâm - trú tại số 92 phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, gia đình bà đã có 3 thế hệ sinh sống, tuy cùng một số nhà những lại có rất nhiều gia đình đang sinh sống. Thời gian gần đây nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, nhưng việc cải tạo, nâng cấp hết sức khó khăn, nếu như mạnh ai nấy làm thì sẽ ảnh hưởng đến các gia đình cùng chung sống và chính quyền TP cũng không cho phép việc tự ý sửa chữa cải tạo nhà trong phố cổ.
Nút giao Hàng Gai - Hàng Đào
“Hầu hết các gia đình chúng tôi vẫn đang chờ xem TP có phương án hỗ trợ người dân trong công tác sửa chữa, cải tạo như thế nào. Thực tế chúng tôi không muốn dời đi, vì đã quen với cuộc sống ở đây từ nhiều năm rồi. Hơn nữa, cuộc sống của chúng tôi dựa vào hoạt động kinh doanh trong phố cổ” - bà Sâm chia sẻ.
Số liệu khảo sát của Tổ chức TP sống tốt tại Việt Nam (Healthbridge) cũng cho thấy, có đến trên 80% số người dân đang sinh sống tại phố cổ Hà Nội không muốn dịch chuyển đến định cư ở nơi khác, vì hầu hết người dân phố cổ sinh sống bằng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Trong khi đó, mật độ dân tại đây hiện đã lên tới hơn 84.000 người/km², thuộc loại cao nhất thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã Lê Quang Huấn, hiện nay trên địa bàn phường có một số công trình liên quan đến kiến trúc pháp cổ và công trình dân sinh khác đã rơi vào tình trạng xuống cấp, nhưng chủ sở hữu vẫn không muốn di dời. “Các gia đình đều không muốn di dời và tâm lý của người dân là vẫn đang chờ chính quyền có cơ chế hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo các công trình” - ông Huấn cho hay.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Khu phố cổ hiện nay được khoanh vùng lại trên diện tích khoảng 105ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường nằm trên 79 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Toàn khu có 112 di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến và tín ngưỡng tôn giáo, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, đặc biệt trong số các di tích có 14 di tích thờ các vị tổ nghề thủ công truyền thống của Thăng Long Hà Nội. Những đặc trưng về một phố thị dân gian đã mang lại sự “độc tôn” cho phố cổ Hà Nội mà nhiều khu phố cổ của các nước trên thế giới không có được.
Thực tế, công tác bảo tồn phố cổ đã được thực hiện từ nhiều năm nay, năm 2012 TP đã thực hiện di dời hơn 1.000 hộ dân từ khu vực phố cổ sang khu đô thị Việt Hưng giai đoạn 2009 - 2015.
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện nay TP đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án “Giãn dân phố cổ Hà Nội”, theo kế hoạch sẽ di dời thêm hơn 5.000 hộ dân sang sinh sống ở khu vực mới. Bên cạnh đó, TP cũng chủ trương phát triển các loại hình dịch vụ - kinh doanh trong khu phố cổ để tăng nguồn thu cho người dân và ngân sách.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội, trong thời gian gần đây nhiều hoạt động xây dựng, cải tạo các công trình đang làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc và các thiết kế đô thị liên quan đến phố cổ. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc TP cho phát triển các hoạt động kinh doanh - du lịch là đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian kiến trúc.
“Nhưng theo quan điểm của tôi, một công trình không sử dụng thì nó cũng sẽ bị hỏng, còn lại sử dụng một cách hợp lý vừa có kinh phí để bảo tồn, tôn tạo lại vừa có thể giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về những công trình kiến trúc độc đáo của Hà Nội” - KTS Trần Huy Ánh nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, hiện nay các vấn đề cần quan tâm nhất tại khu vực phố cổ là các thiết kế kiến trúc, chiều cao công trình mới và một khu phố cổ có thể tồn tại được thì khu phố đó cần phải gắn với các hoạt động của con người và bảo tồn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
“Phố cổ Kaoagoe và Imai (Nhật Bản) cũng có những đặc điểm khá giống với phố cổ Hà Nội, hệ số sử dụng mặt bằng và không gian lớn, mật độ dân cư cao, trong đó 80% diện tích được sử dụng cho mục đích thương mại và sinh hoạt. Nhưng chiều cao chủ yếu trong các khu phố này là những dãy nhà 2 tầng theo kiểu kiến trúc cổ, người dân cũng cần ý thức được việc này trong quá trình xây dựng, cải tạo công trình” - PGS.TS Nguyễn Quốc Thông nói.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng, các phương án bảo tồn khác như cấm các phương tiện giao thông sinh hoạt hàng ngày đi qua khu vực phố cổ, ngầm hóa tối đa hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; hay là các khu vực đệm quanh khu phố chính và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện không ảnh hưởng tới cảnh quan... cũng cần được chú trọng.
“Đối với các công trình đang xuống cấp thì thực hiện phương án cải tạo, trùng tu. Cần phải phân loại công trình dân sinh bình thường và công trình di sản để có phương án kinh phí. Những giải pháp trên đã từng được Nhật Bản áp dụng trong việc cải tạo lại tuyến phố cổ Takamasu” - PGS.TS Nguyễn Quốc Thông cho biết thêm.
Phố cổ Hà Nội có gần 1.000 ngôi nhà cổ xây dựng từ hơn 100 năm trước, đa phần hư hỏng nặng, bị cơi nới, sửa chữa tự phát. Tại khu vực cũng đã xuất hiện nhiều kiểu nhà “lụp xụp” với số lượng lên đến hơn 500 căn. Hiện, khu phố cổ Hà Nội có hơn 4.340 biển số nhà. Mỗi số nhà có diện tích trung bình 92 m2, có tới 3 - 4 gia đình sinh sống, diện tích ở chỉ đạt 0,5 - 1,8 m2/người. Trong đó, 63% số nhà đã xuống cấp, 12% nhà thuộc diện nguy hiểm, 5% nhà ô nhiễm. "Hiện nay quận Hoàn Kiếm đang xây dựng đề án thiết kế đô thị của 79 tuyến đường trong phố cổ, để tạo sự đồng nhất cho không gian kiến trúc, đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện tham gia công tác bảo tồn. Đối với những trường hợp phải di dời thì cố gắng bố trí tái định cư dựa vào quỹ đất của TP, tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người dân trong thời gian đầu làm quen với nơi ở mới." - Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm |