08/11/2011 3:45 AM
CafeLand - Cuối năm, thời điểm các doanh nghiệp địa ốc đáo hạn nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn hiện nay thì việc thanh toán khoản nợ vay đầu tư dự án là không dễ. Vì vậy, phương án giảm giá bán sẽ được phần lớn các chủ đầu tư lựa chọn. Song, vấn đề này để lại nhiều nghi vấn rằng ai sẽ được hưởng lợi sau cơn “đại hạ giá” này?


Nghi án “bán tháo”

Ngay sau khi công bố giảm gần 35% giá bán căn hộ PetroVietnam Landmark, nhiều người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở cũng bắt đầu lùng sục thông tin dự án với hi vọng nhu cầu của mình sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, mới đây, khi chủ đầu tư công bố tổ chức bốc thăm mua căn hộ tại dự án với lý do số người đăng ký vượt quá nhiều so với lượng căn hộ công ty có thể cung cấp đã làm tắt đi ngọn lửa hi vọng đang nhen nhóm trong lòng người mua.

Nếu chỉ vì lý do không đáp ứng đủ nhu cầu người mua thì không có gì để bàn cãi, nhưng vấn đề lại nảy sinh từ hình thức bốc thăm mua căn hộ dự án Petrovietnam Landmark.

Theo Công ty PVPowerLand, khách hàng đăng ký nhu cầu và đặt trước khoảng tiền 500 triệu đồng/phiếu để đảm bảo tham gia chương trình bốc thăm mua căn hộ trong thời gian từ ngày 2/11 – 7/11/2011. Trong đó, nội dung bốc thăm mua căn hộ dự án Petrovietnam Landmark được công ty này quy định như sau: Khách hàng tự đưa ra giá mua căn hộ dự án từ 15,5 triệu đồng/m2 trở lên, 25 khách hàng trả giá cao nhất sẽ tiếp tục lọt vào vòng 2 để bốc ngẫu nhiên số thứ tự căn hộ mình được mua. Khách hàng nào bốc trúng, sau 3 ngày sẽ ký hợp đồng mua căn hộ nhưng phải thanh toán ngay 100% giá trị. Trong trường hợp khách hàng không thanh toán đủ và bỏ không mua thì bị mất tiền đặt cọc. Trường hợp khách hàng không trúng vòng 1 sẽ được trả lại tiền đặt cọc và chờ tiếp đợt sau.

Ngoài ra, PVPowerLand còn quy định, trong trường hợp có nhiều hơn 25 phiếu hợp lệ có trên 5 phiếu trả giá bằng giá tối thiểu thì công ty sẽ hủy kết quả bốc thăm và tổ chức bốc thăm lại. Điều đó có nghĩa là sẽ chỉ có cao nhất là 5 căn được bán với cái giá 15,5 triệu đồng/m2, số còn lại sẽ cao hơn.

Từ những quy định trên có thể thấy rằng, thật khó để người mua tiếp cận được dự án bởi giá cạnh tranh không chỉ dừng ở mức 15,5 triệu đồng/m2 mà có thể đẩy lên 16 – 17 triệu thậm chí 18 triệu đồng/m2 nhưng bắt buộc thanh toán 100% giá trị. Với điều kiện mua được đưa ra khá ngặt nghèo của chủ đầu tư, phải chăng hình thức này đang hướng đến đối tượng khách hàng là nhà đầu tư thứ cấp?

Bên cạnh đó, với mức giảm gần 35% giá bán, người mua thật khó lòng biết được giá bán 21,36 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư công bố bán trước đó có thực là “giá gốc” hay không?

Nhìn từ góc độ dự án, PetroVietnam Landmark nằm ngay Tiểu khu 7 của Khu đô thị mới An Phú - An Khánh, quận 2. Một vị trí khá lý tưởng với 4 con đường bao quanh, mặt chính tiếp xúc với Đại lộ Đông Tây - đây là trục giao thông quan trọng để đi vào trung tâm quận 1. Đặc biệt, thời điểm hầm Thủ Thiêm được thông xe (ngày 20/11) đang đến rất gần, sẽ nâng giá trị dự án khi thời gian di chuyển từ dự án đến trung tâm thành phố chỉ còn khoảng 5 phút. Trong khi đó, hạn đáo nợ vay ngân hàng vào ngày 23/11 cách thời điểm thông hầm Thủ Thiêm không lâu.

Phía sau câu chuyện “bán tháo” dự án - Kỳ 2: Ai lỗ, ai lãi?

Nhiều người dân vẫn kỳ vọng được sở hữu căn hộ "bán tháo". Ảnh: Nguồn internet

Lỗ, lãi khó phân

Theo ý kiến một số chuyên gia, trong bối cảnh không bán được hàng, khó tiếp cận vốn vay, đồng thời cận thời điểm đáo hạn nợ vay, nhiều doanh nghiệp khó khăn nên buộc phải tìm mọi chiến thuật để đẩy hàng. Chủ đầu tư nào càng chạy nhanh trong cuộc đua “bán tháo” sẽ càng về đích sớm. Vì vậy, hình thức cắt lỗ này sẽ là giải pháp an toàn nhất trong điều kiện địa ốc đang ảm đạm như hiện nay.

Một số ý kiến khác cho rằng, đừng thấy động thái “đại hạ giá” này hay “bán tháo” kia, mà sốt ruột sợ thị trường bất động sản sẽ vỡ. Bởi trong những tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đến hạn trả nợ vay ngân hàng. Theo đó, để giải quyết vấn đề trước mắt, họ có thể tìm nhiều giải pháp như liên kết các nhà đầu tư khác để có vốn trả nợ, chuyển nhượng dự án, mua bán, sát nhập doanh nghiệp, hoặc xuống giá,... Điều đó sẽ dẫn tới khả năng hạ giá mạnh, nhà đầu tư đẩy ra thị trường được nhiều hàng hơn, hi vọng có nhiều người mua hơn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới giá cả thị trường nhưng là ảnh hưởng tốt.

Đứng ở một góc độ khác, diễn biến như vậy sẽ khắc phục tình trạng giá bất động sản hiện nay đang chênh lệch quá lớn so với thu nhập của người dân Việt Nam, đưa giá bất động sản về đúng giá trị thực của nó.

Tuy nhiên, với những lý luận trên vẫn chưa đủ khả năng để khẳng định động thái hạ giá này ai sẽ là người được lợi. Bởi, với hình thức bán nói trên thì khả năng mức giá 15,5 triệu đồng/m2 khó có thể đến được tay người có nhu cầu thực sự.

Theo ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, "việc giảm giá bán sẽ khắc phục tình trạng giá bất động sản hiện nay đang chênh lệch quá lớn so với thu nhập của người dân Việt Nam. Điều này có nghĩa làm cho thị trường vì người tiêu dùng hơn."

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.