05/10/2020 3:46 PM
“Tái cơ cấu kinh tế đi vào thực chất hơn, từng bước phát huy thế mạnh của tỉnh” là một trong những quyết sách mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa X đã đề ra. Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện được quyết sách này với những kết quả đáng mừng.

Để đạt được như vậy, Bình Phước đã có những chương trình, giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển của tỉnh trên nhiều mặt, từ kinh tế - xã hội đến đời sống người dân đã khẳng định tính đúng đắn, hợp lý, đột phá của các quyết sách này.

ướng đi đúng xu thế

Trước hết, phải khẳng định, “tái cơ cấu kinh tế” đã không còn là khẩu hiệu mà thật sự trở thành nội dung quan trọng mà Bình Phước phải dồn sức thực hiện, vừa để phát triển đúng hướng hơn, vừa để phát huy được thế mạnh của tỉnh.

Trong tái cơ cấu kinh tế, tại sao một tỉnh xa các trung tâm kinh tế lớn, xa cảng biển, sân bay lại phải nâng cao tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, đồng thời chú trọng vào nông nghiệp công nghệ cao? Đó là vì, công nghiệp - xây dựng có phát triển, đặc biệt là công nghiệp chế biến mới có thể khai thác thế mạnh về cây ăn quả, cây công nghiệp của Bình Phước.

Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, huyện Chơn Thành trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước - Ảnh: Nguyễn Tấn.

Ước đến năm 2020, Bình Phước có tổng diện tích cây trồng 466.300 ha. Trong đó, tỉnh là thủ phủ điều của cả nước với 181.000 ha điều, là vùng trọng điểm trồng cao su với 242.500 ha và 14.500 ha hồ tiêu, 16.859 ha cà phê, gần 11.000 ha cây ăn quả chất lượng vượt trội… Thực tế khẳng định, Bình Phước là vùng sản xuất nguyên liệu tập trung lớn. Do đó, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến là tất yếu. Những con số đạt được trong 5 năm qua đã chứng tỏ điều này.

Giai đoạn 2016-2020, chương trình phát triển công nghiệp - xây dựng của Bình Phước đạt kết quả cao, đóng góp 43% giá trị trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 95% toàn ngành công nghiệp. Hiện tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó có 5 khu đã lấp đầy. Chính sách thu hút đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm, nên ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn có năng lực đến đầu tư tại tỉnh. Chuẩn bị điều kiện cho thu hút đầu tư phát triển công nghiệp giai đoạn tới, Bình Phước phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam điều chỉnh quy hoạch sử dụng thêm 9.992 ha giai đoạn 2021-2030 để mở rộng các khu công nghiệp hiện có và phát triển các khu, cụm công nghiệp mới.

Bình Phước đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu để hướng đến bền vững, giảm thiểu thiệt hại do biến động thị trường cả nội địa lẫn xuất khẩu. Cụ thể, nông nghiệp Bình Phước đang hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn trái, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với chuỗi giá trị, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trình độ sản xuất, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên; liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mở rộng; đã hình thành thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh, được cấp Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước... Tỉnh đã thành lập 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai quy hoạch vùng an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu, thử nghiệm thành công các mô hình như: trồng các giống hoa lan nhiệt đới, dưa lưới, rau thủy canh trong nhà màng và ứng dụng công nghệ thông minh chăm sóc tự động. Chuyển giao hàng chục mô hình trồng cà phê ghép, cải tạo vườn điều già cỗi, xây dựng và phát triển vườn rau an toàn... Các mô hình hợp tác kinh tế và hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi sản xuất - chế biến đem lại hiệu quả và thu nhập cao hơn cho người nông dân. Đây không chỉ là phát triển bền vững mà là hướng đi đúng xu thế.

Đột phá về hạ tầng điện và giao thông

Cùng với “tái cơ cấu kinh tế”, chuyển dịch mạnh ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, Bình Phước đầu tư và thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư, đảm bảo các tuyến giao thông huyết mạch (quốc lộ 13, 14, ĐT741) lưu thông thuận lợi, kết nối giữa Tây nguyên với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh và kết nối TP. Hồ Chí Minh đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Hoàn thành xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới kết nối lưu thông giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh. Tỉnh đã kêu gọi và huy động vốn của doanh nghiệp đầu tư theo hình thức BOT, BT, hoàn thành một số dự án trọng điểm như: dự án BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu, dự án BOT mở rộng đường tỉnh 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài và đoạn Đồng Xoài - Phước Long; dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2016-2020, Bình Phước xây dựng được 6.900km đường giao thông. Trong đó, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với trên 3.900km đường bê tông triển khai theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt, từ năm 2019, Tỉnh ủy ra chỉ tiêu mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù, góp phần chuyển biến tích cực đời sống của người dân vùng nông thôn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 99% số hộ dân sử dụng điện, đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Toàn tỉnh có 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất 297MW và đang triển khai 2 dự án điện mặt trời với công suất thiết kế 850MWp. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 1 dự án với công suất khoảng 450MWp; hoàn thành và vận hành đường dây 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh hòa hệ thống điện lưới quốc gia.

Trong 12 dự án trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra, đến nay đã có 6 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo cơ sở, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, gồm: dự án nâng cấp đường ĐT759; dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới; dự án BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Chiu Riu; dự án BT đường Minh Hưng - Đồng Nơ; dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái Căn cứ Bộ chỉ huy Miền - Tà Thiết; dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Có 4 dự án hoàn thành giai đoạn I gồm: dự án Becamex - Bình Phước; dự án BOT mở rộng đường tỉnh 741 đoạn Bàu Trư - Đồng Xoài; dự án BOT mở rộng đường tỉnh 741 đoạn Đồng Xoài - Phước Long; dự án Khu du lịch tâm linh núi Bà Rá. Có 2 dự án đang triển khai gồm: dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp với phim trường trảng cỏ Bù Lạch; dự án Trung tâm thương mại tại Đồng Xoài, Phước Long, Chơn Thành.

Từ hệ thống này, việc vận chuyển nguyên vật liệu từ cảng, từ các nơi về Bình Phước và từ Bình Phước đi các nơi, ra cảng cho xuất khẩu không còn là trở ngại. Thời gian vận chuyển và cả chi phí vận chuyển đều được giảm, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh.

Tất cả góp phần để Bình Phước thu hút đầu tư tốt hơn, nhất là đầu tư vào công nghiệp chế biến cho chính vùng nguyên liệu của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút đầu tư trong nước được 784 dự án với số vốn đăng ký 58.890 tỷ đồng, tăng 3,1 lần về số dự án và tăng 2,7 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015. Thu hút đầu tư nước ngoài được 146 dự án với số vốn đăng ký 1 tỷ 440 triệu USD, tăng 1,2 lần về số dự án và tăng 2,2 lần về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước. Số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016-2020 là 4.850 với số vốn đăng ký 46.200 tỷ đồng, tăng 64,5% về số doanh nghiệp và tăng 2,3 lần về số vốn. Tỉnh cũng thành lập mới 160 hợp tác xã, tăng 83% so với nhiệm kỳ trước.

Nhiệm kỳ tới, để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sẵn có, thu hút các nguồn đầu tư cho phát triển bền vững, Bình Phước vẫn nên hướng kinh tế theo “tăng tỷ lệ công nghiệp - xây dựng” trong cơ cấu kinh tế và tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông.

Những yếu tố cần để tiếp tục thực hiện

Có thể thấy, một khi tỉnh Bình Phước đã xác định tiếp tục tái cơ cấu kinh tế theo hướng “tăng tỷ lệ công nghiệp - xây dựng” gắn với vùng nguyên liệu thì việc đẩy mạnh các đột phá về hạ tầng kèm theo chú trọng các yếu tố cụ thể, cần thiết khác là việc phải làm. Trước hết, muốn đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cần có nguồn lực. Nếu cứ trông chờ vào đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh thì cần có thời gian dài và không bao giờ là đủ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đã đến lúc phải tìm cách huy động mọi nguồn lực cho hạ tầng, kể cả việc mạnh dạn đề xuất, xin chủ trương từ Trung ương để đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Có thể kêu gọi các doanh nghiệp từ ngoài đầu tư hạ tầng trong tỉnh hoặc kêu gọi chính các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại tỉnh đầu tư cho hạ tầng trong khu vực hoạt động của mình, đảm bảo hai bên đều có lợi và theo đúng quy định pháp luật.

Để thực hiện được chiến lược phát triển đồng bộ của tỉnh, trong đó có tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, cần rất nhiều yếu tố mang tính đột phá và đồng bộ. Mỗi yếu tố đó chính là một mục tiêu mà Bình Phước phấn đấu thực hiện đến năm 2050: “(1)Trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút việc làm thuộc nhóm dẫn đầu cả nước để đến năm 2050 trở thành địa phương dẫn đầu trong nhóm khá của cả nước và trở thành một động lực cho sự phát triển của vùng Đông Nam bộ nói riêng, và cả nước nói chung; (2) Miền đất hứa cho các doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và tạo ra của cải cho toàn xã hội; (3) Tạo dựng môi trường để những người có khả năng phát huy trí tuệ đạt được các mục tiêu của họ và tạo ra các lợi ích cho xã hội; (4) Tạo dựng môi trường sống tốt, hòa hợp với thiên nhiên và bền vững; (5) Các chính sách an sinh xã hội tập trung vào tính hiệu quả vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Song song phát triển hạ tầng là tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó bao hàm sự cởi mở của lãnh đạo tỉnh đối với doanh nghiệp, người dân và báo chí. Nhìn ra một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, chúng ta có thể thấy phần nào sự cởi mở của lãnh đạo các địa phương này cũng là một yếu tố để thu hút đầu tư. Bình Phước đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, thực hiện phương châm hành động thân thiện “2 nhanh” (nhanh chóng giải phóng mặt bằng, nhanh chóng thực hiện các thủ tục đầu tư) và “3 tốt” (chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt), chính là những giải pháp rất thiết thực mà tỉnh cần tăng cường hơn nữa.

Một yếu tố quan trọng nữa phục vụ định hướng phát triển mà địa phương nào cũng nhắc đến, tìm giải pháp thực hiện là “nguồn nhân lực” và “nguồn nhân lực chất lượng cao”. Bình Phước cũng vậy. Vấn đề ở chỗ, một trung tâm kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh, một địa phương tăng trưởng vượt bậc như Bình Dương cũng đều đang giải bài toán nguồn nhân lực, thì Bình Phước làm thế nào khi rất ít lợi thế thu hút lao động chất lượng. Thực tế, nên chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, bằng cách đào tạo và đào tạo lại, bằng cách tạo môi trường làm việc tốt và cải thiện điều kiện sống để giữ chân lao động. Phải xác định lĩnh vực trọng yếu đồng thời với việc xác định khâu nào cấp thiết, khâu nào lâu dài để chọn và đưa lao động đi đào tạo. Sau đào tạo, ban đầu gắn người lao động với trách nhiệm phục vụ trở lại, còn sau đó là giữ chân bằng chính điều kiện sống và làm việc. Một điểm nữa để thu hút nhân lực, xa hơn là nhân tài, đó là chế độ đãi ngộ khác biệt và hấp dẫn.

Xem thêm: Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Minh Hạnh (Báo Bình Phước)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.