Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định sẽ không nới lỏng chỉ tiêu và xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm quy định về tăng trưởng tín dụng

Đến ngày hôm qua, 5-7, Ngân hàng (NH) Nhà nước vẫn chưa thông tin chính thức về việc NH nào có tỉ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất vượt 22% và biện pháp phạt là áp dự trữ bắt buộc gấp đôi dù thời gian 30-6 đã qua gần một tuần.

Không kịp “chạy”!

Tại buổi gặp mặt báo chí mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết còn 23 NH có tỉ lệ dư nợ phi sản xuất chiếm từ 22% - 50%. Con số này giảm dần cho đến 30-6 nhưng vẫn còn gần chục NH thương mại không đáp ứng được yêu cầu và đành chịu phạt (trong đó TPHCM có 6 NH, Hà Nội có 2 NH vi phạm). Mức phạt là sẽ áp dự trữ bắt buộc lên gấp đôi và bị hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.


Theo các chuyên gia kinh tế, muốn kéo dư nợ phi sản xuất về mức 16% thì ngân hàng phải thu hồi các khoản nợ từ bất động sản. Ảnh: HỒNG THÚY
Thống kê của NH Nhà nước đến giữa tháng 6-2011, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất giảm 9,46% so với cuối năm 2010, chiếm tỉ trọng 16,91% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay phi sản xuất chủ yếu là bất động sản (BĐS).
Theo phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần, các khoản tín dụng lĩnh vực BĐS rất khó thu hồi vì thị trường đang đóng băng và hợp đồng chưa đến ngày tất toán. “Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở khách hàng trả nợ đúng hạn chứ không thể “ép” họ trả nợ khi chưa đến hạn” - ông này nói.

Không ảnh hưởng thanh khoản hệ thống

Một chuyên gia kinh tế nhận xét việc tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các NH vi phạm sẽ không ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống NH. Tuy nhiên, phần lớn NH vi phạm là NH nhỏ vốn yếu về thanh khoản nên khi bị áp dự trữ bắt buộc gấp đôi, các NH có thể gặp khó khăn về thanh khoản và sẽ đối phó bằng cách tăng lãi suất cho vay lên cao hoặc tiếp tục huy động vượt trần.

Đồng thời, việc đưa dư nợ tín dụng về 16% vào thời điểm 31-12 cũng khó thực hiện. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng muốn kéo dư nợ phi sản xuất về mức 16% thì NH phải thu hồi được các khoản nợ BĐS đã cho vay từ trước.
Nhưng trong điều kiện thị trường này đóng băng, ngay các dự án đã hoàn thành tung ra bán còn khó kiếm được người mua, nói gì các dự án đang dở dang hoặc chuẩn bị xây dựng.
Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội NH, cũng cho rằng việc đưa tín dụng về mức 22% có thể thực hiện được nhưng mức 16% vào cuối năm là khó bởi nhiều hợp đồng vay có thời hạn 3-5 năm.
Thời gian qua, để đưa dư nợ phi sản xuất về 22%, một số NH đã dùng “xảo thuật” bằng cách đảo nợ các hợp đồng vay cũ hoặc chuyển hợp đồng cho vay phi sản xuất thành hợp đồng cho vay sản xuất kinh doanh… Điều này về lâu dài có thể gây hiện tượng không minh bạch trong hệ thống NH.

Tạo dòng tiền từ nợ bất động sản


Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, các nước khi gặp khó trong việc thu hồi nợ BĐS thường có hình thức trái phiếu cầm cố. Chẳng hạn, sẽ có một công ty của nhà nước hoặc một nhóm NH lớn đứng ra mua lại các BĐS đang đóng băng nhưng thay vì đưa tiền, họ sẽ phát hành trái phiếu hoặc chuyển đổi tài sản BĐS thành trái phiếu. Trái phiếu này được đem thế chấp trên thị trường liên NH để lấy tiền đồng, tạo thanh khoản. NH Nhà nước có thể cân nhắc để biến những tài sản BĐS thành giá trị có giá, thành dòng tiền nhằm giải quyết thanh khoản cho các NH.

Theo Thái Phương (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0