21/02/2018 9:30 PM
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán về hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án theo hợp đồng BT tại tỉnh Thái Bình. Báo cáo đã nêu ra hàng loạt thiếu sót, hạn chế, vi phạm của cơ quan nhà nước và nhà đầu tư.
Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán đối với 2 dự án, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường Kỳ Đồng kéo dài (do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long làm chủ đầu tư) và Dự án đầu tư xây dựng công trình khu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu nhà 5 tầng, tổ 39, 40 phường Quang Trung, thành phố Thái Bình (do Công ty Cổ phần Damsan làm chủ đầu tư).
Kết quả kiểm toán đã chỉ ra hàng loạt thiếu sót, hạn chế trong công tác phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công cũng như vấn đề tài chính, kế toán.
Thiếu sót trong công tác phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư
Về công tác phê duyệt dự án đầu tư, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra UBND tỉnh Thái Bình quyết định đầu tư dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp khi chưa được HĐND tỉnh thông qua; tổng mức đầu tư xây dựng bao gồm cả chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và yếu tố trượt giá là chưa đúng quy định.
Tổng dự toán các gói thầu đến thời điểm kiểm toán là 207,8 tỷ đồng, vuợt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt (157 tỷ đồng), tuy nhiên UBND tỉnh chưa có quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh theo quy định.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư được tính cả chi phí dự phòng, tuy nhiên khi ký phụ lục hợp đồng BT vẫn đưa chi phí này vào là không đúng theo quy định tại Thông tư 183/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính.
“Trách nhiệm thuộc cơ quan thẩm định tổng mức đầu tư (Sở Kế hoạch Đầu tư); cơ quan tham mưu ký hợp đồng (tổ chức giúp việc); cơ quan được ủy quyền ký hợp đồng BT (UBND thành phố Thái Bình)”, báo cáo khẳng định.
Đối với công tác lựa chọn nhà đầu tư BT, Kiểm toán Nhà nước cho biết UBND tỉnh đã không đăng tải danh sách nhà đầu tư đã gửi văn bản ký thực hiện dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên Báo Đấu thầu và Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương theo quy định.
UBND tỉnh đã thực hiện thành lập Nhóm công tác liên ngành để hỗ trợ đàm phán, thực hiện Dự án theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP nhưng chưa có một số chuyên gia pháp luật, kỹ thuật, tài chính độc lập khác tham gia vào nhóm công tác liên ngành theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP. Thiếu sót này cũng được lặp lại tại dự án đường Kỳ Đồng kéo dài.
Về công tác cấp Giấy chứng nhận đầu tư, ở cả hai dự án, nhà đầu tư chưa làm thủ tục để điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. “Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư; tổ công tác liên ngành”.
UBND tỉnh Thái Bình ký kết hợp đồng BT không đúng quy định

Theo Kiểm toán Nhà nước, đối với dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, việc UBND tỉnh Thái Bình giao cho UBND thành phố Thái Bình ký hợp đồng BT với nhà đầu tư là chưa đúng quy định.

Lãi suất quy định trong hợp đồng chưa cụ thể và chưa phù hợp. Sau khi có quyết định giao đất dự án đối ứng số 2 (Dự án khu dân cư xã Phú Xuân, TP. Thái Bình), các bên ký hợp đồng BT chưa xác định lãi vay huy động vốn đầu tư trong phương án tài chính của hợp đồng BT tính đến ngày UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất; chưa ký kết hợp phụ lục hợp đồng BT ghi nhận giá trị dự án BT đã điều chỉnh do chấm dứt lãi vay huy động vốn đầu tư theo quy định. Công thức thanh toán cũng chưa rõ, chưa chặt chẽ.

Đối với dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, việc UBND tỉnh giao UBND thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư cũng là chưa đúng quy định. Hợp đồng chưa ghi lãi suất cụ thể; công thức thanh toán chưa rõ, chưa chặt chẽ.

Hoàn thiện phần nền đường, lắp dựng bó vỉa giải phân cách cây xanh và hệ thống nước mưa, nước thải tại vỉa hè dự án đường Kỳ Đồng kéo dài

Về công tác khảo sát, lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán, tại dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, thiết kế bản vẽ thi công chưa tuân thủ theo thiết kế cơ sở về giải pháp kết cấu móng và sàn. Trong quá trình thẩm định dự toán xây dựng công trình, Sở Xây dựng Thái Bình còn sử dụng một số đơn giá tạm tính do chưa có trong đơn giá định mức nhà nước công bố và một số đơn giá vật liệu chưa có trong danh mục Thông báo giá.

Bên cạnh đó, phần phát sinh hợp đồng số 02/2017 của gói thầu Thi công phần Hạ tầng kĩ thuật chưa có văn bản thẩm định dự toán của Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình. Dự toán được duyệt còn một số khối lượng chưa phù hợp với bản vẽ thi công làm tăng giá trị dự toán tại các gói thâu xây lắp số tiền 21 tỷ đồng.

Tại dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán cũng bị xác định là còn tồn tại một số sai sót đơn giá làm tăng giá trị dự toán tại các gói thầu 1,6 tỷ đồng.

Đối với công tác quản lý thực hiện hợp đồng thi công xây dựng và tư vấn, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng tại dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, các bên không tiến hành thương thảo hợp đồng các gói trước khi ký hợp đồng theo đúng trình tự quy định.

Hợp đồng số 2674/2016/HĐKT/DS-TLE ngày 26/3/2016 giữa Công ty Damsan và Công ty TNHH Tập đoàn Thang máy Thiết bị Thăng Long không có điều khoản hình thức hợp đồng. Một số đơn giá thanh toán chưa có trong hệ thống định mức nhà nước như ép cọc bê tông, cốt thép dự ứng lực D600mm hiện nay đang tạm tính là chưa phù hợp; một số nội dung công việc có điều chỉnh bổ sung nhưng chưa lập hồ sơ để thậm định phê duyệt làm cơ sở hoàn công và quyết toán.

Đối với công tác quản lý chi phí đầu tư, thanh quyết toán, cả hai dự án khi thực hiện thanh toán chi phí tư vấn quản lý dự án còn áp dụng sai định mức; thanh toán một số khối lượng chưa phù hợp với bản vẽ hoàn công; chi phí lãi vay trong thời gian thi công do nhà thầu thi công không hợp lý; một số nội dung chưa đủ điều kiện quyết toán

“Chiếm dụng” diện tích dành cho quỹ đất xây dựng nhà cho người thu nhập thấp

Theo Kiểm toán Nhà nước, tại dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, Trung tâm phát triển quỹ đất đã bồi thường, hỗ trợ cả phần diện tích thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước và cả diện tích cơi nới trái phép với số tiền lên tới 41,8 tỷ đồng (diện tích thuê nhà 38,7 tỷ đồng, diện tích cơi nới 3,17 tỷ đồng). Theo quy định tại Điều 14, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì hai loại diện tích trên đều không được bồi thường và hỗ trợ. UBND tỉnh ban hành cơ chế bồi thường như trên là không đúng với quy định của Nhà nước.

Tại dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, thành phố giao phần lớn diện tích đất của dự án cho chủ đầu tư để xây dựng Dự án phát triển nhà ở hai bên đường Kỳ Đồng mà không dành 20% diện tích đất cho Quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp theo quy định. Trung tâm phát triển quỹ đất giao đất tái định cư và đất ở mới cho 2 hộ dân thôn Đại Lai 1, xã Phú Xuân không đúng với quy định.

Đáng chú ý, ngày 28/9/2017, chủ đầu tư ứng 2,56 tỷ đồng để thực hiện công tác nâng cao tĩnh không nhưng đến thời điểm hiện tại Trung tâm phát triển quỹ đất mới lựa chọn được nhà thầu, chưa ký hợp đồng với nhà thầu. Việc ứng vốn không đúng thời điểm như trên của trung tâm gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước với số lãi tính đến 31/10/2017 là 20,8 triệu đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết UBND thành phố Thái Bình thực hiện đang bồi thường, hỗ trợ cây cối hoa màu trên đất (lúa đang phát triển) cho các hộ dân giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo đề án trồng lúa và hoa màu do UBND tỉnh Thái Bình ban hành thì đến thời điểm phê duyệt phương án BT, HT, lúa đang phát triển tại thời điểm đã được thu hoạch. Do đó, Trung tâm phát triển quỹ đất đang bồi thường thừa cho các hộ dân với tổng số tiền là 352 triệu đồng.

Về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án, tại dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư có thu tiền đặt cọc mua căn hộ (phải nộp vào ngân sách Nhà nước) để làm nguồn vốn thực hiện dự án, số tiền 46,4 tỷ đồng (đến 31/10/2017 đã trả nợ gốc ngân hàng số tiền 23 tỷ đồng).

Về công tác quản lý tài chính kế toán, tại dự án đường Kỳ Đồng kéo dài, Kiểm toán Nhà nước xác định lãi vay nhà đầu tư hạch toán vào chi phí đầu tư cao hơn quy định là 2,9 tỷ đồng; nhà đầu tư không lập báo cáo tài chính riêng dự án, còn hạch toán chung phát sinh dự án BT và dự án đối ứng.

Đối với dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, nhà đầu tư đã bán, cho thuê, mua đi bán lại đối với nhà ở xã hội chưa đúng với quy định trong hợp đồng BT và các quy định pháp luật. Nhà đầu tư không lập báo cáo tài chính riêng cho dự án, còn hạch toán chung phát sinh của dự án BT và dự án đối ứng; thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng chung với hoạt động kinh doanh chính mà chưa kê khai riêng thuế giá trị gia tăng đối với Dự án BT.

Dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp của Công ty Damsan

Về tiến độ thực hiện dự án, Kiểm toán Nhà nước cho biết dự án đã hoàn thành từ 7/2017, nhưng đến tháng 12/2017 UBND tỉnh Thái Bình chưa có quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu, phê duyệt đề cương kiểm tra nghiệm thu công trình vào sử dụng làm cơ sở thực hiện. Do đó, đến thời điểm kiểm toán chưa có biên bản bàn giao công trình đưa vào sử dụng (chậm so với kế hoạch 6 tháng) nên nhà đầu tư chưa lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo quy định.

Kiến nghị xử lý tài chính gần 100 tỷ đồng

Với các kết luận trên, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Công ty Cổ phần Damsan điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính đến 31/10/2017 theo kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý tài chính số tiền 79 tỷ đồng, trong đó dự án nhà ở xã hội là 77 tỷ đồng (nộp ngân sách 38,2 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng BT 32 tỷ đồng); dự án đối ứng khu dân cư xã Phú Xuân 1,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty Damsan cũng bị yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán.

Đối với Công ty TNHH Xây dựng Chuyển giao Hoàng Long (doanh nghiệp dự án của Dự án đường Kỳ Đồng kéo dài), Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính số tiền 14,8 tỷ đồng, gồm: dự án đường Kỳ Đồng kéo dài 12,3 tỷ đồng, dự án đối ứng phát triển nhà ở hai bên đường Kỳ Đồng kéo dài 2,5 tỷ đồng.

Công ty cũng bị yêu cầu hoàn thiện công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán.

Đối với UBND tỉnh Thái Bình, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp, UBND tỉnh cần cân nhắc việc lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp, cân nhắc ủy quyền cho UBND cấp huyện làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT. Đồng thời xem xét việc tổ chức đấu thầu đối với các dự án đối ứng theo kế hoạch thực hiện của tỉnh để nâng cao tính minh bạch, chấn chỉnh rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh quy mô công trình…

Hạ Vy (VietnamFinance)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.