Đây là công trình lớn nhất của Pháp kể từ lúc khánh thành Thư viện Quốc gia (vốn đầu tư 1,2 tỉ euro) và khởi công xây dựng sân vận động Stade de France (364 triệu euro) cùng vào năm 1995. Theo đó, khuôn viên rộng 16,5 ha tại khu vực Balard thuộc quận 15 của thủ đô Paris sẽ là nơi tập trung những bộ phận chủ chốt của quân đội nước này: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Lục quân, Không quân và Hải quân, Trung tâm Chiến lược và chỉ huy các chiến dịch quân sự... Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Pháp, khu phức hợp này có diện tích sử dụng hơn 400.000m2 và là nơi làm việc của khoảng 10.000 người khi hoàn tất vào cuối tháng 8.2014.
Tập trung, hiện đại và sinh thái
Trước khi bản thiết kế được Bộ Quốc phòng công bố hôm 31.5, giới truyền thông vẫn gọi siêu công trình này là “Lầu Năm Góc của Pháp”. Tuy nhiên, giới chức quân sự khẳng định Pháp không có ý định sao chép Mỹ và chỉ đặt tên cho dự án là Balard 2015. Thật ra, theo thiết kế, điểm khác biệt đầu tiên là tòa nhà trung tâm của khu phức hợp này có hình... lục giác. Xung quanh “Lầu Sáu Góc”, nơi đặt đầu não Bộ Quốc phòng là những dãy nhà của các bộ tư lệnh và cơ quan quan trọng khác.
Theo tờ Le Figaro, kế hoạch tập trung 12 cơ sở quân sự và Bộ Quốc phòng tại Paris vào một đại bản doanh duy nhất được Tổng thống Nicolas Sarkozy đưa ra từ tháng 12.2007. Công trình được thực hiện với sự hợp tác giữa chính phủ và đối tác tư nhân. Nhóm Opale Défense do Tập đoàn xây dựng Bouygues đứng đầu, cùng các tập đoàn Thales (viễn thông), Sodexo (dịch vụ), Exprim (bảo trì), và Dalkia (năng lượng) đã trúng gói thầu này. Theo đó, chi phí xây dựng và hoạt động của khu phức hợp sẽ do Opale Défense lo liệu. Đổi lại, Chính phủ Pháp sẽ trả tiền “thuê” 130 triệu euro/năm trong vòng 27 năm. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 3,5 tỉ euro. Sau 27 năm, khu phức hợp sẽ thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng. Vốn là tên tuổi quen thuộc trong các thương vụ liên kết xây dựng nhà nước - tư nhân, Tập đoàn Bouygues từng tham gia xây dựng trụ sở Bộ Nội vụ Anh.
Dự kiến, Balard 2015 sẽ được khởi công vào tháng 1.2012, huy động khoảng 2.500 công nhân, kỹ thuật viên xây dựng. Khu phức hợp là công trình thiết kế kết hợp của 3 kiến trúc sư nổi tiếng Nicolas Michelin, Jean-Michel Wilmotte và Pierre Bolze. Các nhà thiết kế khẳng định trung tâm quân sự tương lai của Pháp sẽ được vận hành theo đúng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Khu phức hợp sẽ tận dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời và địa nhiệt năng, giúp chi phí nhiên liệu có thể giảm đến 3 lần. Khoảng 7.000m2 các tấm pin năng lượng mặt trời sẽ được lắp đặt. Ngoài ra, những tòa nhà được đặt trên hệ thống trụ đỡ theo kiểu nhà sàn, giúp tận dụng được 60% diện tích mặt đất làm vườn cây.
Bản thiết kế khu phức hợp của Bộ Quốc phòng Pháp - Ảnh: Defense.gouv.fr
Trừ các văn phòng dân sự, những khu vực của Bộ Quốc phòng, các bộ tư lệnh, chỉ huy quân sự sẽ được lắp đặt các thiết bị an ninh tối tân. Nhìn tổng quan, “Lầu Sáu Góc” của Pháp có thiết kế kiên cố, hiện đại và kín đáo với cổng chính cực kỳ đồ sộ, nêu bật được vị thế của công trình.
Nguy cơ an ninh, tài chính
Để có tiền chi trả cho kế hoạch Balard 2015, Chính phủ Pháp dự định bán toàn bộ cơ sở hiện nay của các cơ quan quân sự sẽ dọn về khu phức hợp mới và hy vọng sẽ thu được khoảng 600 triệu euro. Tuy nhiên, việc thực hiện chắc chắn sẽ gặp khó khăn trước tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay. Điển hình là kế hoạch bán khoảng 2 tỉ euro bất động sản của quân đội trong giai đoạn 2009-2014 để tăng cường ngân sách quốc phòng hiện đang bị chững lại. Năm 2009, 2010, quân đội Pháp chỉ thu được lần lượt 65 và 100 triệu euro tiền bán đất, bằng 1/7 so với dự tính.
Trong điều kiện kinh tế suy thoái và phải cắt giảm ngân sách, phương án hợp tác xây dựng nhà nước - tư nhân đang được nhiều nước lựa chọn. Công ty tư nhân, vốn không thiếu tiền, sẽ đầu tư để dự án được khởi công và kiếm lợi nhuận từ tiền “trả góp” của các chính phủ sau đó. Pháp từng có kinh nghiệm áp dụng với một số công trình bệnh viện, trường học, sân vận động... Tuy nhiên, mặt trái của việc hợp tác này là chi phí cho các dự án sẽ cao hơn và làm tăng gánh nặng nợ nần cho chính phủ.
Riêng với Balard 2015, rất nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi trong buổi họp báo ra mắt bản thiết kế hôm 31.5: “Liệu đặt toàn bộ cơ sở vật chất đầu não của quân đội Pháp vào tay tập đoàn tư nhân có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng? Chẳng hạn trong trường hợp một quốc gia đối nghịch bỏ tiền đầu tư vào tập đoàn đó...”. Trả lời giới truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Gérard Longuet khẳng định hợp đồng giữa hai bên được quy định rất nghiêm ngặt, ngoài ra Chính phủ Pháp còn áp dụng một số biện pháp dự phòng để đảm bảo công tác bảo mật.