29/04/2014 3:18 PM
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý nợ xấu còn trông đợi quá nhiều vào VAMC nên quá chậm

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014, vấn đề xử lý nợ xấu được nhiều chuyên gia đề cập với nhiều cảnh báo về áp lực rủi ro của nợ xấu đối với nền kinh tế gia tăng, đồng thời đề xuất những giáp pháp cấp bách.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lo lắng rằng, một trong những vấn đề của nợ xấu và nợ công hiện nay là “hiện có xu hướng đánh giá nguy cơ thấp hơn thực tế, ít căn cứ vào sức khỏe thực của nền kinh tế, của ngân sách nhà nước và của doanh nghiệp”.

Thực tế, ông Thiên cho biết, tính đến hết năm 2013, nợ xấu là 3,97% (phân loại theo quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước, về cơ cấu lại nợ nhưng không phải chuyển nhóm). Tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ xấu được cơ cấu lại) đến cuối tháng 2/2014 là 9,71%. Trong khi đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) không thể xử lý nhanh nợ xấu do thiếu thể chế thích hợp (thị trường mua bán nợ), như: mua 35.000 tỷ đồng cho món nợ gốc 45.000 tỷ đồng (giá nợ xấu = 77% giá nợ gốc); đã bán được 1.100 tỷ đồng.

Dù kỳ vọng và mục tiêu đặt ra đối với xử lý nợ xấu, đặc biệt là với công ty VAMC, là rất lớn, song thực tế diễn ra, theo quan sát của ông Thiên, xử lý nợ xấu còn chậm. Điều này đang là một nút thắt quan trọng gây tắc nghẽn lưu thông vốn trong nền kinh tế. Hệ quả nhãn tiền của việc chậm trễ giải quyết nợ xấu một cách rốt ráo khiến mỗi năm có hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị phá sản, và số doanh nghiệp phá sản năm sau luôn cao hơn năm trước. “Thực tế diễn ra thời gian qua về xử lý nợ xấu, không phải ngành ngân hàng không nỗ lực, nhưng còn trông đợi quá nhiều vào VAMC nên quá chậm”.

Vì thế, ông đề nghị để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, cứu được doanh nghiệp thì yêu cầu thực tiễn đặt ra là phải có cơ chế chính sách cho việc mua bán nợ, phải thiết lập hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ.

Đặc biệt, một biện pháp quyết liệt, triệt để để xử lý một phần cơ bản nợ xấu được ông Thiên đề nghị, đó là giải quyết nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”, chứ không thể xử lý nợ xấu của VAMC qua mua bán bằng trái phiếu đặc biệt của công ty này. Nguồn tài chính để xử lý nợ xấu bằng "tiền tươi", ông Thiên cho rằng, có thể lấy từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. Và cách làm này sẽ có thể tránh cho cái giá phải trả sẽ rất lớn nếu vẫn tiếp tục để nợ xấu ở mức cao.

Đồng tình quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc xử lý nợ xấu không thể theo kiểu “tay không bắt giặc”. Theo ông Doanh, hiện nay để mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt qua VAMC sẽ không biết đến bao giờ Việt Nam mới xử lý được nợ xấu.

Nhưng ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, lại băn khoăn về giải pháp xử lý nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”. Ông Lực đặt câu hỏi: Lấy tiền ở đâu? Theo ông, các mô hình công ty xử lý nợ trên thế giới thường bỏ ra 0,5% - 3% tổng số nợ xấu để làm nguồn xử lý nợ. Hiện VAMC mới bỏ số vốn 500 tỷ đồng (khoảng 0,5%) tổng nợ xấu, sắp tới đề xuất tăng lên 2.000 tỷ đồng. Chuyên gia này cho rằng vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ dựa vào nguồn vốn để mua nợ: “Điều quan trọng là cơ chế xử lý tài sản sau khi mua nợ xấu, nhưng thông tư về vấn đề này đến nay các bộ, ngành vẫn đùn đẩy nhau. Bên cạnh đó, phải sớm thiết lập được thị trường mua bán nợ”.

Xuân Thân (VOV online)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.