31/03/2013 8:21 PM
Liên quan đến ý kiến không nên “giải cứu” thị trường bất động sản của tiến sĩ (TS) Alan Phan và “nên để thị trường rơi tự do”, có ý kiến đặt ra là liệu người ít tiền có được hưởng lợi khi thị trường bất động sản “chết” hay không?

“Tai nạn trong kinh doanh”

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sự đóng băng của thị trường bất động sản như một "tai nạn trong kinh doanh" không phải doanh nghiệp bất động sản tự gây ra mà còn là trách nhiệm của nhà nước.

Ngoài ra, việc một thời gian người dân ùn ùn mua nhà cũng góp phần tạo ra cơn sốt ảo của thị trường nhà đất.

Do đó, theo ông Đực để giải quyết khủng hoảng này, cần sự phối hợp của "ba nhà": nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

"Một điều nữa là khi bất động sản "chết" có phải mình doanh nghiệp bất động sản "chết" hay không, hay là người dân cũng "chết", cũng phải liên lụy. Hay bất động sản "chết", liệu người nghèo có mua được nhà hay không?", ông Đực đặt vấn đề.

Cho nên "ba nhà" này phải có trách nhiệm cứu thị trường bất động sản. Cứu này không phải là cứu riêng thị trường mà là cứu nền kinh tế, cứu những người dân mua nhà mà đến nay nhà chưa được giao. Chúng ta không thể vô tâm để thị trường bất động sản "chết".

"Riêng với tôi, 30.000 tỉ đồng như vừa qua không thể cứu được thị trường mà chỉ là ngọn lửa mồi để làm thị trường hồi sinh mà thôi", ông Đực nói.

Theo ông Đực, trong 30.000 tỉ đồng này, 20.000 tỉ đồng hỗ trợ người mua nhà giá thấp, còn 10.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội.

Ngoài ra, nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, giấy tờ để doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào.

Nhiều giải pháp được đưa ra để cứu thị trường bất động sản nhưng chưa đạt hiệu quả cao - Ảnh: Đình Quân

Cung chưa gặp cầu

Đúng 12 giờ trưa nay 31.3, TS Alan Phan đã có thư trả lời “chất vấn” của hàng trăm doanh nghiệp bất động sản thuộc Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội.

Trước đó, trước những đề xuất và giải pháp cứu thị trường bất động sản, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, ông Alan Phan cho biết không nên cứu mà “nên để thị trường rơi tự do”. Thậm chí giá nhà nên giảm thêm 30-50% để nhiều người dân mua nhà hơn.

Nhận định và phát biểu của ông lập tức gây sốc đối với doanh nghiệp bất động sản từ Nam chí Bắc. Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, với hàng trăm hội viên, đã gửi thư ngỏ nêu một loạt câu hỏi "đòi" chất vấn đến TS Alan Phan về phát ngôn của ông.

Trong bức thư, TS Alan Phan nhắc lại ở thời điểm năm 1995 - 2006, giá nhà đất tăng cả mấy trăm phần trăm nhưng không thấy doanh nghiệp nào kiến nghị Chính phủ nhảy vào để cứu người tiêu dùng cả.

Ở đây, TS Alan Phan cho hay việc thị trường ế ẩm và đóng băng như hiện nay là do cung chưa gặp cầu.

Theo đó, trên thị trường vẫn đang thừa mứa nhà cao cấp trong khi phân khúc nhà giá thấp được nhiều người mong chờ lại không nhiều.

TS Alan Phan là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm đầu tư tại Mỹ và Trung Quốc.

Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987).

Năm 1999, Công ty Hartcourt của ông đạt trị giá 670 triệu USD. Ông nguyên là chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hồng Kông

“Trên góc cạnh thị trường, khi người bán đáp ứng được nhu cầu người mua về sản phẩm và dịch vụ (gồm nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là giá cả và chất lượng) thì giao dịch xẩy ra. Do đó, câu hỏi cốt lõi là những bất động sản mà quý vị đã và đang sản xuất có mức giá và chất lượng theo đúng nhu cầu của người tiêu dùng chưa?”, TS Alan Phan hỏi ngược những người chất vấn.

Liên quan đến việc doanh nghiệp than khó tìm vốn, ông Alan Phan ước tính vốn trong dân hiện khoảng 60 tỉ USD, vốn từ kênh Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài khoảng 20 tỉ USD. Con số này thừa đủ để giải quyết tồn kho của bất động sản.

Bình minh sẽ đến

Trong nội dung của bức thư, theo TS Alan Phan, trong khó khăn, khủng hoảng vẫn có một số doanh nghiệp đi tìm những hướng đi mới và đạt được thành công, phát triển mạnh.

Điển hình như “bầu Đức” của Hoàng Anh Gia Lai chọn giải pháp “xuất ngoại” khi bán bất động sản tại Việt Nam và đem tiền đổ vào Lào và Myanmar.

Ông Phạm Nhật Vượng của Vincom đạt được danh hiệu tỉ phú đô la với phân khúc trung tâm thương mại cao cấp trong thời bão táp.

Ông Nguyễn Xuân Quang của Nam Long thành công với vốn ngoại và mô hình E-Home cho phân khúc trung lưu.

Hay như trường hợp phát triển như ông Lương Trí Thìn (Đất Xanh), ông Nguyễn Văn Đực (Đất Lành) là những thí dụ.

“Trong sâu thẳm, tôi vẫn mang nhiều hy vọng. Có thể một lúc nào đó, những tinh hoa của đất Việt sẽ quên đi quyền lợi cá nhân của mình và gia đình để san sẻ lại cho người dân kém may mắn hơn. Không phải để làm từ thiện, mà nhận trách nhiệm rộng lớn hơn với cộng đồng và với thế đứng của Việt Nam trên thương trường quốc tế”, TS Alan Phan cho biết.

“Mặt trời trong tôi lặn để bình minh lại đến”, TS Alan Phan dẫn một nói nổi tiếng của Robert Browning.

Trung Hiếu (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.