Phối cảnh dự án Khu đô thị Đại Ninh.
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Lâm Đồng, cơ quan này đã kiến nghị thu hồi một số dự án trên địa bàn, trong đó có dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Khu đô thị du lịch Đại Ninh với tổng vốn 25.243 tỷ đồng được đầu tư trên diện tích đất 3.595 ha, trong đó 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp (thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia -huyện Đức Trọng) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh vào cuối năm 2010.
Dự án trên được triển khai xây dựng từ năm 2010 - 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án hầu như chưa được xây dựng. Gần 10 năm qua, chủ đầu tư chỉ xây 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ...
Theo tìm hiểu của Nhà Đầu Tư, CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh (tên viết tắt: Sài Gòn Đại Ninh Corp) được thành lập vào đầu năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group - 85%), và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại là Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%). Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp.
Tới ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp nâng mức vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, phần vốn chi phối 88,5% lúc này được chuyển sang bà Phan Thị Hoa. Song về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 là chủ sở hữu của Phương Nam Group.
Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam có lịch sử khá lâu đời với tiền thân là một tổ hợp xuất khẩu thảm cói, thảm đay xuất khẩu sang Liên Xô.
Trên website, công ty này cho biết thành lập vào năm 1993, và hiện "đã bứt phá từ vị trí của một doanh nghiệp tư nhân nhỏ trở thành tập đoàn kinh doanh về bất động sản, với nguồn lực hùng mạnh cả về tài chính, nhân lực cũng như uy tín, thương hiệu trên thị trường".
Theo đó, giai đoạn 1997 - 2005, Phương Nam đã đầu tư quy hoạch xây dựng khu nhà ở Phường Tân Phú, Quận 7, TP HCM với quy mô 26.444 m2. Đến năm 2006 liên doanh với Công ty Vàng bạc Đá quý TP HCM (SJC) để kinh doanh vàng 9999 và trang sức vàng nữ trang ITALIA.
Năm 2009, để đón đầu thị trường bất động sản, Phương Nam đã tiến hành kế hoạch đầu tư siêu dự án hơn 25.000 tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng và thành lập nên Sài Gòn Đại Ninh Corp.
Cập nhật tại ngày 31/12/2020, vốn điều lệ của Phương Nam đạt mức 540 tỷ đồng, trong đó bà Phan Thị Hoa nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ 92% VĐL, 3 cổ đông còn lại là bà Đào Thúy Hằng- Trợ lý Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc (4%), bà Đào Thúy Uyên- Trợ lý Chủ Tịch HĐQT kiêm Giám đốc kinh doanh (1%) và ông Phan Văn Đức (3%).
Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện trong ít nhất 4 năm giai đoạn 2016-2019, Phương Nam Group gần như không có hoạt động nào đáng kể. Tổng tài sản và vốn điều lệ của công ty mẹ giữ nguyên ở mức 945,7 tỷ đồng và 540 tỷ đồng. Doanh thu ở mức 0 tỷ đồng năm 2016, 2018 và 0,9, 5,2 tỷ đồng năm 2017, 2019. Doanh nghiệp báo lỗ thuần từ năm 2016, với giá trị cũng không đáng kể.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ được ban hành tháng 7/2020, thì tới cuối tháng 1/2021, một diễn biến đáng chú ý tại Sài Gòn - Đại Ninh là bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật, mà được thay bằng ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay. Hệ sinh thái Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ bất động sản, kinh doanh quán bar, nhà hàng (F&B), trung tâm hội nghị tiệc cưới, giáo dục và đã được Nhadautu.vn đề cập chi tiết trong bài viết gần đây.
-
Nhà đầu tư vỡ mộng làm giàu ở thị trường bất động sản Bảo Lộc
Bỏ ra hơn 40 tỷ đồng để mua 1 phần quả đồi vốn là đất trồng cà phê cạnh thác Đambri, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với mục đích phân lô bán nền, nhưng sau hơn 1 năm đầu tư và xin giấy phép bất thành, ông Nguyễn Đỉnh Núi không thể thực hiện được mục đích làm giàu.
-
Sóng ngầm bất động sản Lâm Đồng
CafeLand – Trong khi một số thị trường bất động sản, nhất là những khu vực có tiềm năng du lịch như Đà Nẵng và Nha Trang, bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 bùng phát, thì Lâm Đồng vẫn luôn là tâm điểm của các nhà đầu tư cá nhân lẫn doanh nghiệp.
-
Lâm Đồng thu hồi dự án Đà Lạt Plaza liên quan đến vụ án Trương Mỹ Lan
UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thu hồi 3.377 m² đất tại số 33 Phan Như Thạch, phường 1, TP Đà Lạt, trước đây được giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Delta để thực hiện dự án Khu liên hợp Khách sạn và Trung tâm thương mại Đà Lạt Plaza. Lý do thu hồi l...
-
Tương lai Lâm Đồng năm 2030 sẽ ra sao với loạt dự án hạ tầng giao thông?
Theo Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng sẽ tập trung triển khai loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, với tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 ước tính lên đến 757.548 tỷ đồng, nh...
-
“Phù thủy ánh sáng” Isometrix chọn Haus Da Lat kiến tạo công trình ánh sáng đầu tiên tại Việt Nam
Isometrix – “Phù thủy” thắp sáng các công trình biểu tượng thế giới cùng kiến trúc sư vĩ đại Kengo Kuma kết hợp ánh sáng, kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật sắp đặt tạo ra công trình ánh sáng độc đáo dành riêng Haus Da Lat, dự kiến khai trương vào thán...