04/11/2022 2:21 PM
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với nhiều con số đáng chú ý.

Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker trong 9 tháng đầu năm đạt 15,61 triệu tấn, tương đương 71,9% kế hoạch năm 2022; sản xuất xi măng đạt 18,56 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng sản phẩm tiêu thụ trong giai đoạn này ở mức 20,88 triệu tấn, riêng tiêu thụ xi măng đạt 18,5 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) báo lãi hơn 1.450 tỷ đồng 9 tháng đầu năm

Trong quý 4/2022, Vicem ước đạt mục tiêu sản lượng sản xuất xi măng là 7,19 triệu tấn; sản lượng clinker ở mức 5,6 triệu tấn. Tổng sản phẩm tiêu thụ trong quý này đạt 8,35 triệu tấn.

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của toàn Vicem 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1.452,8 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, Vicem đã hoàn thành hơn 85% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ban lãnh đạo Vicem đánh giá, đây là kết quả đạt được trong khi kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn. Giá xăng, dầu, than tiếp tục tăng, đồng thời nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp.

Về kế hoạch cả năm 2022, Vicem ước sản lượng sản xuất clinker đạt 21,21 triệu tấn; sản lượng sản xuất xi măng đạt 25,74 triệu tấn, tăng 6,9% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 29,23 triệu tấn với lợi nhuận trước thuế đạt 1.706,7 tỷ đồng.

Vicem cho biết, sẽ bám sát diễn biến thị trường để điều chỉnh giá bán xi măng linh hoạt theo từng địa bàn, chủng loại; đồng thời, xây dựng giải pháp trong chính sách bán hàng để tăng sản lượng, thị phần tiêu thụ xi măng trong nước.

Thời gian tới, Tổng công ty Xi măng Việt Nam sẽ tái cơ cấu 5 nhà máy xi măng hoạt động chưa hiệu quả là Xi măng Tam Điệp, Xi măng Hoàng Mai, Xi măng Hải Vân, Xi măng Hạ Long của và Xi măng Sông Thao.

Ngoài ra, Vicem cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt điều chỉnh và bổ sung vốn điều lệ của Công ty Mẹ, đồng thời phê duyệt kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Vicem; Đề án tái cơ cấu lại Vicem giai đoạn 2021-2025.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất

9 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, khối lượng rác thải được sử dụng tại 4 đơn vị thành viên là Bút Sơn, Hà Tiên, Hạ Long, Sông Thao đạt 152.880 tấn; sử dụng 89.216 tấn bùn thải, thay thế 6,29% sét; sử dụng 2,193 triệu tấn tro, xỉ làm phụ gia.

Ngoài ra, tổng khối lượng thạch cao nhân tạo được sử dụng thay thế một phần thạch cao tự nhiên là 102.272 tấn, riêng Xi măng Hạ Long sử dụng 100% thạch cao nhân tạo.

Hiện giá than nhập khẩu tăng 95% trong 9 tháng đầu năm, hiện ở mức 496 USD/tấn, than trong nước cũng tăng 3 lần với mức tăng 30 - 40% nhưng không có nguồn, bởi ưu tiên cho điện.

Để phục vụ sản xuất, năm 2022, Vicem đã thực hiện các giải pháp về công nghệ, vận hành, sửa chữa, cải tạo, thay thế thiết bị đáp ứng việc sử dụng than phẩm cấp thấp, tăng sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất.

Đáng chú ý, công ty đã chỉ đạo Vicem Hoàng Mai sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý “nút thắt” nâng năng suất lò nung trong tháng 3 (sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch), đã nâng năng suất lò từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.500 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiệt giảm khoảng 40 Kcal/kg clinker.

Việc tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng được đẩy mạnh theo phương án đã phê duyệt; trong đó, chú trọng giải pháp đảm bảo nguồn cung và tối ưu hóa logistics.

  • Sau 3 lần tăng giá, doanh nghiệp xi măng làm ăn ra sao?

    Sau 3 lần tăng giá, doanh nghiệp xi măng làm ăn ra sao?

    Sau nhiều lần điều chỉnh giá bán do áp lực giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao, nhiều doanh nghiệp xi măng vẫn “ăn nên làm ra” bất chấp sự suy yếu của thị trường bất động sản và kênh xuất khẩu.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.